Nghiệp và đời cay đắng của đô cử mồ côi Quốc Toàn sau 8 năm nhận lại HCĐ Olympic

Trần Khánh
thứ năm 3-12-2020 17:15:47 +07:00 0 bình luận
Tấm HCĐ Olympic 2012 nhận lại sau 8 năm với Trần Lê Quốc Toàn là sự an ủi nhưng lại đắng cay, ứng với cuộc đời của đô cử tài năng này.

Ngày 26/11/2020, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thông báo, Trần Lê Quốc Toàn được đôn lên nhận HCĐ sau khi VĐV Hristov của Azerbaijan dính doping ở môn cử tạ Olympic 2012. Hơn 8 năm sau, tức 3041 ngày, công lý mới được thực thi.

Khi chúng tôi báo thông tin, Trần Lê Quốc Toàn không cảm xúc. Thậm chí, anh dè chừng với thông tin bởi nó râm ran mấy năm qua. “Tôi nghe trước đây là VĐV Azerbaijan dính doping và mình được đôn lên nhận HCĐ nhưng mấy năm qua, tôi chưa có thông báo chính thức nào. Bẵng đi thời gian, tôi quên luôn”, Toàn lắng lòng tâm sự sau ít giây bình tâm đón nhận.

Toàn từng thất bại ở Olympic 2012 nhưng nếu công tâm, anh đã giành tấm HCĐ.

Đô cử quê Đà Nẵng tin đó là sự thật nhưng rồi, Toàn mới cay đắng thốt lên: “Tôi không biết nên vui hay nên buồn với tấm HCĐ này nữa”. Toàn đã được trả lại công lý. Ấy vậy, niềm an ủi đó lại là sự nghiệt ngã. Tám năm qua, Toàn luôn dằn vặt vì sao một VĐV bị bỏ cách tới 20-30kg nhưng chỉ trong 8 tháng lại vụt lên chiến thắng chính mình. Nếu không có phút giây nghiệt ngã đó, cuộc đời của đô cử này có thể đã sang trang.

Sự cay đắng với Toàn không chỉ đến từ sân chơi Olympic mà nó đến từ hành trình đầy chông gai ở nghiệp và đời. Toàn sinh ra trong gia đình khó khăn. Anh là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh em. Thuở thiếu thời, chàng trai hiền lành quê Đà Nẵng phải tạm gác con chữ năm mới 8 tuổi để mưu sinh, phụ giúp bố mẹ.

Sau khi gác lại con chữ, Toàn đi làm thuê cho một xưởng đá thạch cao ở làng đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Tất tả mỗi sáng, Toàn dậy rất sớm để phụ mẹ chở hàng ra chợ rồi mới hì hụi đạp xe xuống làng đá, chăm chỉ làm việc để mỗi tháng nhận về 500.000 đồng lương. Tất cả số tiền đó, Toàn đưa về giúp mẹ nuôi các em và chạy bệnh cho ba. Mong ước của Toàn thật giản đơn. Anh cầm trên tay đồng lương mỗi cuối tháng để đưa cho mẹ mua thuốc cho ba với hy vọng giúp ba vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.

Dù liên tiếp thất bại ở các giải đấu nhưng Toàn không hề mất đi ý chí. 

Cuộc sống cứ thế trôi qua. Bỗng một ngày, khi đang hì hục bên những phiến đá, anh thoáng chốc nghe thông tin Trung tâm Huấn luyện thể thao tuyển VĐV cử tạ. Chàng phu đá đạp xe một mạch về nhà báo với bố mẹ rằng anh muốn đăng ký làm VĐV cử tạ. Thế là, Toàn chở mẹ đến xin gặp  HLV Phan Văn Thiện. Ngay cái nhìn đầu tiên, đập vào HLV Thiện là một chàng trai với vóc dáng đậm, vạm vỡ, ánh mắt đầy ý chí.

Từ đó, Toàn đến với cử tạ. Gia đình nghèo khó nên Toàn chịu khổ với chiếc xe đạp lọc cọc. Cứ mỗi 4h sáng, Toàn cùng con xe cà tàng rong ruổi trên các con phố để đến với Trung tâm. Đến 5h chiều, anh lại lủi thủi ra về một mình.

Bao nhiêu đồng lương ít ỏi, Toàn dành dụm. Toàn còn cắt khoản phụ cấp ăn trưa để đem về chia sẻ cùng mấy đứa em. Lúc rảnh rỗi, Toàn xin đi làm thêm. Anh đạp xe lọc cọc đi bỏ sữa cho các quán nước, cửa hàng tạp hóa để kiếm thêm tiền phụ giúp ba mẹ. 

Quần quật cả ngày trời nhưng Toàn không hề xao nhãng việc tập luyện. Trái ngọt rồi cũng đến với chàng trai hiền lành này. Năm 2005, lần đầu tiên Toàn được tham dự Giải trẻ toàn quốc ở Hải Dương, bất ngờ giành HC vàng. Từ đó, cái tên Quốc Toàn trở nên quen thuộc, thành mối lưu tâm của các HLV. Cũng trong năm đó, người cha thân yêu qua đời do không trụ nổi bệnh ung thư. Tình thương với mẹ, nỗi đau mất cha và lời hứa sẽ thay cha làm trụ cột, chăm sóc các em khiến Toàn đứng vững và chiến thắng số phận.

Năm 30 tuổi, anh vẫn tham dự giải VĐQG cùng các VĐV thế hệ sau kém hơn 10 tuổi.

Toàn càng ý chí, quyết tâm hơn với nghiệp cử tạ. Những thành công đến với đô cử đầy nghị lực này. Năm 2009, Toàn vượt qua đàn anh Hoàng Anh Tuấn để lần đầu thống trị nội dung 56 kg, với tổng thành tích 258 kg. Tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2010, Toàn giành ngôi vô địch với tổng thành tích 261 kg.

Đó là bệ phóng để Toàn tham dự SEA Games 2011, giải đấu quốc tế lớn trong đời. Anh khiêm tốn đặt mục tiêu giành HCĐ nhưng ngỡ ngàng thay, Toàn vượt hơn cả sự mong đợi với tấm HCV hạng cân 56kg. 

Lúc khởi nghiệp, Toàn chạm ngay cái bóng quá lớn của “đàn anh” Hoàng Anh Tuấn. Nhưng rồi, anh cố gắng vượt qua để có hai năm huy hoàng 2011 và 2012. Toàn chính là niềm hy vọng lớn nhất của Thể thao Việt Nam ở Thế vận hội 2012 được tổ chức ở London (Anh). Anh thất bại vì đối thủ sử dụng doping. Ấy thế, Toàn tự nhận, thời điểm đó, bản anh thua vì chiến thuật và lỗi ở anh. 

Sau cú ngã đau điếng, cuộc đời Toàn bỗng chốc rẽ sang hướng khác. Anh muốn quên đi thất bại đó, để làm lại từ đầu. Từ đây, cử tạ Việt Nam xuất hiện Thạch Kim Tuấn trẻ hơn, có tố chất và tài năng hơn ở hạng cân 56kg. Toàn luôn đứng sau nhưng không bao giờ nản. Toàn không hề trách móc số phận. Ấy thế, sự nghiệt ngã chưa thôi bám lấy đô cử tài năng này.

Nghiệp VĐV Toàn gác lại. Anh vẫn sẽ đến Olympic vào năm sau để nhận tấm HCĐ. Thế nhưng, tấm HCĐ phải thuộc về Toàn cách đây 8 năm đó bỗng là sự an ủi trong nghiệt ngã. Giá nó đến sớm hơn thì giờ đây, Toàn đã có một cuộc sống ấm êm hơn, xứng với công sức, thành quả mà anh nỗ lực từng ngày. 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm