Môn điền kinh Olympic Tokyo với 48 nội dung, thi đấu từ 30/7 đến 8/8/2021. Đã có 3 kỷ lục thế giới, 12 kỷ lục Olympic, 28 kỷ lục châu lục và 151 kỷ lục quốc gia được thiết lập. 83 đoàn tham dự và có đến 23 đoàn giành HCV.
Dưới đây là những cái nhất ĐẦU TIÊN của điền kinh Olympic Tokyo do webthethao.vn thống kê:
HCV đầu tiên tại Tokyo
30/7/2021 là ngày thi đấu chính thức đầu tiên của môn điền kinh trên sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Ngày này chỉ có một nội dung chung kết duy nhất là chạy 10000m nam.
Selemon Barega (Ethiopia) trở thành VĐV giành HCV điền kinh đầu tiên ở Tokyo sau khi vượt qua hai VĐV Uganda là Joshua Cheptegei (27:43.63) và Jacob Kiplimo (27:43.88) với thành tích 27:43.22.
Ngược lại, người giành HCV cuối cùng của điền kinh là Eliud Kipchoge (Kenya) khi bảo vệ thành công chức vô địch marathon nam Olympic giành được tại Rio 2016 trên đất Brazil 5 năm trước. Huyền thoại 36 tuổi về đích đầu tiên với thành tích 2:08:38, xếp trên Abdi Nageeye (Hà Lan, 2:09:58) và Bashir Abdi (Bỉ, 2:10:00) trong ngày thi đấu cuối 8/8/2021 tại Sapporo.
VĐV nữ đầu tiên giành nhiều HCV nhất ở tất cả nội dung thi đấu
Elaine Thompson-Herah (Jamaica) trở thành VĐV giành nhiều HCV nhất môn điền kinh kỳ này với 3 tấm HCV ở cả 3 nội dung mình tham dự. Đầu tiên là kỷ lục Olympic 100m với thông số 10.61, sau đó là HCV 200m với thành tích 21.53 và cuối cùng là HCV cùng đội chạy tiếp sức nữ 4x100m.
Cô không phải nữ VĐV duy nhất ở Thế vận hội này giành huy chương ở tất cả nội dung mình tham dự, nhưng là nữ VĐV đầu tiên giành HCV ở tất cả những nội dung đó. Có một VĐV khác cũng dự tranh 3 nội dung nhưng chỉ giành 2 HCV và 1 HCĐ. Đó là Sifan Hassan (Hà Lan), người giành 2 HCV (5000m, 10000m) và HCĐ (1500m).
VĐV Mỹ đầu tiên giành trên 10 huy chương điền kinh Olympic
Allyson Felix (1985) trở thành VĐV điền kinh Mỹ giành nhiều huy chương nhất tại Olympic với tổng cộng 11 huy chương sau 5 kỳ Thế vận hội liên tiếp tham dự.
Kể từ Athens 2004 đến Tokyo 2020, Felix trở thành VĐV Mỹ đầu tiên lọt vào chung kết ở tất cả các nội dung mình tham dự. Cô giành 7 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ ở những cự ly mình từng tham dự như 200m, 400m, 4x100m hay 4x400m.
Trước Allyson Felix, chỉ có duy nhất một VĐV điền kinh từng giành trên 10 huy chương tại các kỳ Olympic là nam huyền thoại Paavo Nurmi (Phần Lan, 1897-1973), người đã giành 12 huy chương (9 HCV, 3 HCB) chỉ trong 3 kỳ Olympic (1920-1924-1928) ở rất nhiều nội dung như: 10000m, 3000m chướng ngại vật, 5000m, 1500m…
HCV và kỷ lục Olympic cho nội dung đầu tiên ra mắt
Chạy tiếp sức 4x400m hỗn hợp nam nữ là nội dung điền kinh lần đầu tiên chính thức được đưa vào thi đấu tại Thế vận hội.
Ba Lan đã trở thành đội đầu tiên giành HCV và thiết lập kỷ lục Olympic với thông số 3:09.87. Các tuyển thủ Karol Zalewski, Natalia Kaczmarek, Justyna Swiety-Ersetic và Kajetan Duszynski đánh bại các đội Cộng hòa Dominica và Mỹ để đem về tấm HCV lịch sử cho Ba Lan.
Quốc gia ít dân số nhất đầu tiên giành 2 HCV
Bahamas trở thành quốc gia có dân số ít nhất (393.244 người) đầu tiên giành tới 2 HCV điền kinh tại Thế vận hội, trong số 23 đoàn giành HCV năm nay.
Steven Gardiner (43.85) và Shaunae Miller-Uibo (48.36) thống trị cả hai nội dung chạy 400m nam và nữ để mang vinh dự này về cho quốc gia.