Sau "giác hơi" ở Rio 2016, Olympic 2021 có trào lưu luyện tập mới

Việt Long
thứ sáu 23-7-2021 20:30:58 +07:00 0 bình luận
Một trào lưu hỗ trợ tập luyện và gia tăng thành tích mới đã xuất hiện tại Olympic 2021 diễn ra ở Tokyo.

Mỗi kỳ Olympic, các vận động viên lại chạy theo một xu hướng mới giúp hỗ trợ quá trình hồi phục, nâng cao tính chuyên môn khi thi đấu.

Bất kỳ cách nào có thể giúp họ tăng khả năng cạnh tranh dù chỉ một chút cũng đủ khiến các VĐV Olympic sẵn sàng thử nghiệm.

Vào năm 2016 tại Rio, phương pháp "giác hơi" - liệu pháp có nguồn gốc từ Trung Quốc, dùng áp suất trong một số dụng cụ gọi là ống giác gây sung huyết tại chỗ để giải độc cơ thể, phòng và trị một số bệnh - đã được rất nhiều VĐV áp dụng. Nổi bật nhất có lẽ là hình ảnh kình ngư Michael Phelps với ngoại hình không khác gì một “chú bạch tuộc" với dấu giác hơi xuất hiện khắp người.

Kình ngư Michael Phelps từng gây sốt với một loạt dấu giác hơi khi thi đấu tại Olympic

Đến Olympic 2021 diễn ra tại Tokyo lần này, các VĐV bắt đầu chạy theo một xu hướng mới. 

Theo tờ New York Times, đó là phương pháp giới hạn lưu thông máu được áp dụng bởi các VĐV bơi lội và điền kinh. Họ sử dụng một dải băng cao su quấn chặt quanh cánh tay hoặc bắp đùi.

Đây là cách thức tập luyện và hỗ trợ hồi phục được phát triển từ n ăm 1966 bởi Yoshiaki Sato, một lực sĩ cử tạ người Nhật Bản.

Vài năm trở lại đây, phương pháp này mới trở nên phổ biến nhờ 2 VĐV người Mỹ là Michael Andrew và Galen Rupp.

Ảnh minh họa về dải băng khiến hạn chế máu lưu thông xuống cánh tay

Hai VĐV lần lượt thi đấu ở môn bơi lội và chạy đường dài đều sử dụng băng ở tay, chân để giới hạn máu lưu thông khi tập luyện chuẩn bị cho Olympic. 

Theo một số nghiên cứu tại Mỹ, việc giới hạn lưu thông máu đến các nhóm cơ được chỉ định trong khi tập luyện sẽ tăng “tải" lên các mô, giúp nhóm cơ này phát triển tốt hơn.

Ví dụ được The New York Times đưa ra về cách cải thiện thành tích của các VĐV như sau: Ban đầu, họ sẽ chạy hoặc bơi mà không có thiết bị hạn chế lưu thông máu và ghi nhận lại thành tích.

Sau đó họ đeo các dải băng này vào tay hoặc chân rồi tập luyện. Vì máu không lưu thông xuống các nhóm cơ chính, thành tích của VĐV sẽ không đạt được như mốc ban đầu.

Từ đây, VĐV sẽ cố gắng đẩy bản thân vượt qua giới hạn, đưa họ đến gần với mốc thành tích ban đầu nhất có thể.

Nhiều VĐV bơi lội đã sử dụng phương pháp này để thúc đẩy bản thân đạt thành tích cao hơn

Một số bộ môn đã áp dụng thử nghiệm phương pháp này và mang lại kết quả bao gồm bóng bầu dục, điền kinh và rugby. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng hiện chỉ có 9-10 đề tài nghiên cứu về vấn đề này được công bố. 

Đây là con số chưa đủ lớn để có thể kết luận rằng chúng thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, phương pháp này cần được thực hiện bởi các chuyên gia về y học thể thao vì chúng có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Mặc dù vậy, nhiều VĐV vẫn tiếp tục sử dụng phương pháp giới hạn lưu thông máu đang ngày một trở nên phổ biến này.

Hai VĐV Galen Rupp và Michael Andrew đã biến việc giới hạn lưu thông máu thành một xu hướng tập luyện mới

Giống như băng Kinesiology (Kinesiology Taping) hay giác hơi, độ hiệu quả việc áp dụng dụng phương pháp giới hạn lưu thông máu vẫn là một dấu hỏi.

Chỉ biết rằng xu hướng này được xuất phát từ các VĐV hàng đầu đang chuẩn bị thi đấu tại Olympic. Từ đó, hàng nghìn VĐV khác sẽ thử và muốn làm theo để cải thiện thành tích của họ.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm