Phân loại VĐV khuyết tật ở Paralympic như thế nào để công bằng?

thứ bảy 17-9-2016 16:06:24 +07:00 0 bình luận
VĐV khuyết tật có những tổn thương và khiếm khuyết rất khác nhau, vì vậy mà việc xây dựng hệ thống phân loại ở từng môn thi đấu không phải chuyện đơn giản.

Nếu theo dõi môn bơi tại Paralympic, chắc hẳn bạn sẽ nghe đến những từ như “hạng thương tật S2” hay “hạng thương tật SB9”. Tương tự ở môn điền kinh, nội dung chạy 400m cũng được chia thành T11 hay T30. Vậy những ký hiệu trên nghĩa là gì?

Tại Paralympic, các VĐV được phân loại theo từng hạng khác nhau ở từng môn thể thao. Những chữ cái và số nêu trên là ký hiệu để chỉ mức độ thương tật và hạng đấu mà VĐV đó được tranh tài.

Bên cạnh đó, không phải ai khuyết tật cũng được tham gia thi đấu. Họ phải trải qua những lần kiểm tra, đánh giá về sức khỏe dựa trên các tiêu chuẩn của Paralympic với 10 loại khuyết tật khác nhau. Ngoài ra, khi đã đủ quyền tham dự, không phải VĐV nào cũng đủ tư cách để thi đấu các môn vì mỗi môn lại có một cách thức phân loại riêng.

Phân loại môn bơi và điền kinh

Các VĐV bơi lội tại Paralympic 2016
Các VĐV bơi lội tại Paralympic 2016

Các nội dung bơi tự do, bơi bướm và bơi ngửa được nhận biết bằng chữ “S” và đánh số từ 1 đến 14, gồm 3 hạng: khuyết tật thể chất (S1-10), khiếm thị (S11-13) và khuyết tật trí tuệ (S14). Trong khi đó, ký hiệu “SB” và “SM” là ký hiệu ở nội dung bơi ếch và bơi hỗn hợp.

Nếu một kình ngư xếp loại S1 nghĩa là VĐV đó bị suy giảm nặng về thể chất, cơ bắp và khả năng vận động ở tay, chân và nửa thân trên. Nguyên nhân của những tổn thương này có thể do chấn thương tủy sống hoặc di chứng từ bệnh bại liệt. Những VĐV ở hạng này thường phải sử dụng xe lăn trong cuộc sống hàng ngày.

Với những kình ngư được xếp hạng S10 thì mức độ thương tổn cơ thể gây trở ngại trong quá trình thi đấu ít hơn. Nói cách khác, số thứ tự càng nhỏ, ảnh hưởng của các khuyết tật tới khả năng thi đấu của VĐV càng lớn.

Ở môn điền kinh, chữ “T” dùng để chỉ những nội dung chạy còn chữ “F” là ký hiệu ở những nội dung còn lại như nhảy xa, ném đĩa…, bao gồm 5 hạng: khiếm thị (hạng 11-13), khuyết tật trí tuệ (20), bại não (31-38), suy giảm thể chất (40-46) và nội dung thi cho VĐV xe lăn (51-58). Tương tự như môn bơi, số phân hạng càng nhỏ thì mức độ ảnh hưởng của các khuyết tật cơ thể lên khả năng thi đấu càng lớn.

Phân loại môn bóng rổ

Bóng rổ ở Paralympic là một trong những môn quy định chặt chẽ và phức tạp nhất, nơi các VĐV đủ tiêu chuẩn là những người không thể di chuyển bằng chân và gặp phải các tổn thương làm giảm khả năng vận động toàn thân khi thi đấu thể thao.

VĐV bóng rổ được phân loại theo thang điểm
VĐV bóng rổ được phân loại theo thang điểm

Các VĐV được kiểm tra, phân loại rồi đánh giá kỹ lưỡng trên một thang điểm. Những cầu thủ càng ít bị thiệt thòi về thể chất sẽ càng nhận số điểm cao, với điểm cao nhất là 4,5 và điểm thấp nhất là 1,0.

Để tránh tình tràng trận đấu diễn ra chênh lệch nếu số điểm một đội quá cao, luật quy định tổng điểm tối đa của 5 cầu thủ của một đội khi đang thi đấu trên sân không được quá 14 điểm.

Cũng gần giống bóng rổ, môn rugby có hệ thống tính điểm với phổ điểm từ 0,5 đến 3,5 và số diểm tối đa cho một đội 4 cầu thủ trên sân là 8 điểm.

Mục đích của việc phân loại

Sau cùng, hệ thống xếp loại của Paralympic nhằm đảm bảo các VĐV có cơ hội ngang nhau khi thi đấu với những đối thủ cùng mức độ thương tật và cố gắng tổ chức những cuộc tranh tài ở mức công bằng nhất có thể.

Nói như thế bởi dù các VĐV đã được theo dõi, phân tích và đánh giá chặt chẽ trong nhiều năm thì độ chính xác trong việc phân loại cũng không thể tuyệt đối. Vẫn sẽ có những sai số. Trường hợp một VĐV có lợi thế hơn so với các đồng nghiệp khác cùng hạng là điều khó tránh.

Kình ngư Jacqueline Freney tại Paralympic 2012
Kình ngư Jacqueline Freney tại Paralympic 2012

Ví dụ như trường hợp của kình ngư Jacqueline Freney. VĐV Australia được xếp hạng thương tật S8 tại Paralympic 2008 và đã giành 3 HCĐ. Tuy nhiên, các quan chức thể thao của Australia cho rằng Freney đã bị đánh giá sai mức độ thương tật.

Sau quá trình khiếu nại và kiểm tra, Freney được chuyển sang hạng S7 tại Paralympic 2012 ở London, nơi cô giành 8 HCV. Nếu so thành tích với các nội dung tương đương ở hạng S8, Freney sẽ hầu như không giành được tấm huy chương nào.

Ngoài ra, những quy định phân loại cũng luôn được cập nhật và ngày càng chặt chẽ để hạn chế gian lận. Điển hình như vụ việc của đội tuyển bóng rổ nam Tây Ban Nha ở Paralympic 2000. Sau khi giành HCV, BTC mới giật mình khi biết 10/12 cầu thủ của Tây Ban Nha không đảm bảo các yêu cầu (khuyết tật trí tuệ) như quy định.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm