Vì sao cử tạ Indonesia cho Việt Nam “ngửi khói” ở Olympic?

Phương Ngọc
thứ năm 5-8-2021 11:50:21 +07:00 0 bình luận
Tại Tokyo, cử tạ Indonesia đoạt 3 huy chương còn Việt Nam trắng tay. Không phải ngẫu nhiên, cử tạ là “mỏ” huy chương của Indonesia ở các kỳ Olympic.

Đằng sau tấm HCĐ bất ngờ của Rahmat

Tham dự Olympic Tokyo 2021, cử tạ Indonesia có 5 VĐV. Trong đó có ba đô cử gạo cội gồm Eko Yuli (sinh năm 1989, hạng 61kg nam), Deni (1989, hạng 67kg nam) và Akmal Nurul (1993, hạng +87kg nữ). Hai VĐV trẻ triển vọng là Windy Asiah (2002, hạng 49kg nữ) và Rahmat Erwin (2000, hạng 73kg).

Rahmat Erwin giành tấm HCĐ Olympic 2021 trong sự ngỡ ngàng của
giới chuyên môn.

Indonesia xác định, Eko Yuli là VĐV có khả năng cao giành huy chương trong khi Deni, Nurul, Windy Asiah được chờ đợi có sự đột phá còn Rahmat Erwin tham dự với mục tiêu tích lũy kinh nghiệm cho tương lai.

Sau những ngày tranh tài ở Tokyo, cử tạ Indonesia khiến các đối thủ phải ngỡ ngàng. Ngoài Eko Yuli giành HCB, họ bất ngờ có hai tấm HCĐ từ những VĐV thế hệ “Gen Z”. Trong đó, tấm HCĐ của Rahmat ngỡ ngàng hơn cả. Đô cử 21 tuổi này chỉ được phân vào nhóm B, dành cho các VĐV có chỉ số tổng cử thấp trước đó.

Thế nhưng, Rahmat bất ngờ giành HCĐ với mức tổng cử 342kg (152kg cử giật và 190kg cử đẩy), chỉ kém HCB của đô cử đến từ Venezuela là Mayora Pernia Julio Ruben đúng 2kg.

Ngay sau thành công ngoài dự kiến này, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia, Zainudin Amali đã yêu cầu đưa Rahmat vào danh sách cho VĐV trọng điểm cho Olympic 2024. 

Gia đình có truyền thống thể thao là điểm tựa với đô cử sinh năm 2000 này.

“Do đại dịch, tôi đã sống trong khu tập luyện gần 18 tháng. Tôi ăn ngủ, tập luyện ở cùng một địa điểm”, Ratmah chia sẻ trên Reuters những khó khăn anh trải qua. Ngoài ra, trong quá trình thi đấu, đô cử sinh năm 2000 này bị chấn thương gân khoeo trong khi khởi động trước phần thi cử đẩy. 

Tấm HCĐ này của Rahmat đã viết tiếp giấc mơ của cha anh, Erwin Abdullah, người đang là HLV của anh. Ông chính là người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp của con trai.

Rahmat sinh ra trong gia đình có truyền thống về thể thao. Cha anh từng giành HCB môn cử tạ ở ASIAD 2002 tại Busan (Hàn Quốc) và từng tham dự Olympic Athens 2004 nhưng chấn thương lưng khiến giấc mơ huy chương tan thành mây khói.

Mẹ anh, bà Ami Asun Budiono từng là VĐV cử tạ của đội tuyển Indonesia. Câu chuyện của bố mẹ truyền cảm hứng cho Rahmat để khi đứng giữa thời khắc lớn của sự nghiệp với chấn thương lưng năm 2015, anh đã vượt qua.

Lúc đó, các bác sĩ khuyên nên phẫu thuật nhưng sẽ ảnh hưởng về lâu dài đến sự nghiệp thi đấu thì Ratmah chọn vật lý trị liệu. Hành trình vừa qua của đô cử 21 tuổi này có dấu ấn lớn từ gia đình. Sau thành công ở Tokyo, bà Ami hy vọng con trai mình sẽ không tự mãn và nuôi ước mơ cao hơn nữa trong tương lại.

Khác biệt lớn về đào tạo trẻ

Theo ông Đỗ Đình Kháng, Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ, thể hình Việt Nam, chia sẻ thì ông không bất ngờ về thành tích của cử tạ Indonesia ở đấu trường Olympic. Ông Kháng cho hay, xuất phát điểm của cử tạ Indonesia cùng các chính sách phát triển ban đầu cũng giống như Việt Nam.

“Ban đầu, cách đầu tư của họ giống mình là mời chuyên gia Trung Quốc nhưng 5-6 năm trở lại đây, họ gần như tự làm. Liên đoàn cử tạ của Indonesia lo tất cả các khâu, chỉ đến khi các giải đấu lớn như Olympic hay ASIAD, Chính phủ hỗ trợ về chế độ dinh dưỡng, tập luyện”, ông Kháng chia sẻ.

Cử tạ Việt Nam trải qua kỳ Olympic thứ 2 trắng tay.

Sự khác biệt lớn nhất được chỉ ra là tố chất con người và khả năng đào tạo trẻ. “Dân Indonesia có tố chất đặc biệt về con người ở cả nam lẫn nữ. Mọi yếu tố thể chất của Việt Nam cơ bản khá tương đồng như Indonesia nhưng các tuyến trẻ có sự khác biệt. Cách thức tuyển chọn, đào tạo của Indonesia có thể bài bản hơn mình. Ở các tuyến trẻ, họ có nhiều VĐV tài năng kế thừa.

Với Việt Nam, khả năng đưa VĐV thi đấu nước ngoài hạn chế vì không có nguồn kinh phí. Kinh phí từ nhà nước rót xuống thường chỉ đủ cho các đội tuyển, còn VĐV trẻ muốn cho đi thì phải hô hào địa phương. Có đơn vị có tiền thì sẵn sàng cho VĐV của họ đi nhưng có địa phương không có".

Sau khi giành tấm HCV ở SEA Games 30, trong hai năm qua,
đô cử sinh năm 1998 Lại Gia Thành không tham dự thêm giải đấu quốc tế nào.

"Lực lượng trẻ cứ phải trông chờ vào đơn vị địa phương, không có quỹ riêng nào dành cho đào tạo, thi đấu trẻ. Tất cả tập trung vào đội tuyển nên khả năng cho các lứa trẻ bứt lên quá khó”, ông Kháng cho hay.

Ngoài ra, cử tạ Việt Nam còn gặp vấn đề về chăm sóc VĐV sau khi thi đấu, tập luyện. “Chúng ta chưa có đội ngũ chăm sóc thể thao chuyên nghiệp. Theo tôi đánh giá, ngoài bóng đá thì hầu hết các môn khác khâu chăm sóc VĐV sau tập luyện vẫn chưa đúng tầm. Indonesia có bác sĩ, chuyên gia chăm sóc dinh dưỡng riêng còn cách làm mình không nắm được”.

Theo ông Đỗ Đình Kháng, cử tạ Indonesia thường có sự dè chừng trong việc trao đổi, tiếp cận các thông tin. “Họ biết hết về mình, chẳng hạn như Thạch Kim Tuấn ra làm sao, như thế nào, tranh huy chương ra sao, còn mình ít nắm được thông tin từ các đối thủ. Tôi không nắm rõ đó có phải bí mật của họ hay không nhưng khai thác người ta vấn đề này rất khó.

Gặp trao đổi với nhau, họ cũng ít đề cập lắm, chỉ trả lời chung chung chứ không có gì trọng tâm. Dù có sang họ học hỏi mô hình nhưng để vào xem đào tạo các VĐV đỉnh cao khó lắm, ngay cả Trung Quốc cũng thế”, Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ, thể hình Việt Nam cho biết.

Cử tạ trở thành “mỏ” huy chương của Indonesia kể từ Olympic 2000. Thời điểm đó, lần đầu tiên, Indonesia giành huy chương ở Olympic và có đến 3 tấm huy chương. Từ đó đến nay, ngoại trừ Olympic 2004 chỉ giành 1 huy chương, các kỳ còn lại, cử tạ Indonesia giành từ 2-3 huy chương. Tổng cộng 6 kỳ Olympic, họ giành được 15 huy chương; gồm 7 HCB và 8 HCĐ. 

Trong khi đó, cử tạ Việt Nam chỉ giành 2 tấm huy chương gồm HCB của Thạch Kim Tuấn ở Olympic 2008 và HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn ở Olympic 2012. Tại hai kỳ Olympic gần nhất, cử tạ Việt Nam đều trắng tay.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm