Báo chí Anh “xay” HLV thành “cháo bí”

thứ năm 24-12-2015 22:16:20 +07:00 0 bình luận
Tiền lương của HLV do các ông chủ CLB chi trả. Thành công của ông thầy là do sức thi đấu của các học trò. Nhưng số phận của họ - giới cầm quân ở Anh - lại có vẻ được quyết định bởi giới truyền thông. Louis van Gaal là một nạn nhân nữa...

Trong bức biếm họa trên trang Goal mới đây, số phận của Louis van Gaal tại Man Utd được miêu tả đến tàn nhẫn: Ông một tay chới với bám vào miệng vực, thân thể lơ lửng với một đám Kền kền xâu xé, con kéo của ông cái cà vạt, con lôi áo vest và nhiều con đang… tụt quần. Nom Van Gaal đến là thảm hại, y chang bộ dạng của ông trong cuộc họp báo đầy tai tiếng tại Man Utd. Cuộc họp báo với lời nói xem như cầu khẩn, van nài và cả trách móc của chiến lược gia người Hà Lan: “Bạn có nghĩ đến những gì xảy ra với vợ, với con hay các cháu của tôi chưa, với những CĐV Man Utd hoặc với bạn bè của tôi nữa? Có ai đó trong phòng này cần phải nói với tôi một lời xin lỗi?”. Giáng sinh năm nay với Van Gaal không hề vui vẻ và ấm áp.

Thực ra thì giới truyền thông thể thao châu Âu, ở hầu hết các quốc gia đều là thử thách áp lực cực đại với giới cầm quân. Jose Mourinho từng điêu đứng với truyền thông Ý. Rafa Benitez giờ cũng đang bị tẩy chay bởi báo chí quê nhà Tây Ban Nha. Marcelo Bielsa (cựu HLV Marseille) từng “nhũn người” trước áp lực từ cánh báo chí Pháp, và hẳn ít người quên câu chuyện cựu HLV Aime Jacquet bị tờ L’Equipe tấn công tả tơi trước khi đội tuyển Pháp lên ngôi World Cup 1998. Thế nhưng, giới truyền thông Anh xem như là nỗi ám ảnh lớn nhất với các ông thầy. Năm 2010 khi HLV Fabio Capello dẫn dắt đội tuyển Anh, ông “nóng mắt” với giới truyền thông Anh đến mức đã phải dùng đến từ “rác rưởi”. Còn Louis van Gaal cách đây 3 tháng đã thốt lên “Tôi đến phát ốm vì lúc nào cũng với những câu hỏi về Rooney!”. Thật tài tình, các tờ báo của Anh còn đếm được cuộc phỏng vấn của Louis van Gaal mới đây kéo dài 4 phút 58 giây và nhiều hơn thế họ còn nêu chính xác bao nhiêu từ “Không” trong bài trả lời phỏng vấn tính được 55 giây của Jose Mourinho vào đầu tháng trước.

Mọi câu hỏi đi xa dần với chuyên môn, thay vào đó tập trung nhắm vào điểm huyệt tâm lý của các ông thầy, tạo ra gánh nặng sức áp lực, thậm chí nhân lên trở thành nỗi ám ảnh cho họ trong những cuộc họp báo. Truyền thông Anh như chung tay cùng CĐV đội bóng bằng mọi cách đẩy HLV ra đường sớm nhất có thể, dù về mặt kết quả của Man Utd mùa này thì công bằng Van Gaal phải chịu trách nhiệm, song họ chưa thực sự tạo ra một cơ hội để cho ông cứu vãn tình hình. “Tôi cứ nghĩ rằng tôi đã bị sa thải”, Van Gaal nói chua chát trong khi thực tế ông vẫn đang ngồi trên băng ghế chỉ đạo của Man Utd, và xem như là một cú “việt vị” nữa của truyền thông Anh sau khi họ liên tục bắn đi thông điệp Jose Mourinho ký hợp đồng 5 năm với Man Utd.

Họ như đại diện cho quyền lực quyết định sa thải và bổ nhiệm các thuyền trưởng, chứ không phải là những ông chủ của CLB - những người trực tiếp trả lương cho các HLV. Một nghịch lý đang tồn tại ở Premier League, hay đúng hơn thì ít ra lúc này trong cuộc chiến giới cầm quân - truyền thông Anh, quyền lực đang thuộc về những người cầm micro, cầm bút. 

Truyền thông giải nào khắc nghiệt nhất với HLV?

Premier League chính là giải đấu số 1 được Học viện nghiên cứu CIES đánh giá có sự đối xử nghiêm khắc nhất dành cho giới HLV. Đứng sau Premier League là truyền thông của giải VĐQG Pháp (Ligue 1), trong khi La Liga đứng thứ 3 và thứ 4 là Serie A. Truyền thông Bundesliga được đánh giá là ít “tàn nhẫn” nhất với các ông thầy.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm