Chuyện ở Chelsea: Chiếc băng không làm nên thủ lĩnh

chủ nhật 6-3-2016 23:07:53 +07:00 0 bình luận
Trong bóng đá, vai trò của thủ quân có vẻ “ảo” nhất, vì không có quyền điều chỉnh chiến thuật. Nhưng thật khinh suất nếu cho rằng ai cũng có thể làm đội trưởng.

Với Chelsea, Terry vẫn còn giá trị

Ông chủ Chelsea Roman Abramovich đang chơi bài “gặp nhau làm ngơ” với John Terry. Bởi bất chấp các CĐV đội nhà vẫn còn muốn thủ quân của họ ở lại, thậm chí còn công khai biểu hiện điều đó bằng các biểu ngữ tại Stamford Bridge, song ngài tỷ phú Nga dường như đã quyết định nhổ bật “cái đinh” thường bị điểm mặt trong các vụ lật đổ Jose Mourinho. Dù vậy, quãng thời gian từ đây tới lúc hợp đồng của Terry chấm dứt vào cuối mùa này có lẽ vẫn thừa đủ để Abramovich thay đổi định kiến.

Bởi trước hết về chuyên môn, Terry vẫn chưa tồi ở tuổi 35. Ở Premier League mùa này, Chelsea có Terry đạt thành tích 7 thắng, 7 hòa và 7 thua, nghĩa là gần như chẳng khác biệt so với thành tích chung của toàn đội là 10 thắng, 10 hòa và 9 bại. Chưa kể khi không có anh, thông số của Chelsea cũng chẳng sai biệt bao nhiêu với 3 thắng, 3 hòa và 2 thua.

Song song đó, giới chuyên môn vẫn đánh giá rất cao khả năng chọn vị trí của Terry khiến đối thủ không dễ hạ Chelsea bằng bài “không chiến”. Và chính nhờ những pha phá bóng và cản phá tuyệt vời của Terry, Chelsea luôn ở thế bất bại trong các trận cầu lớn với Arsenal cùng Man Utd mùa này.

Các nhà vô địch thường có thủ lĩnh

Nhưng quan trọng chẳng kém, Chelsea muốn trở lại ngai vàng Premier League thì cần giữ lại Terry cho tới lúc xuất hiện một thủ lĩnh tương xứng. Vì trong lịch sử Premier League, hầu như chẳng có đội nào đăng quang mà không có mẫu cầu thủ “lãnh đạo” đúng nghĩa. Chelsea 2014/15 đương nhiên là Terry. Man City 2013/14 có Vincent Kompany mà chỉ cần vắng mặt ở mùa này lần nào là hàng thủ của chủ sân Etihad liền rối như canh hẹ. Man Utd ở cuối triều đại Sir Alex Ferguson vẫn còn những thủ lĩnh “hổ báo” như Gary Neville hoặc Nemanja Vidic, còn đội trưởng của Arsenal “bất khả chiến bại” chính là thủ quân huyền thoại Patrick Vieira.

Đến đây, vấn đề đặt ra là những thủ lĩnh có cá tính như Terry mang lại lợi ích cho đội bóng như thế nào? Trước hết, lối chơi lăn xả, quật cường thường thấy ở những thủ quân siêu hạng này chính là tấm gương và chỗ dựa tinh thần cho đồng đội vào những thời khắc khó khăn. Quan trọng chẳng kém, họ đủ tự tin để hét thẳng vào mặt những đồng đội mà đôi khi phải cần người chỉ dạy mới thấy được sai lầm. Neville thú nhận thời Roy Keane làm đội trưởng Man Utd, hậu vệ này từng bị mắng do thói quen phải khống chế một chạm rồi mới tạt bóng.

Hoặc như có lần toàn đội ngồi xe bus trở lại từ Middlesbrough năm 1998, thủ quân Arsenal Tony Adams đã chất vấn Dennis Bergkamp: “Cậu đã ở đây được 2 năm rưỡi rồi phải không Dennis, vậy mà sao vẫn chưa đoạt được thứ gì? Với trình độ như cậu thì thật đáng xấu hổ”.

Vậy là từ đó ngôi sao Hà Lan đá như lên đồng, đem về cho Arsenal 3 Premier League, 4 FA Cup và 3 Community Shield. Ảnh hưởng của các thủ quân còn có thể thấy rõ ở Prermier League mùa này, khi Arsenal vừa cầm hòa Tottenham trong thế thua người ở derby bắc London do Per Mertesacker đeo băng thủ quân. Và hãy nhớ lại Arsenal sụp đổ trước Chelsea của Terry đáng buồn như thế nào khi hôm đó trao băng đội trưởng cho Theo Walcott.

Henderson có sánh được Gerrard

Chiếc áo không làm nên thầy tu, chiếc băng đội trưởng không tạo ra thủ lĩnh đích thực là vì vậy. Đúng là thủ quân không có nghĩa lúc nào cũng cần quát tháo trên sân để mọi người biết mình là đội trưởng, nhưng giữ vai trò này cần có cá tính như Barcelona thời Pep Guardiola luôn phải nhắc tới Carles Puyol, hoặc Đức vô địch World Cup 2014 mang đậm ảnh hưởng của đội phó Bastian Schweinsteiger. Còn tại Liverpool, chiếc băng thủ quân hiện thuộc về Jordan Henderson, nhưng tiền vệ này rõ ràng chưa thể đánh đồng với Steven Gerrard về mọi mặt.

Khác biệt nho nhỏ thế đôi khi đủ gây họa. Bài học của West Ham - một đội bóng anh em của Chelsea xứng đáng để tham khảo. Vì ở mùa “Những chiếc búa” rớt hạng năm 2011, NHM kỳ vọng băng thủ quân giao cho Scott Parker, nhưng rốt cuộc lại thuộc về trung vệ tương đối nhút nhát Matthew Upson. Hậu quả là khi đội nhà bị ép sân hoặc rớt lại phía sau, đồng đội đều chỉ nhìn phản ứng của Upson rồi “xìu” theo, khiến mọi nỗ lực của Parker mùa ấy trở thành vô nghĩa.

Vì vậy, Chelsea vẫn cần giữ lại “đầu tàu” Terry, đặc biệt khi HLV tạm quyền Guus Hiddink đang đôn khá nhiều tài năng từ học viện lên đội 1. Bởi với vị thế của “cây nhà, lá vườn” gần nhất tỏa sáng tại Stamford Bridge, chỉ có Terry mới đủ tư cách để dạy lũ trẻ biết làm thế nào vươn tới thành công. 

Terry mất hứng làm HLV

Hồi năm 2014, John Terry từng có cơ hội bước vào nghiệp cầm quân nếu chịu treo giày. Nhưng giờ đây, anh tỏ ra không còn mặn mà với ý tưởng ấy.

Thủ quân Chelsea thừa nhận: “Mục tiêu của tôi đã thay đổi. Tôi không rõ mình có còn muốn trở thành HLV hay không. Tôi từng việc với nhiều HLV, và học được quá nhiều để về cơ bản, không còn muốn bước vào cái nghề đó nữa…”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm