Những người hùng thầm lặng phía sau tấm huy chương SEA Games

thứ năm 31-8-2017 16:54:12 +07:00 0 bình luận
Để có được 58 HCV và vị trí thứ 3 toàn đoàn, các VĐV Việt Nam không thể thiếu những người hùng thầm lặng theo sát họ trong suốt thời gian diễn ra SEA Games.

Kết thúc SEA Games 29, đoàn TTVN đã hoàn thành chiến dịch thắng lợi khi đứng vị trí thứ 3 bảng tổng sắp huy chương với 58 HCV. Đặc biệt, những môn Olympic cơ bản như điền kinh, bơi lội có những bước đột phá ấn tượng.

Thành công của Thể thao Việt Nam tại Malaysia không thể không nói đến những người hùng phía sau "sân khấu" mà người ngoài gần như không biết mặt biết tên. Họ là các y sĩ, bác sĩ chăm lo sức khỏe của các VĐV trong thời gian diễn ra SEA Games. Đội ngũ y tế này chính là những người giao tiếp với nhiều VĐV nhất, hiểu tình trạng cơ thể và tâm lý của VĐV nhất trong quá trình thi đấu.

 

Tập thể y, bác sĩ theo đoàn TTVN tại SEA Games 29
Tập thể y, bác sĩ theo đoàn TTVN tại SEA Games 29

“Các bác sĩ là những người ở bên cạnh, hỗ trợ các VĐV trong quá trình tập luyện và thi đấu ở SEA Games. Các đội đều được chăm sóc, thả lỏng. Họ là những người hùng thầm lặng sau những thành công của các VĐV. Nếu không có các bác sĩ thì các đội tuyển sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, HLV Trương Minh Sang tâm sự với Webthethao khi nói về đội y tế.

“Các bác sĩ có kỹ thuật xoa bóp, massage nên họ biết cách làm cho VĐV đỡ mỏi. Chúng tôi phải cảm hơn họ rất nhiều, bác sĩ Dương Tiến Cần, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Toan”.

Bác sĩ chăm sóc các VĐV môn TDDC
Bác sĩ Dương Tiến Cần chăm sóc các VĐV môn TDDC

Tại SEA Games, đội y tế có tổng cộng 17 người được phân chia nhiệm vụ theo các đội. Các môn đều được các bác sĩ quan tâm nhưng ưu tiên vào các môn chủ lực giành huy chương. Trưởng tiểu ban y tế sẽ phân công sắp xếp những bác sĩ ở nhà đã theo đội nào thì sẽ được ưu tiên phân theo đội đó do đã nắm đc tình hình chấn thương trong tập luyện.

Bên cạnh việc chăm sóc, trị liệu, họ còn là những “chuyên gia” tâm lý, an ủi, xốc lại tinh thần khi VĐV mệt mỏi hay thất vọng và chung vui mỗi khi VĐV giành chiến thắng.

 

Các bác sĩ và tập thể đội TDDC
Các bác sĩ và tập thể đội TDDC

Có chứng kiến một ngày làm việc cao điểm của các bác sĩ mới thấy họ thật sự vất vả, phải xoay như chong chóng từ sáng đến đêm để chăm lo các VĐV. Họ phải theo đoàn từ buổi chiều, từ sân tập cho đến sân thi đấu. Ngay cả khi nghỉ ở khách sạn, nếu VĐV nào có nhu cầu massage, họ cũng đều có mặt.

“Sang đến đất bạn và sát ngày thi đấu các VĐV được giảm chút khối lượng tập luyện thì vấn đề massage thả lỏng và phục hồi cũng nhẹ đi một chút. Lúc này, chúng tôi lại phải tập trung hơn vào một số em không may gặp phải chấn thương. Các bác sĩ phải làm tất cả, cố gắng hết khả năng để giúp VĐV có thể thi đấu”, bác sĩ Tạ Đắc Anh, người lần đầu tiên đi SEA Games, chia sẻ.

 

Vũ Đức Tuyển massage cho Nguyễn Thúy Huyền sau khi Huyền giành HCV, phá kỷ lục SEA Games 400m rào
Vũ Đức Tuyển massage cho VĐV Nguyễn Thị Huyền sau khi Huyền giành HCV, phá kỷ lục SEA Games 400m rào. Ảnh: Nguyễn Đạt

Vào ngày thi đấu, họ càng vất vả hơn. Các bác sĩ đi cùng các VĐV căng cơ, ép dẻo, làm nóng cho VĐV. Sát giờ thi đấu thì làm nóng và kiêm luôn bác sĩ tâm lý, cố gắng tạo tâm lý tốt nhất cho các VĐV thi đấu đạt kết quả cao nhất. Khi đưa VĐV vào đến khu vực thi đấu thì họ lại tất tả chạy ra khu vực về đích để đón và xem có vấn đề gì phát sinh không.

“Niềm vui vỡ òa khi các em VĐV giành được HCV, phá kỷ lục. Chúng chạy tới và ôm lấy mình nói em cảm ơn anh...cảm giác khó tả lắm…”, Đắc Anh tâm sự. “Rồi cũng có những em không có được thành tích tốt hay bị trọng tài xử ép, mình lại chủ động tiến đến và động viên các em...sau đấy lại phải nắm bắt ngay xem ai phải kiểm tra doping, ai không phải đi thì đi thả lỏng, ai mai thi đấu tiếp thì phải thả lỏng tích cực và bố trí người về khách sạn để giúp các em phục hồi nhanh nhất để hôm sau thi đấu”.

 

Cùng chung vui chiến thắng với các VĐV
Vũ Đức Tuyển cùng chung vui chiến thắng với các VĐV. Ảnh: Nguyễn Đạt

Do điền kinh Việt Nam giành “cơn mưa” HCV chưa kể vô số HCB và HCĐ nên rất nhiều VĐV phải thử nước tiểu, xét nghiệm doping rất muộn. Đắc Anh cùng các bác sĩ cũng phải ở lại hỗ trợ, sớm nhất là 1 giờ sáng mới được lên xe về khách sạn nghỉ ngơi. Họ là những người nghỉ, ngủ sau cùng của đoàn.

Thi đấu thể thao không thể tránh khỏi chấn thương. Các bác sĩ, kỹ thuật viên phải bám theo các VĐV để xử lý chấn thương cho VĐV nhanh nhất có thể. “Năm nay, BTC yêu cầu các trường hợp nặng đều phải đưa đến bệnh viện nên rất mất thời gian. Hôm trước, VĐV Pencak Silat Tuấn Anh phải nằm chờ hơn 1 tiếng xe cứu thương mới đến đón đưa đi được do tắc đường”, bác sĩ Vũ Đức Tuyển cho biết.

 

Đội y tế bám sát đội tuyển điền kinh không rời
Đội y tế bám sát đội tuyển điền kinh không rời. Ảnh: Nguyễn Đạt

Anh được phân công theo trực các môn điền kinh, wushu, pencak silat. “Có 3 ca phải đưa vào bệnh viện kiểm tra nhưng rất may đều là dãn dây chằng và trật khớp nhẹ (bán phần). Đưa vào viện chụp XRay, xác định chấn thương xong họ cho thuốc rồi về. VĐV Từ Thanh Thuận, chủ công ĐT bóng chuyền Việt Nam. Khi mới bắt đầu trận đấu được 3 điểm thì Thuận bị lật cổ chân phải nghỉ luôn, không thi đấu được trận nào tại SEA Games nữa. Tôi là fan của bóng chuyền nên rất buồn. Mất một chủ công nên bóng chuyền VN khó đạt được thành tích tốt”.

Các bác sĩ phải giải quyết từ mỏi cơ, thả lỏng trước và sau khi VĐV thi đấu, hỗ trợ thử doping, xử lý chấn thương...
Các bác sĩ phải giải quyết từ mỏi cơ, thả lỏng trước và sau khi VĐV thi đấu, hỗ trợ thử doping, xử lý chấn thương...Ảnh: Nguyễn Đạt

Cũng như Đắc Anh, Tuyển mới lần đầu tiên tham dự SEA Games. Họ cùng vui cùng buồn theo cảm xúc, nỗi niềm của VĐV. Họ đã trải qua gần 1 tháng chiến dịch làm việc quần quật không kể thời gian. Hầu hết các buổi chiều trong những ngày thi đấu, các bác sĩ nhịn đói, nếu có đồ ăn thì cũng khó ăn vì đồ ăn Malaysia không hợp khẩu vị, khó ăn. “Lúc mấy đứa thi đấu cứ chạy qua chạy lại sân chính sân phụ, chúng tôi cũng chẳng còn cảm giác muốn ăn gì".

“Nhóm y tế đã làm rất tốt. Các bạn ấy gần gũi, thân thiết với các VĐV. Họ trực theo các VĐV thử doping đến 1 giờ sáng. Các VĐV điền kinh như Tú Chinh hay Quách Thị Lan đang chấn thương đều được chăm sóc kĩ lưỡng. Họ làm việc liên tục không ngơi nghỉ”, HLV Nguyễn Thị Thanh Hương (điền kinh) nhận xét.

 

Bác sĩ Tạ Đắc Anh chia vui với Tú Chinh sau khi giành HCV
Bác sĩ Tạ Đắc Anh chia vui với Tú Chinh sau khi giành HCV

Một ngày kết thúc khi xe về đến khách sạn, đồng hồ cũng đã điểm 1h30 - 2 giờ sáng và tất cả đều cảm thấy mệt, đói lả. Những gói mì tôm lại “cứu rỗi” dạ dày của các bác sĩ đội tuyển. Khi họ ngả lưng xuống giường thì đồng hồ cũng điểm gần 3 giờ sáng. Ngày hôm sau, các bác sĩ tua lại chu trình: dậy sớm, massage cho VĐV chiều thi đấu...rồi trưa chiều tối lại lặp lại như nhau cho đến tận ngày cuối cùng của môn.

“Giờ giấc ngủ nghỉ ăn uống xáo trộn lung tung. SEA Games đối với đội y tế chúng tôi rất mệt nhưng đây cũng là một trải nghiệm đầy thú vị”, Đắc Anh trải lòng. "Ngày cuối, tôi đuối thật sự. Định bớt chút thời gian mua ít đồ lưu niệm mà còn phải dự lễ bế mạc lúc 5 giờ chiều". Nhưng có lẽ cả Đắc Anh hay Vũ Ngọc Tuyển và nhiều bác sĩ khác nữa đều cảm thấy được an ủi vì chiến thắng của các VĐV, vinh quang của toàn đoàn TTVN có sự chung tay góp sức của họ, chính là món quà có ý nghĩa lớn nhất.

Công việc bận rộn của bác sĩ chăm sóc Dương Thúy Vi ngay sau khi hoàn thành bài thi giành HCV đầu tiên cho đoàn TTVN:

.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm