Hồi giữa tuần, tài khoản Twitter của BBC đưa ra con số khiến nhiều người giật mình và hiện vẫn đang gây tranh cãi về tính xác thực: Sheikh Mansour, ông chủ của Man City cứ mỗi phút đút túi trung bình khoảng 115.000 bảng.
Và như một thứ gia vị nêm cho thông tin thêm đậm đà, BBC tính toán nếu Sheikh Mansour thức dậy lúc 7 giờ sáng, thì đến 2 giờ chiều ông ta đã có đủ 49 triệu bảng mua Raheem Sterling.
Mansour là người có tiền, sự thật ai cũng biết. Vì thế nếu không có thống kê của BBC thì việc Man City biến Sterling trở thành cầu thủ người Anh đắt giá nhất trong lịch sử không có gì quá sức đối với CLB này. Vấn đề gây trở ngại duy nhất cho Man City trên TTCN chỉ là Luật công bằng tài chính.
Sau tweet của BBC, một tài khoản tweet khá thú vị: “Tôi kiếm 0,00 bảng mỗi giờ, và khi tôi thức dậy lúc 8 giờ sáng tôi có tài sản bằng giá trị thực của Sterling với Man City”. Đây chỉ là 1 trong rất nhiều người cảm thấy hoài nghi về khả năng đầu tư đúng đắn của Man City, bất chấp Sheikh Mansour đã rót cho CLB 791,1 triệu bảng để mua sắm suốt 7 năm qua, kể từ ngày quyết định mua lại đội bóng và đã hút không ít ngôi sao đẳng cấp thế giới.
Sir Alex Ferguson từng cho rằng, chu kỳ thành công của một đội bóng kéo dài khoảng 4 năm, và sau đó cần tái thiết. Man City đã trải qua một chu kỳ như thế, bắt đầu là FA Cup mùa 2010/11, đến cú đúp ở mùa 2013/14 với chiếc Cúp Liên đoàn và Premier League. Chu kỳ thành công đó của Man City minh chứng cho cái gọi là “đổi tiền lấy danh hiệu” khi Sheikh Mansour tiêu tiền như đốt để xây dựng bộ khung gồm những ngôi sao đã thành danh, đang ở độ chín của sự nghiệp.
Một sự thật không thể chối bỏ, Man City đổi đời nhờ Sheikh Mansour. Dẫu vậy, những ngôi sao long lanh, tiền nhiều như lá rụng mùa thu, những chiếc Cúp vẫn chưa giúp Man City thực sự bước lên một tầm cao hẳn sau chu kỳ đó. Họ vẫn chỉ đứng đâu đó ở lưng chừng giữa tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại lục địa già.
Ở Etihad dường như không có đất cho người trẻ. Số ít người ít hoặc có độ tuổi 20 như Sterling từng đặt chân đến Etihad (Mario Balotelli, Stefan Jovetic, Matija Nastasic, Enes Unal) đều biến mất trong lặng lẽ. Và chu kỳ thành công tiếp theo của Man City đang trở nên khó đoán định khi đội hình trong tay Manuel Pellegrini cứ lão hóa theo thời gian.
Với trường hợp của Man City, dùng câu “tiền không mua được đẳng cấp” cũng không có gì quá.
Q. NGUYÊN