Như đã biết, vị chiến lược gia người Tây Ban Nha chắc chắn sẽ chuyển đến làm việc tại đảo quốc sương mù vào mùa Hè năm nay, sau 3 năm trời phiêu lưu trên đất Đức. Công bằng mà nói, cho dù Bayern Munich có đoạt vô địch Champions League mùa này hay không thì tất cả những gì mà Pep từng gây dựng tại đội bóng xứ Bavaria đều xứng đáng được thừa nhận như một thứ “di sản” mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà cầm quân 45 tuổi.
Dưới triều đại của Pep, nhà ĐKVĐ Bundesliga từ một đội bóng thừa hưởng “chất Đức” truyền thống đã nhanh chóng chuyển mình trở thành một tập thể linh hoạt và mềm mại hơn, sẵn sàng triển khai lối chơi chủ động, áp đặt dựa trên nền tảng khả năng kiểm soát bóng đa dạng. Tất nhiên, bằng tài năng đã được cả thế giới thừa nhận, Pep cũng hoàn toàn đủ sức thay đổi Man City theo một kịch bản tương tự. Mặc dù vậy, chẳng ai dám nói trước bất kỳ điều gì về khả năng thành công của cựu chiến lược gia Barca tại nước Anh.
Cần phải khẳng định rằng Premier League vốn dĩ là một môi trường hết sức đặc thù. So với những giải đấu hàng đầu châu Âu khác như La Liga, Bundesliga hay Serie A, rõ ràng phong cách chơi bóng ở giải Ngoại hạng thiên về tốc độ, sức mạnh và thể lực nhiều hơn. Mặt khác, nếu như triết lý của Pep Guardiola vốn tôn thờ cách thức luân chuyển bóng khá phức tạp và linh hoạt thì tại xứ sở sương mù, những người Ăng-lê lại chơi bóng cực kỳ… đơn giản, theo kiểu “kick and rush” truyền thống.
Chính bởi vậy, sự tương phản đáng kể về mặt cách thức vận hành chiến thuật cũng hoàn toàn có thể khiến cho nhà cầm quân người Tây Ban Nha gặp không ít khó khăn trong giai đoạn khởi đầu, giống như trường hợp của một đồng nghiệp khác từng xuất thân tại Bundesliga, là HLV Juergen Klopp bên phía Liverpool.
Bên cạnh đó, trong trường hợp phải đánh giá vấn đề dựa trên một phương diện vĩ mô hơn, nếu như Barca và Bayern Munich, hai CLB mà Pep từng dẫn dắt đều là những thế lực thống trị ở Tây Ban Nha và Đức thì Man City xem chừng không có được sự “bá đạo” như vậy. Minh chứng rõ nét hơn cả, chính là những gì đang diễn ra trong một mùa giải “điên rồ” tại Premier League, với một Leicester City đứng trước ngưỡng cửa làm nên lịch sử, một West Ham sẵn sàng đánh bật mọi đại gia để chen chân vào top 4, một nhà ĐKVĐ Chelsea không được dự cúp châu Âu, thậm chí ngay cả Man xanh, cũng có thể mất suất đá Champions League mùa tới…
Đây chính là một vấn đề hết sức nan giải hứa hẹn sẽ khiến Pep phải đau đầu giải quyết. Theo thống kê, trong hai kỳ chuyển nhượng gần nhất (mùa Hè 2015 và tháng Một 2016), các đội bóng Premier League đã chi tiêu một khoản tiền kỷ lục, rơi vào khoảng… hơn 1 tỷ bảng. Đáng chú ý, 10 đội bóng thuộc nửa sau bảng xếp hạng hiện tại cũng chịu chi tới 465,6 triệu bảng, không hề thua kém các đội xếp trên là bao nhiêu. Hệ quả, khi mà yếu tố lực lượng dần dần chạy theo xu hướng “cân bằng hóa”, đồng nghĩa rằng giải Ngoại hạng Anh vốn dĩ đã có thừa sự căng thẳng và hấp dẫn lại càng trở nên khó lường hơn bao giờ hết.
Chuyển đến dẫn dắt Man City, đương nhiên Pep sẽ phải học làm quen với tình trạng “khắc nghiệt” triền miên như vậy. Sẽ không bao giờ có chuyện The Citizens dễ dàng vượt qua những Watford, Stoke City, Everton, Southampton… giống như cái cách mà Barca vùi dập Getafe hay Bayern Munich hành hạ Werder Bremen… Khoảng cách về mặt trình độ không quá chênh lệch cũng chính là yếu tố khác biệt lớn nhất giữa Premier League so với La Liga hay Bundesliga.
Trên thực tế, cuộc cách mạng nhân sự trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè sắp tới hứa hẹn sẽ mang đến cho Man City một nguồn năng lượng hoàn toàn mới. Thế nhưng, trò chơi bóng đá tại nước Anh không đơn thuần chỉ dựa trên những cơ sở tiền bạc, mà phần nhiều được quyết định bởi sự thông thái của người lãnh đạo, hay nói chính xác hơn là “chất xám” của những kẻ cầm quân, giống như Pep Guardiola vậy.