Thực ra thì bất kể CLB chuyên nghiệp nào cũng đang hoạt động dựa trên mô hình doanh nghiệp: có chủ tịch, các cấp phó, có hội đồng, các ban và các đội ngũ phụ trách từ kinh tế, kỹ thuật đến thể thao... Nó cũng là mô hình với nhiều mắt xích liên kết khác, từ học viện đào tạo đến mô hình chuyên nghiệp, từ liên kết truyền thông đến quan hệ với giới môi giới cầu thủ. Thậm chí ở một số CLB lớn, do đặc thù kinh doanh thể thao nên bộ máy quản lý còn phức tạp hơn những doanh nghiệp thông thường.
Tuy nhiên, có một bộ phận được các chuyên gia nhận định đang còn thiếu ở các CLB lớn, dẫn đến vừa phá hỏng cấu trúc ổn định cũng như sự phát triển bền vững của CLB, đồng thời đáng nói hơn là hệ quả lãng phí rất lớn về tài chính. Đó là đội ngũ (hoặc một nhân vật) cố vấn cho các ông chủ trong công tác tuyển dụng cũng như sa thải huấn luyện viên. Tại sao các ông chủ không thiết lập đội ngũ hoặc tìm đến nhờ tư vấn từ những nhân vật này?
Câu hỏi được đặt ra không hề vô lí, khi mà Roman Abramovich trong 11 năm làm ông chủ Chelsea chuẩn bị đuổi việc ông thầy thứ 10, John W Henry trong 5 năm ở Liverpool chia tay đến 4 HLV (mới đây là Brendan Rodgers). Cũng tại Aston Villa của Randy Lerner - đội bóng vừa sa thải Tim Sherwood - thì trong số 5 người quản lý chỉ có người đầu tiên (Martin O’Neill; 2006-2010) được xem là thành công. Với xu hướng sa thải HLV gia tăng như hiện nay, khả năng trong tương lai sẽ còn nhiều ông thầy mất việc, khiến các CLB vừa lãng phí tiền bạc lẫn thời gian. “Bất kỳ công ty nào trong các lĩnh vực, từ dược phẩm, giải trí, công nghệ… đều có nhà tư vấn, nhưng bóng đá thì không”, cựu cầu thủ và cựu HLV Glenn Hoddle (hiện là ông chủ một học viện bóng đá) viết trên tờ Daily Mail.
Vậy nhân vật đó là ai? Harry Redknapp, Alex Ferguson, Alan Curbishley (cựu HLV West Ham), Graeme Souness (cựu HLV Liverpool và Newcastle)… có thể được xem là lý tưởng nhờ kinh nghiệm làm việc nhiều năm trên cương vị thuyền trưởng và hiện đã lui về hậu trường. Họ không thuộc biên chế của CLB mà chỉ làm theo hợp đồng hoặc tư vấn theo kỳ hạn. Họ có thể khuyên các ông chủ nên chọn HLV nào phù hợp nhất cho đội bóng cũng như việc đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng với một ông thầy, thay vì theo cảm tính hoặc căn bản dựa vào thành tích không tốt của CLB. Bằng cách này, CLB sẽ tránh được thiệt hại cả về tài chính, thời gian và nhất là sự phát triển bền vững của CLB.
Ít nhất 50 triệu bảng “bốc hơi”
Chưa tính số tiền đền bù hợp đồng cho Jose Mourinho nếu sa thải trong những ngày tới thì theo tính toán, ông chủ Roman Abramovich đã phải bỏ ra số tiền ngót nghét 40 triệu bảng để đền bù cho 9 HLV bị ông đuổi việc trước đó. Nếu số tiền phải đền bù cho Mou là 30 triệu bảng thì tổng số tiền Abramovich “biếu” cho 10 ông thầy gần đây ở Chelsea là 70 triệu bảng, còn trong trường hợp hai bên thỏa thuận được số tiền là 10 triệu bảng thì con số sẽ là 50 triệu bảng.