Nguyễn Thanh Phúc: Giấc mơ ngôi nhà nhỏ và tấm bằng Đại học không cất tủ

Trần Khánh
thứ tư 13-11-2019 0:29:00 +07:00 0 bình luận
Với "nữ hoàng đi bộ" Nguyễn Thanh Phúc, những gì cô đánh đổi với nghiệp thể thao chỉ gói gọn trong hai nguyện ước: một ngôi nhà nhỏ và tấm bằng Đại học không chỉ để cất tủ.

Lo cho gia đình, để rồi… “tay trắng”

Phúc sinh ra trong gia đình 7 anh chị em, gia đình lại làm nông nên thiếu thốn trăm bề. Cô đến với nghiệp thể thao cũng vì muốn thay đổi cuộc sống. Và để gia đình bớt đi cái nghèo, cái khổ, “Nữ hoàng đi bộ” Nguyễn Thanh Phúc đã phải đánh đổi.

Để đi đến nhà của cô, theo mô tả của Phúc, thì phải đi qua cả “rừng mộ”. Nhà ở sát khu nghĩa trang thành phố với hơn 25,000 ngôi mộ xung quanh, sau lưng nhà chưa tới 20m thì mộ rồi.

Quá trình dấn thân theo thể thao mang về nhiều giá trị kinh tế để giúp gia đình. Bao nhiêu thành công cô đều phụ giúp ba mẹ nuôi ba em rồi cất nhà nhỏ cho gia đình để che nắng che mưa.

Thời điểm đó, ba anh chị của Phúc đều lập gia đình, đều làm công nhân nên kinh tế không dư dả nhiều. Phúc lại sắm vai “chị cả” để nuôi ba em ăn học. Với Phúc, cô cứ nghĩ “mình là phụ nữ, sau này nương vào chồng, thế nên cứ nghĩ bao nhiêu tiền cũng nuôi các em với phụ ba mẹ”.

Nguyễn Thanh Phúc: Giấc mơ ngôi nhà nhỏ và tấm bằng Đại học không cất tủ
Phúc dấn thân vào nghiệp thể thao để mong cuộc sống gia đình tốt hơn. Ảnh: NVCC

Thế là, bao nhiêu vốn liếng, dành dụm trong suốt hơn 10 năm theo nghiệp đi bộ, Phúc đều làm chức trách của người con hiếu thảo. Để rồi, năm 2016, khi lập gia đình, Phúc gần như “tay trắng”.

“Thời điểm mới lập gia đình, đất đai ở Đà Nẵng quá đắt, gia đình hai bên nội ngoại lại khó khăn, không thể mua miếng đất để cất ngôi nhà”, Phúc tâm sự. Thế là, cô quyết định nghỉ để rẽ sang con đường khác. Cô chọn làm nghề... "cò đất". Nhưng với Phúc, dành cả thanh xuân để theo nghiệp thể thao nên khi bước ra ngoài xã hội, cô không có những kinh nghiệm va đập để tồn tại.

Mọi thứ với Phúc trở lên mông lung. “Khi lập gia đình, nếu không vì vấn đề kinh tế đã không trở lại với nghiệp thể thao rồi. Bởi một VĐV khi kết thúc sự nghiệp đều không có nghề tay trái phòng thân cho mình khi quãng thời gian trước đó đã dành hết cho tập luyện, thi đấu”, Phúc giãi bày.

Nguyễn Thanh Phúc: Giấc mơ ngôi nhà nhỏ và tấm bằng Đại học không cất tủ
Thanh Phúc vừa phá kỷ lục nội dung đi bộ 10 km nữ với thành tích 50 phút 39 giây 74, phá sâu kỷ lục cũ 52 phút 07 giây 93 do chính cô lập từ 2008 (ảnh: NLD)

Hiện tại, Phúc cùng gia đình đang phải sống trong Trung tâm TDTT Thành phố Đà Nẵng. Cô được cơ quan bố trí một phòng, một tháng trả các chi phí một khoản nhất định và ở theo kiểu ở tạm. Nhưng cũng từ đây, gian truân chưa dừng lại và nó đến như trêu ngươi cô gái nhỏ nhắn, vượt qua nghịch cảnh của cuộc sống.

Theo quy định của Trung tâm, 5h sáng mới mở cửa. Hằng ngày, Phúc thức dậy 4h30 sáng rồi chạy xe máy đi tập từ Hòa Xuân qua tượng đài Mẹ Nhu cách khoảng hơn 10km. Cung đường đi của Phúc băng qua con đường khá vắng vẻ mà với Phúc “vừa đi vừa thấy nguy hiểm rình rập, vừa thấy tủi”.

Nguyễn Thanh Phúc: Giấc mơ ngôi nhà nhỏ và tấm bằng Đại học không cất tủ
Cô là người dìu dắt em trai Thành Ngưng có những dấu ấn ở bộ môn đi bộ. Ảnh: NVCC

Ấy vậy, Phúc vẫn còn may so với chồng cô, làm ở sân bay Đà Nẵng theo ca. Thường 1h30 sáng xong việc, song chồng của Phúc không về nhà được vì 5h mới mở cửa. Thế là, anh cứ ngủ ở ghế cho đến 5h kém rồi tức tốc chạy về nhà. Câu chuyện cứ như vậy diễn ra trong 3 năm qua. “Chuyện một ngày hai vợ chồng gặp nhau chưa đến 5 phút như cơm bữa”, Phúc trút bầu tâm sự mà thở dài.

“Vất vả nhất là những ngày tập luyện cho các giải đấu. Ban đêm phải trông con. Con ngủ thì may mắn ngủ được vài tiếng còn không thì thức trắng đêm. Nếu có nhà cửa thì chồng có thể về sớm để phụ trông con, tôi có thể ráng ngủ thêm vài tiếng.

Khi có chồng, có con mà có nơi ở tốt thì không phải lam lũ như vậy. Nhiều lúc chợt nghĩ cũng tủi, nếu nhà mình không cực quá thì có thể học thêm rồi giỏi ở lĩnh vực nào đó, như tiếng Anh chẳng hạn”, Phúc giãi bày.


Đi học như… đi ăn trộm

Với Phúc, ngay từ khi còn ở thời điểm thanh xuân 19, 20, cô luôn xác định, bằng mọi giá phải học để ít nhất lấy tấm bằng đại học phòng thân. Thế là, bao nhiêu vốn liếng ngoài việc giúp đỡ cho gia đình, cô đều đầu tư vào học văn hóa.

Nguyễn Thanh Phúc: Giấc mơ ngôi nhà nhỏ và tấm bằng Đại học không cất tủ
Huân chương Lao động hạng Ba là phần thưởng xứng đáng cho cống hiến của Phúc với thể thao nước nhà. Ảnh: NVCC

Ấy vậy, không có con đường nào là dễ với cô gái nhỏ nhắn này. Tất cả đều như thách đố nghị lực, can đảm và sự kiên trì của Phúc. Là người luôn xác định mục tiêu để phấn đấu, Phúc tiếp tục dồn cả tâm trí lẫn vật chất vào sự nghiệp học hành.

Song, với Phúc, nó gian nan vô cùng. “Vì đi tập huấn liên miên nên phải bảo lưu đại học; đi SEA Games xong trả nợ hoặc học xong thì trả nợ. Mỗi kỳ SEA Games giành HCV được thưởng 45 triệu đồng, thành phố Đà Nẵng thưởng một nửa. Số tiền đó hầu hết chi ra để trả nợ tiền học”, Phúc kể.

Cứ mỗi kỳ học, Phúc thường nợ 12-15 môn mà mỗi môn dao động từ 800 ngàn đến 2.5 triệu đồng tiền học phí. Bao nhiêu đó, Phúc đều tự bỏ ra để đầu tư tương lai cho bản thân.

Phúc vừa kể vừa có chút tủi thân: “Bốn năm đại học, tôi ít khi ngồi chung với bạn mà cứ đợi các bạn học hết kỳ này để rồi cuối kỳ tranh thủ dịp Tết, hè đi trả nợ. Trả nợ trong vòng 5 năm thì ra trường. Số tiền được thưởng ở các giải đấu đi trả nợ môn học rồi phụ giúp gia đình, cất ngôi nhà cho ba mẹ.

Các bạn đi học một năm chỉ tốn 15-20 triệu tiền học phí nhưng tôi phải nộp 50-70 triệu đồng/năm. Tôi nhớ, có lần đi nộp học phí mà có bao nhiêu trong tài khoản đều rút ra hết. Đến nỗi, cô kế toán phải đếm bằng máy, đếm mà xót thay cho tôi. Mỗi lần cứ mấy chục triệu. SEA Games 2013, tôi chỉ được HCB. Thế là đi về phải vay tiền để trả nợ. Sáu tháng sau trao lại huy chương vàng mới hoàn lại vốn”.

Nguyễn Thanh Phúc: Giấc mơ ngôi nhà nhỏ và tấm bằng Đại học không cất tủ
Vẫn còn đó những trăn trở của Phúc để mong cuộc sống yên bình. Ảnh: NVCC

Để lấy tấm bằng đại học, Phúc phải nghĩ ra nhiều cách để “lách luật”. Những năm có giải đấu lớn như SEA Games, thường phải đi tập huấn thường xuyên, không có thời gian học nên chấp nhận lấy tiền thưởng để đi trả nợ.

Còn những năm ít đi tập huấn, môn nào cảm giác học được 3-4 tháng thì chủ động đi học. “Thay vì các bạn tập 5h30 thì tôi tập lúc 5h, kết thúc sớm nửa tiếng, khoảng 7h xong thì 7h30 qua trường học. Đến 11h về ăn cơm xong rồi 1h trốn cửa sau đi học.

Vì thời điểm đó, VĐV đỉnh cao được đầu tư trọng điểm nên hạn chế việc đi học nhưng với tình thế bắt buộc nên trốn cửa sau. Đi học như đi ăn trộm, nếu mà bị bắt cửa sau thì tiêu.

1h chiều đi học thì đến 3h tìm cách nói dối với thầy cô rằng bên cơ quan họp hay lý do nào đó. Tôi tập 3h-5h, rồi 6h-8h tối đi trả nợ môn khác. Nếu có thời gian thì đi học như vậy còn khi thời gian chuẩn bị cho SEA Games thì bỏ luôn”, Phúc kể.

Cố gắng bằng mọi giá để lấy tấm bằng nhưng 3 năm qua, nó vẫn còn nằm trong hộc tủ. “Tôi chỉ mong một ngày nào đó tấm bằng này trở về đúng với giá trị của nó thay vì cứ nằm miết trong hộc tủ”, Phúc đau đáu.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm