3 môn thể thao "lạ" tại SEA Games 32 có gì đặc biệt?

chủ nhật 30-4-2023 20:55:52 +07:00 0 bình luận
Cùng điểm danh những môn thể thao "lạ" mà nước chủ nhà Campuchia đã đưa vào chương trình thi đấu ở kì Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games 32.

Cờ ốc (Chess Ouk Chaktrang)

Là một trong những môn thi đấu diễn ra đầu tiên tại SEA Games 32, Cờ ốc hay Cờ Khmer là môn thi đấu thay thế cho Cờ vua được nước chủ nhà Campuchia đưa vào tranh tài.

Cờ ốc có nhiều điểm tương đồng với cờ vua như bàn cờ vương 64 ô, 16 quân cờ với đủ số lượng vua - hậu - tượng - mã - xe - tốt. Điểm khác nhau lớn nhất giữa hai môn là cách đi của các quân. 

Các quân tốt trong cờ ốc bố trí cách hàng vua - tướng một hàng, với nước đi tương tự cờ vua và sẽ được phong khi tiến lên được hàng thứ 6, thay vì phải đi tới hàng cuối cùng phía đối phương.

Về phía hàng còn lại, quân vua nước đầu được đi như quân mã. Quân hậu chỉ được di chuyển ngang-dọc, chéo trong phạm vi một bước. Giới hạn này áp dụng tương tự với quân tượng. Các quân mã, xe được di chuyển giống cờ vua. Có thể thấy, luật đi này khiến cờ ốc có nhiều điểm hạn chế về tốc độ thi đấu so với cờ vua.

Môn Cờ ốc có nhiều điểm tương tự với Cờ vua. Ảnh: Trần Khánh.

Cờ ốc không phải một môn thể thao phổ biến trong khu vực Đông Nam Á, ngay cả với những quốc gia tiếp giáp Campuchia như Việt Nam, Lào, Thái Lan. Do đó, đội tuyển Cờ Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn trong việc tập luyện chuẩn bị thi đấu tại SEA Games 32. 

Trong ngày tranh tài đầu tiên 29/4, các tuyển thủ Cờ ốc Việt Nam đã xuất sắc giành vé vào bán kết nội dung cờ nhanh 5 phút cá nhân nam, mở ra cơ hội giành huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.

Kun Khmer 

Kun Khmer là môn thể thao gây tranh cãi nhất khi nước chủ nhà Campuchia sử dụng môn võ này thay thế cho môn Muay, vốn đã xuất hiện ở các kì SEA Games từ năm 2009 (trừ SEA Games 2015 tại Singapore).

Về cơ bản, Kun Khmer có hệ thống kĩ thuật, luật thi đấu không khác gì với Muay Thái, cho phép các võ sĩ dùng các đòn đấm, đá, gối, chỏ, đánh ngã để tấn công đối phương. Do đó, đội tuyển Kun Khmer Việt Nam thi đấu tại SEA Games 32 vẫn lấy nòng cốt là các thành viên đội tuyển Muay Việt Nam.

Với việc Campuchia tổ chức Kun Khmer tại SEA Games 32, Thái Lan đã từ chối tham gia môn thi này như một hình thức phản đối. Điều này vô hình chung giúp gia tăng cơ hội giành huy chương vàng của các tuyển thua Việt Nam, vốn gặp rất nhiều khó khăn trong các kì đại hội trước đó khi chạm trán các võ sĩ từ Thái Lan.

Kun Khmer tạo ra nhiều tranh luận khi được đưa vào SEA Games 32.

Kun Bokator

Được xem là môn thể thao "lạ" nhất tại SEA Games 32, Kun Bokator trong tiếng Campuchia được gọi là "Võ đánh sư tử" sử dụng luật thi đấu không giống với bất kì môn võ nào từng xuất hiện trong chương trình thi đấu SEA Games.

>>> Tìm hiểu về luật thi đấu Kun Bokator tại đây

Từng là môn võ bị thất truyền khi Campuchia phải đối mặt chế độ diệt chủng Khmer đỏ, Kun Bokator được các võ sư của quốc gia này "hồi sinh" từ năm 1992 và được đưa vào trong chương trình phát triển - bảo tồn văn hóa.

Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam là các vận động viên đội tuyển Võ cổ truyền Việt Nam. Sau khi tham khảo bộ luật thi đấu của Kun Bokator, Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam nhận xét có nhiều điểm tương đồng với cách đánh của các VĐV võ cổ truyền, đã tổ chức tập luyện để chuẩn bị cho SEA Games 32. Ở giải Vô địch Kun Bokator Đông Nam Á, các VĐV Việt Nam đã xuất sắc giành 3 HCV, khởi đầu thuận lợi trước khi bắt đầu chiến dịch SEA Games 32.

Môn Kun Bokator có thể mang những thành tích bất ngờ cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm