85 HCV và chuyện "mỏ vàng" võ thuật Việt Nam nguy cơ teo tóp ở SEA Games 32

Nguyễn Nhanh
thứ ba 2-5-2023 8:03:28 +07:00 0 bình luận
Các môn Võ thuật mang về tới 85 tấm HCV cho đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 31. Nhưng tại SEA Games 32 "mỏ vàng" này được dự báo sẽ teo tóp thấy rõ...

Tại kỳ SEA Games 31 trên sân nhà nhóm 12 môn Võ thuật đã mang về tổng cộng tới 85 tấm HCV cho đoàn Thể thao Việt Nam. Nên nhớ, Việt Nam xếp nhất toàn đoàn với 205 tấm HCV thì tỷ lệ đóng góp trong đó của các môn võ là 41,5%.

Thậm chí, ở kỳ Đại hội trước đó, tại Philippines 2019, tỷ lệ này còn lên tới 42,8% khi các môn Võ góp 42/98 tấm HCV của đoàn TTVN. Thành tích này giúp TTVN lần đầu vượt lên xếp trên Thái Lan ở bảng tổng sắp huy chương tính trong một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài. Thế nên, dễ hiểu vì sao các môn võ vẫn được ví như "mỏ vàng" của TTVN.

Từ SEA Games 2013 đến 2019, "mỏ vàng" võ thuật đã chạm mốc 42 HCV đóng góp cho đoàn thể thao Việt Nam, trước khi chạm mốc kỷ lục 85 HCV ở SEA Games 31 diễn ra hồi tháng 5 năm ngoái

Tuy vậy, chỉ sau 1 năm từ Đại hội trước, kỳ SEA Games 32 ở Campuchia được dự báo cực kỳ khó khăn cho các đội tuyển võ thuật Việt Nam.

Việc lập lại kỷ lục 85 tấm HCV võ thuật như Đại hội trước là không tưởng. Cần biết rằng mục tiêu của cả đoàn TTVN ở SEA Games 32 này chỉ là trên dưới 100 tấm HCV, tức bằng phân nửa thành tích so với cách đây 1 năm.

Như thế, trong dự báo chung, thành tích của các môn võ thuật cũng sẽ giảm đáng kể. Nhưng liệu "mỏ vàng" của TTVN sẽ teo tóp xuống cỡ nào, và những yếu tố nào tác động tới điều này?

Kurash, môn Võ từng mang về 7 HCV tại SEA Games 31 năm nay không được đưa vào chương trình thi đấu SEA Games 32

"Luật làng" của chủ nhà

Khi BTC chủ nhà Campuchia tuyên bố áp dụng quy định chỉ cho phép các đoàn thể thao trong khu vực đăng ký tối đa 70% nội dung thi đấu ở các môn võ thuật đối kháng - còn chủ nhà được đăng ký đủ 100%, điều này đã tạo ra tranh cãi và sự phản ứng gay gắt. Tuy vậy, rốt cuộc, với quyền hạn cho phép của quốc gia chủ nhà thì "luật làng" kể trên vẫn được thực hiện.

Thực tế cũng có ngoại lệ, ví dụ Campuchia cho phép các đoàn được đăng ký đầy đủ 22 nội dung thi đấu biểu diễn ở môn Vovinam. Nhưng việc chấm điểm đấu võ biểu diễn vẫn mang nặng yếu tố cảm tính, chủ quan, thậm chí dễ nảy sinh tiêu cực. Và ngay ở môn "quốc võ" của Việt Nam thì Campuchia cũng sẵn sàng tìm cách cạnh tranh tối đa HCV.

Chẳng nói đâu xa, ở giải Vovinam vô địch ĐNÁ 2023 hồi cuối tháng 3 vừa qua, Campuchia đã giành tổng cộng 28 huy chương, trong đó có 10 HCV, tương đương 1/3 số HCV để xếp nhất toàn đoàn. Trong khi đó đoàn Vovinam Việt Nam chỉ xếp vị trí thứ 2 (với 9 HCV, 11 HCB).

Vovinam Việt Nam vừa chỉ khiêm tốn xếp thứ 2, sau chủ nhà Campuchia, ở giải vô địch Đông Nam Á 2023

Rõ ràng, hìn dưới góc độ yếu tố cơ học, việc chỉ được đăng ký tối đa 70% nội dung thi đấu cũng có nghĩa các môn võ thuật đã mất đi 30% cơ hội tranh chấp huy chương vàng.

Tất nhiên, "khoảng trống vàng" đó sẽ được chủ nhà Campuchia tìm cách lấp đầy trong nỗ lực săn kiếm tối đa HCV để hoàn thành mục tiêu nằm trong top đầu Đại hội trong lần đầu tiên đứng ra tổ chức SEA Games.

Ở chiều ngược lại, các đoàn thể thao quốc gia khu vực còn lại sẽ bị đẩy vào bài toán thành tích cực kỳ đau đầu khi phải tính toán cực kỳ kỹ lượng trong việc tuyển lựa VĐV, chọn nội dung, hạng cân sao cho thật chuẩn xác để đảm bảo giành HCV. Thậm chí, vì mục tiêu này nhiều VĐV phải đôn cân, hoặc cắt cân để phù hợp với nội dung thi đấu ít ỏi. Như thế, chắc chắn "môi trường cạnh tranh 70%" sẽ cực kỳ khốc liệt.

Chỉ được đăng ký tối đa 70% nội dung thi đấu ở các môn võ đối kháng, sự cạnh tranh của các đoàn thể thao - ngoài chủ nhà Campuchia - tại SEA Games 32 cực kỳ khốc liệt

"Co ngót, giãn nở" các hạng cân, nội dung thi đấu theo ý muốn chủ nhà

Bên cạnh việc giới hạn 70% nội dung thi đấu đối kháng, chủ nhà Campuchia điều chỉnh bằng cách cắt giảm một loạt hạng cân thi đấu thế mạnh của các đội võ thuật Việt Nam cũng các quốc gia khác. Và song song với đó là mở ra thêm những hạng cân mà Campuchia có thế mạnh với lực lượng võ sỹ nội tại hoặc thậm chí nhập tịch, như ở các môn boxing, jujitsu, vật, judo...

Ví dụ với boxing, VĐV sáng cửa giành HCV nhất của Việt Nam là Nguyễn Thị Tâm sẽ phải bỏ hạng cân sở trường 50 kg mà cô vừa giành HCB thế giới, đôn lên tận 4 kg để thi đấu ở hạng 54 kg tại SEA Games này. Nên nhớ, cả hay kỳ SEA Games gần nhất Nguyễn Thị Tâm đều giành HCV ở hạng cân 51 kg. Việc phải đôn ký lên rõ ràng rất bất lợi trong thi đấu võ thuật đối kháng.

Nguyễn Thị Tâm đang là đương kim á quân thế giới hạng 50 kg nhưng sẽ tranh tài ở SEA Games 32 với hạng cân hoàn toàn mới, 54 kg

Ngược lại, với đội tuyển Pencak Silat, việc bị gạt bỏ nhiều hạng cân nặng khiến đội tuyển Silat Việt Nam cũng phải tính toán cho võ sỹ ép cân. Điển hình là đương kim vô địch SEA Games hạng 75 kg, Quàng Thị Thu Nghĩa phải cắt 5 kg xuống đánh hạng 70 kg. 

Trong khi đó, với môn Wushu vấn đề gặp phải đó là tính gộp thành tích của võ sỹ thi đấu biểu diễn (Taolu) với các binh khí. "Ở SEA Games 31 mỗi nội dung là một bộ huy chương. Nhưng ở đại hội lần này, chỉ có trường quyền, nam quyền là đơn môn được tính độc lập thành một bộ huy chương. Còn lại các môn binh khí phải cộng các nội dung lại mới được tính thành một bộ huy chương", HLV Nguyễn Văn Chương đội tuyển wushu Việt Nam cho hay.

Để hiểu đơn giản, ở SEA Games trước võ sỹ kỳ cựu Dương Thúy Vi có thể giành 2 HCV nội dung kiếm thuật, thương thuật, thì tại kỳ Đại hội này 2 bài thi trên gộp lại mới được tính điểm 1 HCV.

Các nội dung biểu diễn với binh khí của Wushu sẽ phải tính gộp kết quả mới có HCV tại SEA Games 32

Khi các đội tuyển võ thuật "thay máu"

Dù SEA Games 32 diễn ra chỉ đúng 1 năm ngay sau Đại hội ở Việt Nam, nhưng năm nay chứng kiến màn "thay máu" trên diện rộng ở nhiều đội tuyển võ thuật. Theo đó, nhiều gương mặt kỳ cựu đã lần lượt chia tay, thậm chí cả những VĐV mới giành HCV ở SEA Games 31.

Có nhiều lý do dẫn tới điều này. Đó là việc chủ nhà giới hạn tỷ lệ đăng ký và điều chỉnh nhiều hạng cân thi đấu buộc các đoàn thể thao quốc gia phải rút gọn và tính toán nhân sự tham dự sao cho đảm bảo mục tiêu giành huy chương.

Bên cạnh đấy, mỗi đội tuyển cũng cần "thay máu" qua đó sàng lọc, tìm kiếm và tạo cơ hội cho những gương mặt trẻ triển vọng trưởng thành nhằm nhắm đến mục tiêu lâu dài, những sân chơi lớn hơn như ASIAD, Olympic... 

Với đội tuyển Boxing, 2/3 nữ võ sỹ từng giành HCV tại SEA Games 31 không dự Đại hội năm nay đó là Vương Thị Vỹ và Trần Thị Linh. Trong khi đó "nam vương boxing" Trương Đình Hoàng cũng chia tay đội tuyển và cả quyền anh nghiệp dư.

Với môn Karate, những võ sỹ giành HCV năm ngoái như Hồ Thu Hiền, Trang Cẩm Lành, Bùi Thị Thảo, hay các nam VĐV như Đặng Hồng Sơn, Chu Đức Thịnh từng thi đấu ít nhất 2 kỳ SEA Games đều đã rời đội tuyển quốc gia.

Thu Hiền (bên trái) và Cẩm Lành (bên phải) đã chia tay ĐT Karate Việt Nam

Ở nội dung biểu diễn (Taolu) của Wushu, ngoại trừ cánh chim đầu đàn Dương Thúy Vi, năm nay đội tuyển Wushu biểu diễn trẻ hóa đáng kể với những cái tên như Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Lệ Chi, Nông Văn Hữu. Đây là những VĐV được kỳ vọng sẽ còn tiến xa, không chỉ ở SEA Games mà còn là đấu trường ASIAD hay thế giới.

Trong khi đó, ở các đội tuyển Vật, Pencak Silat, một lứa VĐV tài năng như Hà Văn Hiếu, Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Trí đã rút lui. Còn ở môn Muay (tại SEA Games này mang tên Kun Khmer), võ sỹ nổi danh Nguyễn Trần Duy Nhất sau khi giành tấm HCV ở Đại hội năm ngoái cũng không còn thượng đài mà làm nhiệm vụ HLV.

Nguyễn Trần Duy Nhất sẽ chỉ giữ vai trò HLV trong BHL đội tuyển Kun Khmer Việt Nam tranh tài tại SEA Games 32

"Mỏ vàng" võ thuật sẽ cho ra bao tấm HCV ở SEA Games 32?

Việc tái lập thành tích 85 tấm HCV từ các môn võ thuật như ở SEA Games 31, tại kỳ Đại hội này rõ ràng là không tưởng. Vậy "mỏ vàng" võ thuật liệu có thể đóng góp bao nhiêu tấm HCV cho đoàn Thể thao Việt Nam ở SEA Games 32?

Một điểm chung dễ thấy đó là gần như tất cả các môn võ đều đăng ký chỉ tiêu HCV ở SEA Games 32 giảm tới 40-50% so với thành tích đã đạt được cách đây 1 năm.

Đây là ngưỡng "chỉ tiêu an toàn", tức là vẫn để mở cho khả năng vượt chỉ tiêu. Những rõ ràng tính toán này cũng khá sát với tình hình thực tế chuẩn bị của các đoàn đối thủ và vấn đề muôn thuở ở SEA Games đó là sự ưu ái nhất định của trọng tài cho VĐV chủ nhà.

Võ sỹ Muay Việt Nam thất bại có phần tức tưởi ở trận chung kết trước võ sỹ Campuchia ở SEA Games 31

Lấy môn Vật làm điển hình. Nếu SEA Games 31 đội tuyển Vật Việt Nam thâu tóm tới 17/18 tấm HCV, dù là đúng với thực lực đẳng cấp, thì tại Đại hội này chỉ tiêu của các đô vật chỉ là 9-10 tấm HCV ở 18 nội dung được phép đăng ký trên tổng số 30 nội dung thi mà Campuchia tổ chức.

"Tại SEA Games 32, ngoại trừ chủ nhà, các nước tham dự chỉ được đăng ký tối đa 18 bộ huy chương trong tổng số 30 bộ, đồng nghĩa với việc các đô vật chỉ được tham dự 6/10 hạng cân (đối với 3 nội dung vật cổ điển, vật tự do nam, vật tự do nữ). Ngoài ra nhiều VĐV mạnh từ Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc cũng được các đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia... tiến hành nhập tịch nên cơ hội cạnh tranh HCV càng khó cho các đô vật Việt Nam", ông Tạ Tùng Đức, phụ trách bộ môn Vật (Tổng cục TDTT) cho biết.

Vật Việt Nam từng giành 17/18 HCV ở SEA Games 31, nhưng chỉ tiêu ở Đại hội này chỉ là 9-10 tấm HCV 

Ngay sau môn vật, môn "quốc võ" Vovinam cũng được xác định "cõng chỉ tiêu HCV". Ở kỳ SEA Games này Campuchia tổ chức tới 30 bộ huy chương Vovinam (8 bộ đối kháng nam-nữ, 22 bộ biểu diễn), tức nhiều gấp đôi so với khi Việt Nam tổ chức cách đây 1 năm. Nhưng như thế không đồng nghĩa với việc các VĐV Việt Nam có thể giành tối đa ở môn quốc võ.

Tại SEA Games 31 Vovinam Việt Nam giành 6/15 tấm HCV. Tại giải vô địch ĐNÁ cuối tháng 3 vừa qua chúng ta giành 9 tấm HCV, chỉ xếp thứ 2 sau chính đoàn... Campuchia với 10 HCV. 

Rõ ràng, với Vovinam vấn đề không chỉ là giành bao nhiêu tấm HCV mà còn là "nhiệm vụ quốc tế" khi cần phổ biến sâu rộng hơn nữa ra khu vực, thế giới môn quốc võ của người Việt để từ đó Vovinam được xuất hiện thường xuyên ở các kỳ Đại hội. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi Vovinam chỉ đặt ra mục tiêu khiêm tốn 7 tấm HCV tại SEA Games này.

Dù SEA Games có tới 30 bộ huy chương nhưng Vovinam Việt Nam chỉ đặt mục tiêu
khiêm tốn 7 HCV

Trong khi đó, ở các môn võ thuật còn lại, chỉ tiêu HCV đặt ra chỉ loanh quanh từ 1-2 tấm, hoặc không nhiều hơn 4 HCV. Như vậy, tính toán sơ bộ chỉ tiêu của "mỏ vàng" võ thuật tại SEA Games này - trong trường hợp khả thi nhất - sẽ đạt được khoảng 55 tấm HCV. Và trong hợp tối thiểu, sẽ chỉ có khoảng 40-45 tấm HCV.

Các chỉ tiêu này đều thấp hơn rất nhiều so với thành tích ở Đại hội trước. Nhưng rõ ràng trong bối cảnh các môn võ nói chung sắp trải qua một kỳ SEA Games "lạ" nhất trong lịch sử, không gì đảm bảo chỉ tiêu HCV - dù là tối thiểu - sẽ thành hiện thực.  

Chỉ tiêu HCV đề ra của các môn võ tại SEA Games 32

Boxing 1-2 HCV

Kickboxing 3-4 HCV

Taekwondo 4 HCV

Karate 3-4 HCV

Wushu 2-4 HCV

Kun Khmer 2 HCV

Bokator 3 HCV

Vật 9-12 HCV

Pencak Silat 3-4 HCV

Võ gậy 3-4 HCV

Judo 3-4 HCV

Jujitsu 1-2 HCV

Vovinam 7 HCV

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm