Trong ngày thi đấu thứ 3, bắt đầu với nội dung thuyền bốn nữ hạng nặng hai mái chèo, cũng là nội dung đầu tiên tranh HCV, bộ tứ của rowing Việt Nam đã xuất sắc cán đích đầu tiên.
Hồ Thị Lý, Phạm Thị Huệ, Định Thị Hảo và Phạm Thị Thảo giành HCV với thành tích 7:13.2, hơn đội về nhì của Indonesia đến gần 10 giây. Cả bốn đều là những VĐV gạo cội của rowing Việt Nam, từng mang về những tấm huy chương vàng danh giá ở đấu trường châu lục và khu vực.
Tấm HCV của bộ tứ này còn đặc biệt hơn cả khi có những hậu phương vững chắc, sát cánh ngay tại SEA Games 31. Với Hồ Thị Lý, tay chèo quê Quảng Trị được tiếp lửa tinh thần từ người chồng, đang làm trọng tài ở SEA Games 31.
“Đây là kỳ SEA Games đặc biệt với tôi. Trước đây, tôi thường đi cùng đồng đội, hiếm khi có chồng sát cánh. Nhưng khi có anh bên cạnh, tâm lý thoải mái, tự tin hơn. Trước ngày thi đấu, anh ấy bảo “mai chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo”. Bấy nhiêu đó cũng đủ để tôi quyết tâm hơn cho mục tiêu giành HCV”, Hồ Thị Lý thổ lộ.
Hồ Thị Lý cùng Đăng Kiên đến với nhau rất đặc biệt. Lý quê Quảng Trị, Kiên đến từ Hà Tĩnh. Cả hai gặp nhau và cảm mếm khi cùng lên đội rowing Việt Nam. Sau thời gian tìm hiểu, Lý và Kiên “góp gạo thổi cơm” chung sau khi cô cùng rowing Việt Nam giành HCV quý giá ở ASIAD 2018.
“Đây là lần tổ chức ở Việt Nam, vợ được HCV thì mình cảm thấy hạnh phúc lắm. Ở các lần trước, vợ đi thì chỉ qua kết quả thôi chứ không thể xem trực tiếp, lần này sát cánh cùng nhau là điều đặc biệt”, Kiên bày tỏ.
Hiện tại, Lý thuộc đơn vị TP. HCM còn Kiên chuyển sang công tác huấn luyện cho đoàn Vĩnh Phúc. Cả hai cùng có nhiều thời gian, cơ hội để hỗ trợ nhau cả trong tập luyện lẫn thi đấu.
Ngoài cặp đôi Hồ Thị Lý – Đăng Kiên, rowing Việt Nam còn có cặp vợ chồng đặc biệt khác là Đặng Minh Huy – Phạm Thị Huệ. Huy đến với SEA Games 31 với vai trò hậu cần cho đội rowing Việt Nam.
Những lúc vợ thi đấu, cựu VĐV rowing này thấp thỏm trên bờ ngóng theo kết quả của vợ. Và lúc đội rowing chuẩn bị lên thuyền cho các đợt thi đấu tiếp theo, anh chính là người lo tất cả công việc, hậu phương vững chắc không chỉ của Huệ mà còn của cả đội.
Năm 2008, tay chèo quê Quảng Bình vào đầu quân cho Đà Nẵng. Tại đây, Huệ làm quen với đồng nghiệp Đặng Minh Huy khi cả 2 tập luyện chung. Thời điểm đó, trang thiết bị còn thiếu thốn. Huy thì có thuyền nhưng không có chèo còn Huệ thì có mỗi mái chèo. Thế là cứ mỗi lần tập, Huy cho Huệ mượn thuyền rồi chờ Huệ tập xong mới đến lượt mình. Ngày qua đi, họ yêu nhau lúc nào không hay.
Yêu mãi mới cưới cũng bởi lịch tập luyện, thi đấu liên miên. Về chung một mái nhà nhưng mỗi người tập luyện thi đấu một nơi nên những năm đầu về chung một nhà, 2 vợ chồng gặp nhau chưa đến 1 tháng. Khi vừa hạ sinh cháu gái chỉ được 9 tháng, Huệ phải khăn gói rời xa con ra Hà Nội tập luyện.
Sau quãng thời gian dài trải qua nhiều thử thách, hai vợ chồng Huy – Huệ có dịp đặc biệt khi cùng nhau sát cánh ở SEA Games 31. Đó là nguồn động lực lớn để cô gái sinh năm 1991 tiếp thêm nghị lực, làm “cánh chim đầu đàn” cho rowing Việt Nam ở SEA Games này.