Môn điền kinh SEA Games 31 sẽ chính thức khởi tranh từ 14/5 và kết thúc vào 19/5/2022 trên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). 6 ngày tranh tài, 47 bộ huy chương, 11 quốc gia và nước nào giành vị trí số 1 toàn đoàn?
Đội hình đông đảo nhưng chưa mạnh nhất
Lần thứ hai tổ chức SEA Games trên nhà (kỳ đầu năm 2003), điền kinh Việt Nam tung ra đội hình đông đảo nhất. Thành phần tuyển điền kinh Việt Nam gồm 20 thành viên ban huấn luyện (1 lãnh đội, 19 HLV và chuyên gia) cùng 66 VĐV.
Mặc dù có đội hình đông đảo nhất trong các kỳ SEA Games, nhưng tuyển điền kinh Việt Nam lại không có đội hình mạnh nhất do thiếu vắng khá nhiều tên tuổi từng gắn liền với đấu trường thể thao Đông Nam Á.
Đầu tiên phải kể đến “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh, người hiện là đương kim vô địch chạy 100m nữ. Cô gái sinh năm 1997 mới đây đã được rút khỏi danh sách đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 vì dính chấn thương gối. Vắng Tú Chinh, ít nhất sẽ có đến hai nội dung chạy ngắn mất HCV (Tú Chinh từng giành HCV 100m, 200m SEA Games 2017).
Tú Chinh đánh bại đối thủ nhập tịch Kristina Knott (Philippines) ở đường chạy 100m, nhưng chỉ giành HCB 200m tại SEA Games 30 năm 2019. Đội hình chạy tiếp sức 4x100m nữ Việt Nam cũng chỉ giành được HCĐ ở kỳ đại hội trước.
Bên cạnh đó, SEA Games 31 này cũng thiếu vắng Dương Văn Thái, người được mệnh danh là “huyền thoại chạy 800m, 1500m SEA Games” khi từng giành 8 HCV, 1 HCĐ ở 5 kỳ SEA Games gần đây nhất. Chàng trai đoàn Nam Định không giành được suất dự đại hội năm nay khi suốt 2 năm qua luôn có thành tích thấp hơn đàn em Trần Văn Đảng (Hà Nội).
Sức ép khủng khiếp từ đối thủ
Mặc dù cử đội hình mạnh nhất dự SEA Games 31, nhưng điền kinh Việt Nam lại được đánh giá sẽ gặp rất nhiều bất lợi trên đường tìm kiếm ngôi nhất toàn đoàn kỳ thứ ba liên tiếp. Ở hai kỳ SEA Games gần đây nhất, điền kinh Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để giành ngôi nhất toàn đoàn, điều mà suốt từ năm 1959 đến nay, chưa quốc gia nào làm được với Thái Lan.
SEA Games 2017 (Malaysia), Việt Nam giành 34 huy chương, chỉ hơn Thái Lan đúng một tấm. Nhưng… số HCV mà Việt Nam giành được đã áp đảo đối thủ một cách đáng kinh ngạc: 17 HCV so với 9. Đến SEA Games 2019 (Philippines), vị trí số một vẫn được Việt Nam duy trì: 38 huy chương so với 35 của Thái Lan. Trong đó, Việt Nam có 16 HCV còn đối thủ giành 12 tấm.
Ở kỳ đại hội gần 3 năm trước, điền kinh Philippines đã suýt đuổi kịp Thái Lan khi xếp thứ ba với 11 HCV. Philippines nổi lên là một đối thủ mạnh của điền kinh Đông Nam Á khi trình làng hàng loạt… VĐV nhập tịch.
Một trong số này phải kể đến chính Knott, cô gái gốc Mỹ gần đây đã đầu quân cho điền kinh Philippines. Knott đã đánh bại Tú Chinh dễ dàng trên đường chạy 200m, lập kỷ lục SEA Games với thông số 23 giây 01 (Chinh giành HCB với thông số kém xa 23.45). Còn ở đường chạy 100m, Knott chỉ thua Chinh đúng 0,01 giây (11.54-1155) để nhận HCB.
Tuy nhiên, mới đây, Knott cũng đã tuyên bố không dự SEA Games 31 vì dính chấn thương chân. Việc cả Kristina Knott và Lê Tú Chinh không tham dự SEA Games lần này là một điều “lạ”. Giới chuyên môn đang phỏng đoán ai sẽ là “nữ hoàng tốc độ” mới của Đông Nam Á?
Thái Lan nhăm nhe ngôi số một toàn đoàn
Đây là mục tiêu mà giới chuyên môn đều thấy rõ. Sau hai kỳ mất ngôi, điền kinh Thái Lan có động thái mạnh mẽ để đòi lại vị trí cũ. Thái Lan năm nay sở hữu đội hình rất mạnh ở các nội dung chạy ngắn của nam. Một nhân tố mới được dự đoán sẽ làm “vỡ sân Mỹ Đình” trên đường chạy 100m, 200m nam là cậu bé mới chỉ 16 tuổi: Puriphon Boonsorn.
“Thần đồng” sinh năm 2006 của Thái Lan sở hữu thông số cực kỳ xuất sắc là 10.19 cho 100m và 20.58 cho 200m. Đây đều là những thông số vượt qua mốc HCV ở SEA Games 30 và là thành tích tốt nhất mùa giải 2022 tính đến trước SEA Games 31.
Điền kinh Thái Lan cũng được dự đoán gần như chắc chắn có HCV ở hai nội dung 5000m và 10.000m nam khi đương kim vô địch Kieran Tuntivate (gốc Mỹ) vẫn có phong độ rất ổn định trong năm qua. Bên cạnh đó, tấm HCV marathon nam cũng được dự đoán có khả năng thuộc về Tony Payne (gốc New Zealand), người đang nắm kỷ lục quốc gia Thái Lan và kỷ lục Đông Nam Á 2:16:56.
Không chỉ mạnh ở các nội dung chạy ngắn và dài nam, Thái Lan còn đầu tư vào nội dung 400m, cự ly mà từ trước đến nay Việt Nam vẫn rất mạnh. Quốc gia này đã nhập tịch thành công Joshua Atkinson, chàng trai sinh năm 2003 đến từ Australia.
Atkinson (tròn 18 tuổi vào 25/5/2022) sở hữu thông số chạy 400m nam 46.60, chỉ kém 0,04 giây so với thành 46.56 từng giúp Trần Nhật Hoàng (Việt Nam) giành HCV SEA Games 30. Còn ở nội dung 800m, Atkinson có thành tích 1:49.10, tốt hơn thông số 1:49.91 giành HCV SEA Games 30 của Dương Văn Thái.
Đánh giá về lực lượng dự SEA Games 31 của điền kinh Việt Nam và các nước trong khu vực, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh Tổng cục TDTT, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam cho biết: “Tính sơ bộ, chúng ta mới có khoảng 12 nội dung có khả năng giành HCV. Còn lại, chúng ta chịu sức ép rất lớn đến từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia và cả Singapore.
Thái Lan cho thấy rất rõ mục tiêu giành lại ngôi số một toàn đoàn ở SEA Games 31. Trước đây, họ chỉ nhập khẩu các VĐV ở những nội dung chạy 5000m hay 10.000m, nhưng bây giờ họ nhập tịch cả VĐV ở những nội dung vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Ngoài ra, năm nay cũng phải kể đến sức ép từ điền kinh Philippines. Cuộc chiến giành ngôi nhất toàn đoàn vẫn rất căng thẳng và chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.