Tiếng gọi Tổ quốc
Daniel Cao Nguyễn (hay còn gọi Daniel Nguyễn) sinh ra và lớn lên ở Mỹ song cả bố mẹ đều là người Việt Nam. Tuy nhiên, thuở thiếu thời, chàng trai sinh năm 1990 chỉ được nghe những câu chuyện về quê hương qua bố mẹ. Suốt cả tuổi thanh xuân của mình, Daniel Nguyễn chỉ có hai niềm vui chính: học và quần vợt.
Ông Tiến Nguyễn, bố của Daniel Nguyễn, kể lại: “Năm lên 5 tuổi, Daniel Nguyễn theo mẹ đến các sân quần vợt chỉ để chơi nhưng rồi, cháu dần dần đam mê. Từ đó, quần vợt như ăn vào máu. Cả nhà ba anh em đều chơi quần vợt. Ấy vậy, Daniel Nguyễn lại có tố chất và đam mê cuồng nhiệt”.
Năm 10 tuổi, gia đình đã hướng cho chàng trai sinh năm 1990 này theo học các lớp chuyên nghiệp. Lên trung học, đại học, Daniel Nguyễn đều tìm cách để tham gia CLB quần vợt của trường. Và rồi, đến năm 2002, anh chính thức bước vào sân chơi chuyên nghiệp.
Daniel Nguyễn phát triển nhanh chóng để rồi góp mặt ở vòng đấu chính của giải Mỹ mở rộng; tham dự vòng loại Úc mở rộng, Pháp mở rộng và Wimbledon. Anh cũng từng lọt vào Top 200 ATP.
Để con trai theo đuổi đam mê, ông Tiến Nguyễn tiết lộ rằng, mỗi năm, gia đình chi ra từ 50,000 USD – 60,000 USD để Daniel Nguyễn tiếp tục con đường banh nỉ.
Và khi sự nghiệp đang trên đà đi lên, Daniel Nguyễn bỗng nghe theo tiếng gọi con tim. “Từ nhỏ, Daniel Nguyễn chỉ biết mình là người Việt Nam chứ chưa biết quá nhiều về đất nước mình. Tuy nhiên, khi gặp một số người cùng quê, Daniel Nguyễn đã bị thuyết phục.
Cháu bày tỏ nguyện vọng về cống hiến cho quần vợt Việt Nam”, ông Tiến Nguyễn kể. Theo bố của Daniel Nguyễn, thời điểm tay vợt này bày tỏ nguyện vọng cách đây 4 năm, là lúc mà anh đang ở đỉnh cao sự nghiệp.
Giấc mơ lớn cùng quần vợt Việt Nam
Khi Daniel Nguyễn bày tỏ nguyện vọng trở về Việt Nam, anh nhận được sự trợ giúp đắc lực từ ông chủ CLB quần vợt Hải Đăng, Thái Trường Giang. Khó khăn lớn nhất của Daniel Nguyễn là xin quốc tịch Việt Nam. Và sau hai tháng, anh đã có đủ điều kiện để thi đấu cho quê hương.
Cầm trên tay quốc tịch Việt Nam, ông Tiến Nguyễn cùng con trai mừng như muốn khóc. Kể từ đây, những chuyến đi về giữa Việt Nam và Mỹ càng gần hơn. Bố của Daniel Nguyễn tiết lộ: “Khi con bày tỏ nguyện vọng muốn giúp quần vợt Việt Nam đạt tầm cao mới, nâng cao trình độ của mọi người chơi banh nỉ thì tôi mừng lắm.
Vì sao Daniel Nguyễn lại đưa ra quyết định này ư? Vì cháu thích về Việt Nam, vì lòng yêu nước, vì muốn phát triển quần vợt quê nhà chứ không phải tự nhiên mà thích”.
Chính vì thế, khi trở về Việt Nam, dù còn nhiều rào cản nhưng Daniel Nguyễn không gặp bất cứ khó khăn này. “Cháu luôn vui với lựa chọn của mình”, ông Tiến Nguyễn giãi bày.
Khi về Việt Nam, Daniel Nguyễn đặt quyết tâm cao. Anh muốn cùng quần vợt Việt Nam chinh phục những giải đấu bằng những danh hiệu cao quý. Hơn thế, Daniel Nguyễn chủ động học tiếng Việt trong một năm trở lại đây để hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Không chỉ tham dự các giải đấu, tay vợt 29 tuổi này còn thường xuyên tập luyện cho các VĐV trẻ.
Anh còn là đồng đội, bạn thân với Lý Hoàng Nam. “Khi hai người giỏi thường tập luyện, thi đấu với nhau thì trình độ của họ sẽ cao hơn. Từ khi Daniel Nguyễn về, cả hai chạm trán nhau nhiều lần. Dù Nam chưa thắng nhưng trình độ của Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa. Cậu ấy vẫn còn đến 10 năm ở đỉnh cao sự nghiệp.
Chúng tôi coi Nam như con cháu trong nhà. Khi trên sân, cả hai là đối thủ song bên ngoài, họ là những người bạn thân của nhau. Điều này rất tốt để cả Daniel Nguyễn lẫn Hoàng Nam phát triển sự nghiệp”, ông Tiến Nguyễn bày tỏ.
Ở SEA Games 30, Daniel Nguyễn và Lý Hoàng Nam là niềm hy vọng vàng của quần vợt Việt Nam. Cả hai đều đang đi trên con đường chinh phục tấm HCV với những chiến thắng ấn tượng. “Bất kể ai vô địch, đó đều là niềm hạnh phúc lớn. Tôi mong mỏi, quần vợt Việt Nam sẽ giành nhiều HCV ở SEA Games này”, bố của Daniel Nguyễn chia sẻ.