Cổ tích với cô gái Campuchia nghèo thất học, lấy chồng ngoại hơn 28 tuổi thành “thánh nữ billiards” gây sốt ở SEA Games 32

Huy Kha
chủ nhật 30-4-2023 9:45:37 +07:00 0 bình luận
Trải qua tuổi thơ cơ cực, phải nghỉ học sớm, chấp nhận lấy chồng Hàn Quốc lớn hơn 28 tuổi nhưng billiards đã thay đổi cả cuộc đời của Sroung Pheavy. Giờ đây, cô là niềm hy vọng vàng của Campuchia ở SEA Games 32.

Định mệnh với billiards nhờ chồng hơn 28 tuổi

Sroung Pheavy có xuất thân từ gia đình nghèo khó ở Kampong Cham. Do hoàn cảnh đặc biệt, cô phải nghỉ học từ sớm. Nữ cơ thủ sinh năm 1990 cùng bố mẹ hằng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mưu sinh trên những cánh đồng.

Nhan sắc vạn người mê của Sroung Pheavy.

Cô trồng khoai, sắn hay làm bất cứ việc gì, để cùng bố mẹ đỡ đần nuôi 6 miệng ăn trong gia đình. Chứng kiến cảnh nhà cơ cực và có ý chí vươn lên, năm 2009, Sroung Pheavy có quyết định táo bạo. Cô chấp nhận rời quê hương để làm dâu ở Hàn Quốc thông qua môi giới.

Sroung Pheavy cưới chồng hơn cô 28 tuổi. Đó là ông Kim Man Sik. Ở hoàn cảnh như vậy, Sroung Pheavy thấu hiểu khó khăn, trở ngại phía trước. Cô sống ở một nơi khác lạ, khi không có nhiều bạn bè, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ. Cuộc sống đó cứ lặp đi lặp lại ở xưởng in nhỏ do chồng cô điều hành.

Thế nhưng, là người từng trải, sớm có ý chí phấn đấu vươn lên, Sroung Pheavy không một lời than vãn. Cứ thế, cô dần dần thích nghi cuộc sống mới. Và bước ngoặt xảy đến với cô.

Thần thái hút hồn của nữ cơ thủ xinh đẹp người Campuchia.

Một hôm, Kim Man Sik dẫn vợ đến quán billiards ông hay chơi. Sroung Pheavy vốn chưa từng cầm các cây cơ bỗng chốc khiến tất cả quanh bàn “mắt tròn, mắt dẹt”. Cô kể với tờ The Korea Herald: “Tất cả những người trong phòng đều rời chỗ của họ và vây quanh bàn của tôi. Họ nhìn tôi đầy sửng sốt và hỏi có thật đây là lần đầu của tôi không? Tôi bảo, ngày còn ở Campuchia, tôi còn chưa từng thấy nó”. 

Cũng chính giây phút định mệnh đó, Kim Man Sik phát hiện tài năng thiên bẩm của vợ. Ông đưa ra quyết định khiến Sroung Pheavy sửng sốt. Kim đề nghị vợ hãy tập luyện billiards còn ông lo việc nhà.

Cô kể lại: “Ban đầu tôi không thoải mái lắm, vì tôi chơi billiards, chồng phải làm việc, thật đáng xấu hổ. Nhưng dần dần tôi thích nó, và cũng nhận được sự ủng hộ từ mọi người”.

Vụt sáng thành ngôi sao hàng đầu ở SEA Games 32

Sau nhiều năm tập luyện, năm 2013, Pheavy xuất sắc giành ngôi á quân trong một giải nghiệp dư. Từ đó, cô lọt vào mắt xanh của Billking Korea, một thương hiệu cung cấp dụng cụ billiards. Họ đã đưa ra đề nghị hỗ trợ cô theo đuổi sự nghiệp.

Chỉ bốn năm sau, Sroung Pheavy đứng đầu bảng xếp hạng các cơ thủ carom ba băng Hàn Quốc. Dù vậy, cô không thể tham gia các giải đấu quốc tế vì mang quốc tịch Campuchia. Bởi đơn giản, nước này chưa có Liên đoàn Billiards.

Sroung Pheavy cùng bà Choi Hyun-hee, Tổng giám đốc Billking Korea, nơi chắp cánh để cô vụt sáng.

Ấy vậy, tiếng tăm của Sroung Pheavy đã vươn xa. Tình cờ, con trai của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đọc được các thông tin về cô trên mạng xã hội. Ngay lập tức, ông kêu gọi các tổ chức tài trợ 8.900 USD để thành lập Liên đoàn billiards Campuchia. 

Có chính danh, tháng 9/2018, cô khiến đất nước tự hào khi giành vị trí thứ ba tại Giải vô địch thế giới tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó đến nay, Sroung Pheavy không ngừng thăng tiến. Đến nay, cô có hơn 20 danh hiệu trong sự nghiệp cùng vị trí thứ hai thế giới carom 3 băng.

Sroung Pheavy nói rằng, cô đã trải qua quá trình tập luyện gian khổ, 11 tiếng mỗi ngày, khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi. Ý nghĩ dừng lại cũng len lỏi. Những lúc như vậy, cô lấy cảm hứng từ gia đình, đất nước.

Sroung Pheavy được ví như người đẹp không tuổi.

Nghị lực đó giúp cô vượt qua mọi nghịch cảnh. Sroung Pheavy không còn là cô bé cơ cực ngày nào. Cô đang là ngôi sao sáng của billiards thế giới. Đó cũng là lúc, cô báo đáp lại những gì mình đã được nhận. Pheavy nhận thấy trọng trách lớn lao, rằng cô đang đại diện cho cả dân tộc, đồng thời góp phần mang lại những thay đổi tích cực cho quê hương.

Sroung Pheavy sở hữu một khu đất rộng 9.920 m2 tại Campuchia. Cô vẫn đang tìm mua thêm. Tất cả phục vụ dự án xây trường học, giúp trẻ em nghèo được tiếp cận với giáo dục. Cô mong muốn những đứa trẻ sau này sẽ không phải thất học sớm như cô.

Cô cùng bố đáng kính.

Nữ cơ thủ sinh năm 1990 cũng thường xuyên tài trợ cho ngôi trường cô từng học tiểu học; lập quỹ từ thiện từ chính số tiền thưởng cô tích lũy trong những năm tháng thi đấu chuyên nghiệp. Pheavy bảo, tất cả đó đều là ý tưởng từ chồng của cô. 

Như mọi cô gái khác, tôi cũng muốn lập gia đình với người mình yêu. Nhưng vì hoàn cảnh, tôi buộc phải chấp nhận số phận. Tuy nhiên bố tôi từng nói, con là người tốt, rồi con sẽ gặp một người đàn ông tốt. May mắn, đó chính là chồng tôi. Trong nhiều năm tôi đã tiêu tốn rất nhiều tiền của chồng, từ chi phí tập luyện đến thi đấu nước ngoài”, Sroung Pheavy chia sẻ.

Cổ tích đã viết nên bởi ý chí, sự kiên cường, tài năng và may mắn của Sroung Pheavy. Cô có sự nghiệp thăng hoa, cuộc sống viên mãn nhờ vào người chồng hiểu chuyện, lãnh đạo đất nước quý trọng tài năng. Ở kỳ SEA Games đặc biệt này, cơ thủ 33 tuổi mang trên mình trọng trách lớn, đó là tấm HCV ngay trên đất Campuchia. 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm