Trước khi SEA Games 32 khởi tranh, cử tạ Việt Nam trông chờ vào hai cựu binh Hoàng Thị Duyên và Lại Gia Thành; đồng thời đặt mục tiêu khiêm tốn với 2 HCV. Thế nhưng, ở Phnom Penh, các đô cử gây nên cú sốc lớn khi đoạt đến 4 HCV.
Trong đó, ba gương mặt còn mới mẻ là Trần Minh Trí (67kg nam), Nguyễn Quốc Toàn (89kg nam) và Trần Đình Thắng (+89kg nam). Trí là cái tên khiến tất cả phải ngỡ ngàng.
Đô cử sinh năm 2004 ở An Giang có lần đầu tham dự SEA Games. Gương mặt còn “búng ra sữa” không được sự kỳ vọng quá lớn. Anh phải cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ, giàu kinh nghiệm trong khu vực như Chantri (Thái Lan), Mohammad Yasin (Indonesia) hay Pacaldo (Philippines).
Mục tiêu thiết thực với Trí chỉ là cố gắng đoạt tấm huy chương. Thế nhưng, đô cử 19 tuổi này gây choáng váng. Ở nội dung cử giật, anh chỉ xếp thứ 4 khi kém Chantri và Yasin đến 7kg, kém Pacaldo 1 kg.
Đến phần cử đẩy, Chantri gần như cầm chắc HCV khi hoàn thành mức tạ 168kg, với mức tổng cử 305kg. Anh hơn Minh Trí đến 7kg. Để vượt mặt đối thủ, đô cử quê An Giang phải nâng lên mức tạ 176kg.
Không một ai có thể tin vào điều kỳ diệu với mức tạ này khi kỷ lục SEA Games của cử đẩy là 173kg. Ở hoàn cảnh không ai ngờ đến đó, Trí tạo cơn địa chấn, anh đẩy thành công trong sự vỡ òa sung sướng của BHL. Trí cũng thiết lập kỷ lục mới ở nội dung cử đẩy với 176kg. Anh đoạt HCV với mức tổng cử 306kg, hơn đối thủ Chantri chỉ 1 kg.
Chưa hết vui sướng sau tấm HCV ngoài dự kiến của Trí, cử tạ Việt Nam còn khiến cả Đông Nam Á bất ngờ ở hạng cân siêu khủng 89kg. Những hạng cân nặng chưa bao giờ là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, Nguyễn Quốc Toàn đã làm rạng danh cử tạ Việt Nam khi xuất sắc giành tấm HCV hạng cân khổng lồ 89 kg với 3 kỷ lục mới của đại hội.
Ở nội dung cử giật, đô cử sinh năm 2002 ở Bạc Liêu đã mang đến ngạc nhiên lớn khi khởi điểm với mức "tố tạ" là 150 kg, cao nhất trong số 4 VĐV dự thi và ngang bằng kỷ lục cử giật SEA Games được thiết lập năm ngoái. Trong lần cử đầu tiên, Toàn tự tin cao độ, để rồi dễ dàng chinh phục mức tạ này.
Có đà tâm lý, ở lần cử thứ hai, Toàn đã phá kỷ lục SEA Games với thông số 155 kg, vượt kỷ lục 150 kg của lực sỹ Zul Ilmi của Indonesia lập tại SEA Games 31 ở Việt Nam.
Sớm bứt phá ở phần thi cử giật với khoảng cách 10 kg bỏ xa đối thủ bám đuổi Zul Ilmi, người nắm giữ 3 kỷ lục cử giật - cử đẩy - tổng cử hạng cân này, Quốc Toàn bước vào phần cử đẩy với mức tạ khởi điểm rất cao: 185 kg.
Sau khi đẩy thành công mức tạ này, Quốc Toàn chính thức phá kỷ lục tổng cử của hạng cân 89 kg với mức tạ 340 kg, đánh bại kỷ lục 337 kg của Zul Ilmi. Và ở lần cử đẩy thứ 2, Toàn phá kỷ lục với thông số 190kg, so với 187kg trước đó. Chung cuộc, Toàn đoạt HCV với mức tổng cử 345kg, phá cả ba kỷ lục ở hạng cân này.
Cử tạ Việt Nam có kỳ SEA Games thành công ngoài mong đợi với sự tỏa sáng bất ngờ của các đô cử trẻ. Điều đặc biệt, Trần Minh Trí và Nguyễn Quốc Toàn đều đến từ các địa phương không có truyền thống về môn đòi hỏi sự khắc nghiệt, khôn khan này.
Cử tạ phát triển mạnh ở khu vực phía Bắc, ở đó Bắc Ninh chính là “cái nôi” sản sinh ra lớp lớp đô cử tài năng cho Việt Nam. Sự trỗi dậy của hai đô cử ở miền Tây, đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Cần Thơ, ở SEA Games 32 là tín hiệu đáng mừng. Nó cho thấy sự phát triển, đầu tư mang tính đồng bộ ở các vùng miền trên cả nước.
Điều này giúp cử tạ không bỏ sót các nhân tài. Đó cũng là cú hích để phát triển sâu rộng trong tương lai. Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi có hệ thống kết nối chặt chẽ với địa phương để tạo ra quy trình tuyển chọn, đào tạo hiệu quả, phát huy tố chất của con người miền Tây; đồng thời áp dụng công nghệ khoa học hiện đại.
Trên thực tế, suốt 1 năm vừa qua, chúng tôi đã chăm sóc cho hai đô cử theo diện đặc biệt; trong đó, các em được dẫn dắt bởi chuyên gia người Bulgari và đảm bảo tốt nhất dinh dưỡng, chăm sóc y học, hồi phục. Chúng tôi quan tâm sát sao đến rèn luyện tâm lý và chiến thuật cho VĐV. Đó là lý do hai đô cử thi đấu mạnh mẽ, có những cú đẩy ngoạn mục để giành tấm HCV tại SEA Games 32”.