Không còn “máy gặt” HCV Ánh Viên, bơi nữ Việt Nam hi vọng gì ở SEA Games 31?

Trần Khánh
thứ bảy 9-4-2022 8:21:18 +07:00 0 bình luận
Siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là người viết lại lịch sử cho bơi lội Việt Nam nói chung và các kình ngư nữ nói riêng với thành tích “vô tiền, khoán hậu” 25 HCV. Sự vắng mặt của ngôi sao này ở SEA Games 31 mang đến thách thức lớn cho đồng đội.

Hơn 1 thập kỷ “bạc phận” của bơi lội nữ

Kể từ khi hội nhập trở lại với thể thao khu vực từ năm 1995 với kỳ SEA Games 18 lịch sử, bơi lội là bộ môn “trắng” thành tích. Trong suốt 3 kỳ SEA Games năm 1995, 1997 và 1999, bơi lội Việt Nam không giành bất cứ tấm huy chương nào.

Phạm Thị Huệ là một trong những nữ VĐV hiếm hoi giành huy chương trước khi Ánh Viên xuất hiện.

Đến SEA Games 2001, cố kình ngư Trần Xuân Hiền đã mang về tấm HCB lịch sử ở nội dung 100m ếch. Đó cũng là tấm huy chương duy nhất của bơi lội Việt Nam ở kỳ đại hội này. Đến hai năm sau, khi SEA Games được tổ chức ở Việt Nam, thành tích mới nhích dần với 1 HCB và 3 HCĐ.

Đây cũng là lần đầu tiên, đánh dấu các nữ kình ngư bước lên bục nhận huy chương. Đó là hai tấm HCĐ của Võ Thị Thanh Vy ở nội 400m hỗn hợp và đồng đội nữ ở nội dung 4x100m hỗn hợp. Hai tấm HCĐ của các nữ kình ngư mang đến bất ngờ lớn. Và đó được xem là “hiện tượng lạ”.

Bơi lội nữ Việt Nam trở lại tình cảnh trắng tay ở hai kỳ đại hội tiếp theo vào các năm 2005 và 2007. Đến SEA Games 2009, Phạm Thị Huệ mới giành lại một tấm huy chương nhưng đó cũng chỉ là HCĐ.

Tính ra, hơn 1 thập kỷ, bơi nữ chỉ giành vỏn vẹn 3 huy chương và cả ba đều mang màu đồng.

Một mình Ánh Viên chiếm trọn 100% HCV, 90% HCB bơi lội nữ Việt Nam

Khi bơi lội Việt Nam chưa tìm ra ánh sáng, bất ngờ ở SEA Games 2011 tại Indonesia, một cô bé 15 tuổi xuất hiện đã làm dậy sóng đường đua xanh. Đó là Nguyễn Thị Ánh Viên! Ở tuổi 15, kình ngư sinh năm 1996 ngay lập tức đổi màu huy chương cho bơi lội nữ Việt Nam.

Cô đoạt hai HCB ở các nội dung 400m hỗn hợp và 100m ngửa. Cùng với đó, Nguyễn Thị Kim Tùy giành thêm 1 HCĐ ở 100m bơi bướm. Lần đầu tiên trong lịch sử bơi lội nữ Việt Nam, có một VĐV đoạt HCB và đoạt hơn 1 huy chương ở các nội dung cá nhân tại một kỳ SEA Games.

Ánh Viên tạo nên kỷ lục vô tiền, khoán hậu ở SEA Games với 25 tấm HCV.

Đó cũng chỉ là sự khởi đầu cho một tượng đài của bơi lội nữ nói riêng và bơi lội Việt Nam nói chung. Ánh Viên đã xác lập hàng loạt kỷ lục mang tính lịch sử sau đó.

Ở SEA Games 2013, lần đầu tiên, một nữ kình ngư Việt Nam đoạt HCV. Không chỉ một, Ánh Viên đoạt đến 3 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ và là VĐV nữ duy nhất của bơi lội Việt Nam giành huy chương.

Thành tích này góp phần giúp bơi lội Việt Nam lần đầu lọt vào Top 3 đoàn có thành tích tốt nhất. Với 5 HCV, 5 HCB, 2 HCĐ, đội tuyển bơi lội Việt Nam chỉ xếp sau Singapore và Thái Lan.

Hai năm sau, bơi lội Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử xếp thứ nhì toàn đoàn với 10 HCV, riêng Ánh Viên giành đến 8 HCV. Cô còn giành thêm 1 HCB và 1 HCĐ. Ánh Viên cũng là nữ VĐV duy nhất giành huy chương cho bơi lội Việt Nam. Chỉ tính riêng số HCV của Ánh Viên cũng giúp đoàn Việt Nam ngự trị số 2 chung cuộc, hơn đoàn xếp thứ 3 Malaysia đến… 5 HCV.

Ở SEA Games 2017, Ánh Viên tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng với 8 HCV, 2 HCB và Việt Nam chỉ chịu xếp sau cường quốc Singapore với tổng số 10 HCV. Ở kỳ Đại hội này, Lê Thị Mỹ Thảo là nữ VĐV còn lại giành huy chương với một tấm HCB.

Tại Philippines năm 2019, khi phong độ không cao, Ánh Viên vẫn đủ sức mang về 6 HCV, 2 HCB, góp công vào 10 HCV của bơi lội Việt Nam. Ngoài Ánh Viên, bơi nữ chỉ có Mỹ Thảo giành 1 HCĐ ở nội dung 200m bướm.

Trong suốt lịch sử tham dự SEA Games từ năm 1995 đến 2019, bơi lội nữ Việt Nam giành tổng cộng 25 HCV, 10 HCB, 7 HCĐ. Trong đó, Ánh Viên giành cả 25 HCV (chiếm trọn 100%), 9 HCB (90%), 2 HCĐ (28%).

Ai đủ sức “lật đổ” sự thống trị tuyệt đối HCV bơi lội nữ Việt Nam của Ánh Viên?

Ở SEA Games 31 trên sân nhà, Ánh Viên không tham dự. Cô khép lại thời kỳ huy hoàng và thống trị tuyệt đối ở đường đua xanh. Không một VĐV nữ nào của Việt Nam đủ sức chen chân vào bảng thành tích đồ sộ của kình ngư quê Cần Thơ.

Mỹ Tiên (bìa phải) là niềm hy vọng kế tục Ánh Viên nhưng ở tương lai.

Khi Ánh Viên nghỉ thi đấu, khoảng cách quá lớn. Theo giới chuyên môn, bơi lội nữ Việt Nam có thể kỳ vọng vào Lê Thị Mỹ Thảo và Phạm Thị Vân ở SEA Games 31. Đây là hai VĐV trọng điểm, thường xuyên được đi tập huấn nước ngoài trong thời gian qua.

Dù vậy, Phạm Thị Vân sẽ là “của để dành” cho tương lai. Kình ngư 17 tuổi này mới lần đầu tham dự SEA Games và sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ của Singapore, Malaysia hay Thái Lan.

Vân được kỳ vọng sẽ tạo nên cơn địa chấn như Trần Hưng Nguyên từng giành hai HCV tại Philippines cách đây 3 năm. Song, đối với Vân, giành huy chương ở SEA Games 31 được xem là thành công cho bước đường tương lai.

Lê Thị Mỹ Thảo là niềm hy vọng lớn nhất. Nữ kình ngư cùng tuổi với Ánh Viên có thế mạnh ở các nội dung bơi bướm. Hai nội dung 100m và 200m bướm chính là sở trường của kình ngư này. Mỹ Thảo có thể đoạt HCV nhưng để vượt con số quá 1 HCV là điều cực kỳ khó khăn.

Mỹ Thảo là một trong những niềm hy vọng vàng hiếm hoi của bơi lội nữ Việt Nam ở SEA Games 31.

Ngoài ra, Nguyễn Diệp Phương Trâm hay Võ Thị Mỹ Tiên (nữ VĐV duy nhất đánh bại Ánh Viên ở giải bơi bể 25m quốc gia 2022) cũng là niềm hy vọng. Tuy vậy, Diệp Trâm đã không còn duy trì vị thế khi sa sút thời gian qua còn Mỹ Tiên quá trẻ khi mới 14 tuổi.

Rõ ràng, bơi lội nữ Việt Nam sẽ trải qua kỳ SEA Games 31 thách thức với khoảng trống lớn mang tên Nguyễn Thị Ánh Viên.

Ánh Viên là nữ kình ngư duy nhất của Việt Nam giành HCV SEA Games

Ánh Viên: 25 HCV, 9 HCB, 2 HCĐ

Lê Thị Mỹ Thảo: 1 HCB, 1 HCĐ

Võ Thị Thanh Vy: 1 HCĐ

Phạm Thị Huệ: 1 HCĐ

Nguyễn Thị Kim Tùy: 1 HCĐ

1 HCĐ còn lại thuộc về nội dung 4x100m hỗn hợp

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm