Thời điểm cách đây 12 năm, ở SEA Games 2011 tại Indonesia, Hoàng Quý Phước khiến cả Đông Nam Á sửng sốt. Kình ngư sinh năm 1993 đã tạo tiếng vang khi đoạt 2 tấm HCV ở nội dung 100m tự do và 100m bướm.
Đặc biệt, Hoàng Quý Phước đánh bại Joseph Schooling, thần đồng của bơi lội Singapore để tạo nên kỳ tích khi trở thành VĐV bơi lội Việt Nam giành quá 1 HCV ở 1 kỳ SEA Games. Từ đó, kình ngư quê Đà Nẵng là niềm hy vọng lớn của thể thao nước nhà.
Anh được đầu tư trọng điểm. Tuy vậy, sự nghiệp của Phước không phát triển cao theo sự kỳ vọng. Anh không đoạt huy chương ở các giải lớn, trong đó có ASIAD. Hoàng Quý Phước cũng giành thêm 2 HCV ở hai kỳ SEA Games 2013 và 2015 ở nội dung 200m tự do.
Trong khi Hoàng Quý Phước chưa có sự phát triển thì Joseph Schooling thăng tiến vượt bậc. Thành tích ấn tượng mang tính lịch sử của kình ngư Singapore là đoạt HCV 100m bướm ở Olympic 2016. Anh phá cả kỷ lục của huyền thoại Mỹ Michael Phelps. Từ đó, những so sánh về sự xuất phát của cả hai nhưng lại rẽ hai hướng xảy ra.
Sự nghiệp của Hoàng Quý Phước chững lại thời gian khá dài. Tuy nhiên, ở giai đoạn xế chiều khi đã 30 tuổi, kình ngư quê Đà Nẵng lại thăng hoa rực rỡ. Tại SEA Games 31 trên sân nhà vào năm ngoái, anh cùng Nguyễn Hữu Kim Sơn, Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên đoạt HCV, phá kỷ lục đại hội ở nội dung 4x200m tự do nam. Càng ý nghĩa hơn khi Phước bơi cùng lượt với Joseph Schooling và đánh bại kình ngư cũng như đội bơi Singapore để bước lên bục vinh quang.
Mới đây, bộ tứ này lại gây tiếng vang khi bảo vệ thành công tấm HCV bằng cách vượt qua Malaysia, Singapore. Hoàng Quý Phước thổ lộ: “Tôi rất hạnh phúc, sung sướng khi hai lần liên tiếp đoạt HCV ở nội dung tiếp sức này, mặc dù không phá kỷ lục SEA Games năm ngoái nhưng các anh em cố gắng hết mình này”.
Với kinh ngư quê Đà Nẵng và là thủ lĩnh tinh thần của đội bơi nam Việt Nam, anh luôn giữ ý chí quyết tâm, ngọn lửa khát khao bùng cháy mỗi khi xuống nước."Khi tôi nghĩ về những ngày tháng toàn đội nỗ lực, bản thân luôn nghĩ phải cố gắng, cố gắng hơn nữa. Những mét cuối tôi rất cứng, đuối nhưng nghiến răng về đích. Tôi chỉ nghĩ nếu mình càng rút ngắn khoảng cách, cơ hội của đội càng cao dù trước đó bị bỏ xa nhưng không hề nản”.
Anh luôn có niềm tin mãnh liệt và chính sự ăn ý cả trong lẫn mỗi lần dưới nước của bộ tứ này mang về thành công cho bơi Việt Nam. "Khi tôi về đích và Nguyên xuất phát cuối, lúc đó, tôi cảm thấy lo lắng đã làm tốt nhất có thể chưa, không biết Nguyên có rút kịp không. Nhưng khi Nguyên xoay vòng cuối, chúng tôi đã chắc chắn sẽ thắng rồi. Chuyên môn của Nguyên có sức bền tốt, vì vậy, ở 25m cuối, Nguyên bỏ đối thủ và không còn sợ nữa”, Phước chia sẻ.
Trước SEA Games 32, sau khi trở về Việt Nam từ chuyến tập huấn ở Hungary, Hoàng Quý Phước bày tỏ, đó có thể là lần chia tay hơi khác và không biết khi nào quay trở lại. Kình ngư điển trai sinh năm 1993 tiết lộ: "Sau 7 năm, đó là quãng thời gian dài, kỷ niệm đẹp, nơi phát triển tốt, vui hạnh phúc khi sát cánh cùng mọi người. Ở ASIAD sắp tới, tôi nhường các bạn trẻ để thi đấu, giúp các em trau dồi, có thể thi đấu nhiều hơn".
Hoàng Quý Phước đang ở đoạn cuối của sự nghiệp. Và anh đang tận hưởng giây phút ngọt ngào của quá khứ. Vinh quang ở xế chiều cũng sẽ là cái kết đẹp cho kình ngư từng một thời "làm mưa làm gió" ở đường đua xanh khu vực.