Hai kỳ SEA Games, hai lần “bão” nổi
Theo thống kê, từ 2011 đến 2015, năm nào ĐTQG môn này cũng xảy ra chuyện lùm xùm liên quan đến vấn đề tuyển chọn VĐV trước thềm các giải quốc tế. Trong đó, ở hai kỳ SEA Games 2013 và 2015, thậm chí đều có VĐV cùng đơn vị chủ quản còn gửi đơn vượt cấp lên người đứng đầu ngành thể thao đề nghị “cứu xét”.
Rốt cuộc, dù danh sách Đội tuyển đã được lên rồi song vẫn phải tổ chức thi đấu nội bộ để chọn lại ngay sát ngày lên đường. Điều đó đã khiến kế hoạch của cả đội cùng từng tuyển thủ bị đảo lộn, gây ra những xáo trộn về chuyên môn, chiến thuật và ức chế tâm lý.
Chưa kể, nó còn dẫn đến chuyện bi hài, như việc tài năng trẻ, tay vợt nữ số 2 Nguyễn Thị Việt Linh bị loại tức tưởi ở SEA Games 2015 chỉ do xếp cuối ở cuộc đấu loại, chứ không phải vì lý do chuyên môn hay luyện tập. Giới chuyên môn sau đó đồng loại lên tiếng bảo vệ Linh nhưng vô hiệu, vì chẳng nhẽ lại cần thêm một cuộc đấu loại nữa.
Như thừa nhận của Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn, đây thực sự là cơn “ác mộng” kéo dài, xuất phát từ việc môn này đã không có một quy chế tuyển chọn các thành viên ĐTQG với quy trình và tiêu chí đầy đủ.
Việc chọn lựa do Ban huấn luyện thực hiện, dưới sự hỗ trợ giám sát của ban chuyên môn của bộ môn và Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, còn phần nào mang tính chủ quan, áp đặt đã không đạt được sự thống nhất, thuyết phục, nhất là với một vài trường hợp có trình độ ngang ngửa.
Trong khi đó, những người có trách nhiệm như ông khi đó, đã không có chỉ đạo, định hướng kịp thời và dứt khoát, nên việc tuyển chọn lại càng trở nên phức tạp.
Khác hẳn khi có quy chế
Cũng như chia sẻ của ông Phan Anh Tuấn, mọi chuyện đã hoàn toàn khác khi bộ môn và Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam xây dựng, ban hành một bản quy chế tuyển chọn các thành viên ĐTQG cho các giải quốc tế, từ 2016.
Theo đó, Ban huấn luyện căn cứ vào thành tích tại Giải vô địch quốc gia thường niên để xác định thành phần chính của ĐTQG. Như SEA Games 2017, 4 tay vợt xếp đầu nội dung đơn nam, đơn nữ sẽ có suất chính thức. Tay vợt nam, nữ thứ 5 còn lại sẽ do Ban huấn luyện chọn lựa quyết định, để họ vẫn có thể chủ động và linh hoạt trong các phương án nhân sư tranh tài.
Với hai tiêu chí chính yếu kể trên được áp dụng một cách rõ ràng, minh bạch, việc tuyển chọn nhân sự cho ĐTQG ở SEA Games 2017 diễn ra êm xuôi. Bóng bàn Việt Nam sau đó giành tấm HCV đồng đội nam lịch sử.
Một điều quan trọng khác từ cột mốc SEA Games 2017, là việc tuyển chọn nhân sự đã có điểm tựa vững chắc, tạo được niềm tin từ chính các tuyển thủ cùng các đơn vị có quân ở ĐTQG.
Đến SEA Games 2019, do số nội dung bị cắt giảm, mỗi ĐTQG chỉ được đăng ký tối đa 4 tay vợt nam, 4 tay vơt nữ thay vì 5 nên cách tuyển chọn nhân sự cũng có sự điều chỉnh.
Thành tích của ĐTQG vẫn được coi là tiêu chí chính nhưng không phải duy nhất trong nhiều tiêu chí khác như phong độ của cá nhân VĐV, mục tiêu và chiến thuật của Ban huấn luyện. Quyền quyết định cuối cùng thuộc về Ban huấn luyện. Việc tuyển chọn tiếp tục đạt sự đồng thuận cao. Bóng bàn Việt Nam đoạt tấm HCV đôi nam sáng giá.
Cách tuyển chọn đặc biệt cho SEA Games 31
Như chia sẻ của HLV trưởng Lê Huy, cái gốc để tuyển chọn nhân sự phù hợp và hiệu quả nhất cho ĐTQG vẫn là Ban huấn luyện phải bám chặt vào quy chế với quy trình chuẩn và tiêu chí đầy đủ. Tuy nhiên, chuyện khai triển ra sao cho “chuẩn” nhất lại còn đòi hỏi cả sự linh hoạt, sáng tạo.
Năm nay, nếu căn cứ vào thành tích ở giải VĐQG để chọn ra 4 tay vơt nam, 4 tay vợt nữ, rồi Ban huấn luyện chọn thêm 1 tay vợt nam, 1 tay vợt nữa cũng chưa hẳn đã đạt tới sự tối ưu và chính xác nhất.
Đơn giản vì giải VĐQG năm nay diễn ra trong điều kiện hoàn toàn khác, với những ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, nên thành tích cùng sự đánh giá chuyên môn cũng có những điểm khác.
Chính bởi thế, các nhà quản lý bóng bàn và Ban huấn luyện ĐTQG thống nhất sẽ tổ chức giải đấu nội bộ để có thêm căn cứ cho việc tuyển chọn, bên cạnh thành tích của giải VĐQG vẫn là tiêu chí quan trọng nhất. Giải đấu đặc biệt này đã được lấy ý kiến, nhận được sự ủng hộ một cách hào hứng từ các tuyển thủ.
Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn tiết lộ, giải đấu nội bộ sẽ được tổ chức giống như một giải VĐQG thu nhỏ hay một giải các tay vợt xuất sắc. Giải sẽ diễn ra 3 vòng đấu, đủ để cho các tay vợt chứng tỏ trình độ, phong độ, bản lĩnh, đồng thời cũng tạo cơ hội cọ sát đỉnh cao. Nó khác hẳn với giải đấu nội bộ trước SEA Games 2015 và 2017, mang tính ứng phó, bị động và gò ép.
Dự kiến vòng đầu tiên của giải đấu nội bộ sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 tới tại Hà Nội. Nhờ có nhà tài trơ nên các tay vợt giành các thứ hạng cao nhất không chỉ tăng thêm “điểm tích lũy” cho suất dự SEA Games 31 mà còn nhận được tiền thưởng. Riêng tay vợt đứng đầu vòng sẽ lĩnh 30 triệu đồng, ngang ngửa mức thưởng cho nhà vô địch nội dung đơn của giải VĐQG.