Được xếp lịch thi đấu vào ngày cuối môn điền kinh, đi bộ và marathon là những nội dung được đánh giá khắc nghiệt nhất bộ môn Olympic này.
Tấm HCV lịch sử của đi bộ nam 20km
Sau khi Hoàng Nguyên Thanh giành tấm HCV marathon nam lịch sử vào gần 7:30 sáng 15/9/2022 (Hoàng Thị Ngọc Hoa giành HCĐ marathon nữ), đi bộ là nội dung cuối cùng của SEA Games 31 kết thúc thi đấu.
Ở nội dung nam, Võ Xuân Vĩnh đã đổi màu thành công sang tấm HCV quý giá. Chàng VĐV sinh năm 1991 hoàn thành đường đua với thành tích 1 giờ 32 phút 32 giây (1:32:32), xếp trên Hendro Yap, nhà vô địch của nhiều kỳ SEA Games suốt chục năm qua tại SEA Games, và đồng đội Nguyễn Thành Ngưng (1:37:43).
Đây là tấm HCV cá nhân danh giá nhất trong sự nghiệp của Xuân Vĩnh. Và đây cũng HCV đi bộ nam đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại đấu trường Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Xuân Vĩnh đã phá thế thống trị của đối thủ Indonesia cả thập kỷ qua.
Xuân Vĩnh cũng đổi màu 3 tấm HCB tại các kỳ SEA Games 2013-2015-2019 để chính thức xóa danh hiệu “vua về nhì đi bộ SEA Games”.
Sau tấm HCV lịch sử này, Xuân Vĩnh chia sẻ: “Có lẽ đây là kỳ SEA Games cuối cùng của tôi ở cự ly đi bộ 20km và cũng là kỳ SEA Games thành công sau bao nhiêu năm trông chờ tấm huy chương vàng. Tôi đã làm được.
Đây không phải kỳ cuối SEA Games của tôi, chỉ là nội dung đi bộ 20km thôi. SEA Games tới, tôi sẽ cống hiến với nội dung khác là triathlon…”.
Chị em Thanh Phúc - Thành Ngưng tiếp tục phấn đấu
Sau khi Võ Xuân Vĩnh giành HCV nam, Nguyễn Thị Thanh Phúc chốt đoàn với tấm HCV nội dung đi bộ nữ 20km. Đây là tấm HCV thứ 22 của đoàn Việt Nam tại SEA Games 31.
Thanh Phúc đạt thành tích 1:48:10, đánh bại đối thủ Than Than Soe (Myanmar, 1:52:34) và Kotchaphon Tangsrivong (Thái Lan, 1:56:07) để giành tấm HCV ý nghĩa trên sân nhà.
Đây là HCV đi bộ thứ tư tại SEA Games của Thanh Phúc, sau các năm 2011, 2013 và 2015. Tại SEA Games 2019 ở Philippines, Thanh Phúc dính chấn thương, đồng thời dính lỗi kỹ thuật nên không giành được huy chương ở nội dung đi bộ 10.000m nữ. Đàn em Phạm Thị Thu Trang đã có vinh dự lên bục cao nhất. Tuy nhiên, năm nay lại có kết quả ngược lại. Thu Trang mắc lỗi kỹ thuật nên bị truất quyền thi đấu, mất cơ hội bảo vệ HCV.
Lần đầu tiên trong lịch sử nội dung đi bộ, các nam VĐV có HCV của Võ Xuân Vĩnh. Và cũng lần đầu tiên trong lịch sử SEA Games, cả hai nội dung đi bộ nam - nữ đều thuộc về các VĐV Việt Nam.
Sau tấm HCV SEA Games thứ tư, Thanh Phúc chia sẻ những tâm sự với cô con gái nhỏ: “Cảm ơn con đã đến thay đổi mọi thứ, đã mang những điều kỳ diệu đến bên mẹ! Cuộc đời mẹ bao nhiêu sóng gió, khó khăn ngập tràn cứ dồn dập đổ xuống không ngừng, như muốn tước đi tất cả những nghị lực, sự cố gắng của mẹ. Đôi lúc mẹ tưởng chừng như không thể tiếp tục vực dậy, nhưng vì có con là lẽ sống là nguồn sức mạnh vô biên để mẹ tiếp tục chiến đấu”.
Thanh Phúc (1990) cho biết cô chưa giải nghệ và sẽ tiếp tục tập luyện để chờ ngày thi đấu tại SEA Games 32 ở Campuchia đúng một năm nữa.
Còn với Nguyễn Thanh Ngưng, mục tiêu giành HCV SEA Games đầu tiên trong sự nghiệp vẫn chưa thực hiện được. Chàng trai sinh năm 1992 vẫn chưa thể đổi màu tấm HCĐ từ SEA Games 2011. Và đó là lý do Thành Ngưng chia sẻ: “Với những người luôn quan tâm đến hành trình của Ngưng thì sẽ cảm nhận được những nỗ lực của tôi trong cuộc đua lần này. Trước giải một tuần, tôi gặp phải chấn thương cơ đùi sau. Vào thi đấu gắng gượng để hoàn thành tốt cuộc đua.
Chiến thắng của đội đi bộ xin dành cho tất cả mọi người, hy vọng mọi người sẽ luôn yêu thương đồng hành cùng đội trong những giải đấu sắp tới”.