Lê Tú Chinh không dự SEA Games 31: Cửa giành “vàng” chạy ngắn khép hờ

Khang Vinh
thứ tư 27-4-2022 8:07:36 +07:00 0 bình luận
“Nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh chính thức không tham dự SEA Games 31 trên sân nhà vì chấn thương. Cơ hội giành HCV ở những nội dung chạy ngắn của điền kinh Việt Nam khá hẹp.

Đêm 26/4/2022, thông tin Lê Tú Chinh không thể tham dự SEA Games 31 đã được Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng xác nhận với webthethao.vn. Nữ tuyển thủ 25 tuổi dính chấn thương gối và cẩn phải điều trị gấp. Đây là một tin không vui khi Lê Tú Chinh hiện là đương kim vô địch chạy 100m nữ SEA Games 30.

Lỡ cơ hội tranh tài ở SEA Games trên sân nhà

Lê Tú Chinh bắt đầu tham dự SEA Games 2017 trên đất Malaysia, thay thế cho Vũ Thị Hương, người trước đó được mệnh danh là “Nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á” khi như thống trị các nội dung chạy 100m, 200m và một số nội dung tiếp sức tại các kỳ SEA Games từ năm 2005 đến 2013 với 7 HCV.

Sau khi Vũ Thị Hương giải nghệ năm 2015, không tham dự SEA Games năm đó ở Singapore, các cự ly chạy ngắn nữ của điền kinh Việt Nam lần đầu tiên không có HCV nào tính từ năm 2005. Chỉ đến khi Lê Tú Chinh lần đầu ra mắt SEA Games 2017 ở Malaysia, sự thống trị các cự ly chạy ngắn nữ của Việt Nam mới trở lại.

Lê Tú Chinh được coi là người kế thừa xứng đáng "Nữ hoàng tốc độ" Vũ Thị Hương (ảnh nhỏ) tại các nội dung chạy ngắn nữ SEA Games

Tú Chinh giành trọn 3 HCV ở 3 nội dung mình tham dự là 100m, 200m và 4x100m. Đặc biệt, cự ly chạy 4x100m tiếp sức nữ với sự góp mặt của Lê Thị Mộng Tuyền, Đỗ Thị Quyên, Trần Thị Yến Hoa và Lê Tú Chinh còn lập kỷ lục SEA Games, kỷ lục quốc gia với thông số 43 giây 88 (43.88).

Tới SEA Games 30 trên đất Philippines cuối năm 2019, khi chủ nhà nhập tịch VĐV gốc Mỹ Kristina Knott, cuộc đua giữ danh hiệu “Nữ hoàng tốc độ” của Lê Tú Chinh đã gặp rất nhiều khó khăn khi Knott đánh bại Chinh trên đường chạy 200m và chỉ thua sát nút 0,01 giây ở nội dung 100m (11.54-11.55).

Trước thềm SEA Games 31, Tú Chinh gặp đầy bất lợi khi hơn 2 năm qua không có cơ hội cọ xát tại những sân chơi đẳng cấp. Cô gái đoàn TP.HCM chỉ được dự đúng 3 giải kể từ cuối năm 2019 là giải VĐQG 2020-2021 và Cúp Tốc độ 2021.

Lê Tú Chinh (0958) bắt đầu gặp khó khăn tại SEA Games 30 khi chủ nhà Philippines nhập tịch VĐV gốc Mỹ Kristina Knott (0063)

Trong khi đó, đối thủ số một của Chinh là Knott liên tục có điều kiện tập luyện và thi đấu khắp thế giới. Cô gái này dự nhiều giải chạy ở Mỹ, Thế vận hội Tokyo ở Nhật Bản và mới đây là giải điền kinh thế giới trong nhà tại Serbia.

Thông số chạy 100m của Knott liên tục được cải thiện, chạm mốc 11.36, tốt hơn nhiều thành tích HCV 11.54 của Chinh. Trong khi đó, thành tích gần đây nhất của Chinh ở nội dung 100m là 11.66, xác lập tại giải VĐQG 2021 tháng 12 năm ngoái.

Tú Chinh bỏ qua hàng loạt giải đấu gần đây như Cúp Tốc độ 2022, giải Tiền SEA Games 31 để tập trung giành tổng lực cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á trên sân nhà. Tuy nhiên, chấn thương gối cách đây vài tuần đã lấy đi cơ hội lần đầu góp mặt tại kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà của Tú Chinh.

Cửa hẹp giành HCV chạy ngắn

Vắng Tú Chinh, có thể coi như cơ hội giành HCV chạy ngắn nữ của điền kinh Việt Nam quá ít ỏi. Hai VĐV chạy ngắn tốt nhất của Việt Nam hiện nay là Lê Thị Mộng Tuyền và Hà Thị Thu không được đánh giá cao. Thông số chạy 100m của hai nữ VĐV này ở giải Tiền SEA Games 31 hôm 25/4/2022 vừa qua chỉ là 12.16 và 12.20, không có cơ hội cạnh tranh huy chương, chứ chưa nói đến “vàng”. Dĩ nhiên đây chỉ là giải đấu thử nghiệm nên hai VĐV trên chưa bung hết sức. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, không có Tú Chinh, các nội dung chạy ngắn nữ của Việt Nam chưa có người kế thừa đủ tầm để cạnh tranh huy chương SEA Games ở thời điểm hiện tại.

Lê Tú Chinh (trái) dính chấn thương gối chỉ cách SEA Games 31 vài tuần

Trước thông tin không vui này, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “Việc Chinh không dự SEA Games lần này có ảnh hưởng đến chỉ tiêu huy chương vàng của đoàn Việt Nam bởi Chinh đang là đương kim vô địch 100m nữ. Tổ chạy ngắn nữ Việt Nam hiện chỉ còn hy vọng ở nội dung tiếp sức 4x100m.

Năm nay, Việt Nam bị cạnh tranh quyết liệt bởi Thái Lan. Sau hai kỳ bị Việt Nam vượt qua trên bảng tổng sắp toàn đoàn, quốc gia này đang có động thái rất mạnh mẽ. Theo đăng ký, Thái Lan có VĐV nhập tịch Australia, tranh tài ở các nội dung 400m, 800m nam. Trước đó, ở SEA Games 30, họ nhập tịch VĐV chạy 5000m và 10.000m nam và đã lấy trọn HCV các cự ly này.

Mục tiêu giành 15-17 HCV của điền kinh Việt Nam ở SEA Games 31 sẽ rất khó khăn. Và chúng ta sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Lê Tú Chinh lỡ cơ hội lần đầu thi đấu tại kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà

Tại nhiều kỳ SEA Games trước đây, điền kinh Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các nội dung dành cho nữ. Ngoài cự ly 400m, 800m, 1500, 5000m hay 10.000m mà các cô gái Việt Nam đã ở tầm trình độ vượt trội, thì các nội dung chạy ngắn chủ yếu dựa vào các nhân tài xuất sắc như Vũ Thị Hương và gần đây là Lê Tú Chinh.

Còn ở những nội dung chạy ngắn nam, một thực tế khá phũ phàng là điền kinh Việt Nam chưa từng một lần giành HCV chạy 100m. Tấm HCV chạy ngắn nam duy nhất của điền kinh Việt Nam ở đấu trường Đại hội Thể thao Đông Nam Á là 200m của Lê Trọng Hinh (20.89) tại SEA Games 2015 (Singapore).

Ở SEA Games 31, cơ hội giành HCV các nội dung chạy ngắn nam của Việt Nam cũng rất ít. Ngần Ngọc Nghĩa được coi là ứng viên số một của tổ chạy ngắn nam, nhưng thông số 10.40 là kỷ lục quốc gia lập ở giải VĐQG 2020 dường như vẫn khó cạnh tranh với những đối thủ mạnh từ Indonesia, đặc biệt là một nhân tài mới chỉ 16 tuổi của Thái Lan là Puriphon Boonsorn, cậu bé gây sốc với thông số 10.19 mới ghi nhận tháng 3 vừa qua.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm