Lũ dữ sông Gianh nâng bước “cậu bé vớt rong” thành siêu kình ngư Huy Hoàng

Trần Khánh
thứ bảy 14-5-2022 18:52:00 +07:00 0 bình luận
Những cơn lũ dữ ở sông Gianh dường như chỉ tiếp thêm nghị lực để Nguyễn Huy Hoàng bơi ra biển lớn. Sau kỳ tích giành HCB ASIAD và HCV Olympic trẻ, kình ngư quê Quảng Bình vừa "mở hàng" cho bơi lội Việt Nam với tấm HCV SEA Games 31 ở cự ly sở trường 1.500m.

Từ thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), men theo Quốc lộ 12C khoảng 70km, chúng tôi đến chợ Cuồi (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa). Bất chợp hỏi người dân ven đường, chỉ mới nhắc tên Huy Hoàng, bà con liền reo: “À, thằng Hoàng con ông Vinh”.

Nhà ông Vinh, bà Học, bố mẹ Hoàng chỉ cách quốc lộ 12C khoảng 500m, nép mình bên dòng sông Gianh hiền hòa. Ngôi nhà không rộng lớn nhưng khá khang trang. Đằng sau đó là cả câu chuyện xúc động về những tháng ngày cơ hàn của Hoàng cùng gia đình.

Huy Hoàng vừa giành tấm HCV ở nội dung sở trường 1.500m. Ảnh: Xuân Hoàng

Không biết bơi là… chết

Dòng sông Gianh vốn hiền hòa, chảy phẳng lặng. Nhưng Mỗi khi mùa lũ về, người dân đều nơm nớp lo sợ. Một năm, tính ra, lũ lớn nhỏ tính đến cả chục.

Cuộc sống của bà con dọc hai bên bờ sông Gianh gắn chặt với con nước. Ông Vinh là con trong gia đình có 6 anh em. Cuộc sống khó khăn nên từ thuở thiếu thời, ông đã quen với con nước. Đất đai không có và thế là, sau khi lập gia đình, ông cùng bà Học phải mưu sinh, lăn lộn cuộc sống qua ngày trên con đò (thuyền) có chiều rộng 1,2m.

Lũ dữ sông Gianh nâng bước “cậu bé vớt rong” thành siêu kình ngư Huy Hoàng
Tuổi thơ của Hoàng cùng gia đình gắn với con đò nhỏ cùng chiếc bè nuôi cá.

Bà Học hạ sinh 6 đứa con và cả 6 đều lọt lòng trên dòng sông Gianh, giữa chiếc đò nhỏ thó. Cuộc đời Hoàng cũng vậy, gắn với con nước từ thuở lọt lòng. Lúc mới lên 3, chàng trai sinh năm 2000 đã lấy con nước làm niềm vui. Anh bắt đầu biết bơi theo bản năng của mình.

Mấy ngày đầu thì hơi lo nhưng rồi cũng riết thành quen. Đám con nít ở đây mới 3 tuổi đều biết bơi. Sống với con nước, lại mùa lũ về thường xuyên, biết bơi là bản năng sinh tồn của tụi nhỏ”, ông Nguyễn Văn Vinh, bố Hoàng chia sẻ.

Thời điểm bấy giờ, ở thôn Thanh Tiến (Tiến Hóa) chưa có trường mẫu giáo. Thế là, Hoàng lại quẩn quanh với con nước khi không có điều kiện vui chơi với bạn bè đồng trang lứa. Gia đình 8 người nhưng vì ở trên chiếc đò bé nhỏ, 4 anh chị của Hoàng gửi nhờ sống cùng bà ngoại. Cậu cùng một người chị và bố mẹ sống trên con nước dòng sông Gianh.

Hoàng cứ bám chặt lấy con đò. “Ban ngày, cháu đi vớt rong với bố mẹ 3-4 tiếng, đêm về thì đi đánh cá, thả lưới. Tối mệt thì để cháu ngủ trong đò còn hai vợ chồng đi đánh bắt”, ông Vinh nói mà đôi mắt đỏ hoe, ngấn lệ.

Cứ thế, Hoàng lênh đênh trên dòng sông Gianh suốt 7 năm trời. “Thương xót cho con lắm mà gia đình vất vả, khó thay đổi cuộc sống. Sống theo con nước bấp bênh lắm. Có ngày kiếm được vài trăm ngàn nhưng cả tuần không kiếm được đồng nào. Thỉnh thoảng gia đình cũng thiếu cái ăn, cái mặc”, ông Vinh giãi lòng. Tưởng chừng như gia đình sẽ bước sang trang mới khi năm 2007, ông Vinh bà Học cất được ngôi nhà xập xệ trên mảnh đất của bà ngoại ông Vinh.

Lũ dữ sông Gianh nâng bước “cậu bé vớt rong” thành siêu kình ngư Huy Hoàng
Mẹ Hoàng vẫn thỉnh thoảng nhìn lại hình ảnh thời ấu thơ của con trai như là cách để hồi ức về gian truân trong quá khứ.

Nhưng rồi, cơn lũ lịch sử năm đó đã biến giấc mơ bao thế hệ đổ sông đổ bể. Ông Vinh kể lại mà như muốn khóc: “Lũ về nhanh quá, siết quá. Chỉ trong chốc lát lên đến nóc nhà rồi bao nhiêu của cải, tài sản bị cuốn trôi. Gia đình rơi vào cảnh tay trắng. Cả nhà phải trở lại bè cá, sống trên đò!”.

Sau cơn lũ kinh hoàng đó, một thời gian sau, gia đình ông Vinh được Nhà nước trợ cấp để xây lại phần thô ngôi nhà cấp 4, đủ để che nắng cho mưa. Ông Vinh, bà Học vẫn còn chiếc bè, chiếc đò để mưu sinh, bắt cá ăn qua ngày.

Tuổi thơ cơ cực, vốn chỉ biết nhảy tõm xuống nước làm niềm vui, như một bản năng, Hoàng bơi giỏi ngay từ khi là “cậu bé vớt rong”. Bà Học nhớ lại: “3 tuổi, Hoàng bơi khoảng 20-30m, rồi 7 tuổi bơi qua sông khoảng 500m”.

Giấu mẹ 3 năm, cắn răng để đi đến đích

Dọc sông Gianh vốn nổi tiếng là nơi có nhiều cô bé, cậu bé biết bơi và bơi giỏi từ thuở thiếu thời nên đây là “địa điểm đỏ” của các HLV ở Trung tâm huấn luyện TDTT tỉnh Quảng Bình.

Hè năm lớp 5, Trung tâm về Tiến Hóa tuyển quân. Thế là cả khối lớp 5 của Hoàng được đưa ra sông bơi để chọn. Hoàng trúng tuyển. Chàng trai sinh năm 2000 lên Đồng Hới tập luyện. Quá trình tập luyện ba tháng đầu Hoàng thể hiện tốt và trụ lại.

Lũ dữ sông Gianh nâng bước “cậu bé vớt rong” thành siêu kình ngư Huy Hoàng
Những huy chương, giải thưởng danh giá đúc kết từ tuổi thơ cơ hàn của Hoàng.

Khi cháu đi, bố mẹ nhớ con nhưng ở Trung tâm thì thấy yên tâm về ăn uống, tập luyện. Cháu siêng năng, cần cù mấy thầy thương lắm. Lúc đó còn khó khăn quá nên khi Hoàng về thành phố, tôi cũng nghĩ là đỡ đần kinh tế, miệng ăn cho gia đình phần nào”, ông Vinh trải lòng.

Xa vòng tay gia đình cũng là lúc, Hoàng bắt đầu hành trình mới. Nghị lực từ tuổi thơ dữ dội chính là sức mạnh để anh vượt qua những gian truân. “Sau ba năm, Hoàng mới thú nhận với tôi, trong quãng thời gian đó, con tập rất mệt, nhiều lúc mệt mà không muốn ăn uống. Nhưng Hoàng giấu bố mẹ vì sợ đòi về.

Nó nói thế này mà tôi rớt nước mắt: “Nếu con không phải là con của bố mẹ thì con đã từ bỏ rồi””, bà Học vẫn đau đáu nỗi niềm về cậu con trai út. Với Hoàng, từ lúc rời xa gia đình năm 11 tuổi nên còn nhiều bỡ ngỡ. Thế nhưng, ý chí từ bố mẹ, từ cái nghèo khó lại giúp cậu nhóc suy nghĩ trưởng thành rất sớm.

Cái Tết đầu tiên khi Hoàng lên Đồng Hới tập luyện, lúc đó, nó bảo về ăn Tết thấy mấy anh chị có nhiều tiền mang về cho gia đình mà mình chỉ có 200 ngàn. Lúc đó, tôi khuyên nhủ, cố gắng tập luyện để có thành tích rồi được như mấy anh chị. Nhưng cũng từ đó, tôi nhận thấy ý chí của Hoàng”, ông Vinh nhớ lại.

Lũ dữ sông Gianh nâng bước “cậu bé vớt rong” thành siêu kình ngư Huy Hoàng
Một góc ngôi nhà cũ của năm 2007 và ngôi nhà khang trang từ một phần công sức của Hoàng.

Thế là, Hoàng gạt bỏ mọi thắc mắc trong đầu và chú tâm vào tập luyện. Năm 2016 đánh dấu những cột mốc đầu tiên trong sự nghiệp. Đó là chiếc HCV ở nội dung bơi 10km tại Đại hội thể thao bãi biển châu Á được tổ chức ở Đà Nẵng. Những khoản tiền thưởng đầu tiên, Hoàng góp nhặt để giúp gia đình sửa lại ngôi nhà xập xệ ngày nào.

Đỡ đần kinh tế cho gia đình, Hoàng càng tập trung vào tập luyện. Những thành tích vang dội ở SEA Games 29, ASIAD 2018 hay Đại hội thể thao trẻ thế giới 2018 là minh chứng cho những nỗ lực của chàng trai đi lên từ sông nước.

Huy Hoàng chia sẻ niềm vui giành HCV SEA Games 31 cùng bố mẹ. 

Có những thành công ban đầu nhưng với Hoàng, anh luôn là cậu bé trìu mếm của quê nghèo Tiến Hóa. "Nó hiền lắm. Mỗi dịp Tết về tranh thủ khoảng 10 ngày đều cố gắng để thăm bà con, bạn bè. Ở vùng này, ai cũng thương nó cả", bà Học tự hào về Hoàng.

Nhưng với ông Vinh, bà Học, Hoàng phải luôn cầu tiến, không được phép thỏa mãn và hãy nhớ những ngày tháng cơ cực như là động lực cho bản thân. "Vợ chồng tôi luôn căn dặn cháu phải tập luyện, sinh hoạt thật tốt để không phụ lòng các thầy và thi đấu hết sức mình để mang vinh quang về cho nước nhà", ông Vinh giãi bày.

Ở SEA Games 29 năm 2017, Huy Hoàng phải đấu lại với Kim Sơn, Quang Nhật để chọn hai suất đi dự kỳ đại hội này. Lúc đó, giáo án tập luyện nặng hơn trước, lại phải đấu với đồng đội có thời điểm, Hoàng hoang mang và thường xuyên gọi điện về cho gia đình. “Cháu cũng có chút hụt hẫng nhưng không hề nản chí mà lại quyết chí hơn. Bố mẹ cũng động viên con cố gắng tập luyện, mang thành tích về cho nước nhà”, ông Vinh nhớ lại.

Tại kỳ SEA Games này, chàng trai sinh năm 2000 giành HCV nội dung 1,500m. Đây là tấm HCV ở nội dung 1.500m ở kỳ SEA Games thứ 3 liên tiếp.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm