Nghịch lý kinh phí và đầu tư tài năng thể thao Việt - Kỳ 1:  20 tỷ đồng cho một phần “ngọn” 

Hà Thảo
thứ tư 25-11-2020 9:30:26 +07:00 0 bình luận
Cách đây 3 năm, ngành thể thao bắt đầu áp dụng chế độ “đầu tư trọng điểm” cho các tuyển thủ xuất sắc của nhiều môn có khả năng tranh chấp thành tích quốc tế.

Mỗi năm có 60-70 “mũi nhọn” nằm trong diện này với nguồn kinh phí riêng 15-20 tỷ. “Dự án” này đã là một bước tiến  dài trong điều kiện khó khăn nhiều mặt, song cũng mới chỉ giải quyết được phần “ngọn” của quy trình đào tạo tài năng.

Mức ăn 400 nghìn đồng/ngày, thu nhập trên 10 triệu 

Có thể thấy danh sách 50-70 VĐV được đầu tư trọng điểm trong 3 năm vừa qua, đã tập hợp đầy đủ các gương mặt ưu tú nhất đang ở độ chín, chuẩn bị bước vào đỉnh cao của sự nghiệp, nhằm hướng tới ba mục tiêu quan trọng nhất của thể thao Việt Nam là SEA Games, ASIAD và Olympic. Ngoài ra còn là một số tài năng trẻ đặc biệt. Tiêu chí tối thiểu để một tuyển thủ được lựa chọn là phải nằm trong diện tranh chấp HCV SEA Games. 

Ngoài việc được hưởng mức tiền ăn lên đến 400.000 đồng/người/ngày, các VĐV còn có thêm khoản tiền công tập luyện 400.000 đồng/ngày. Họ cũng được đầu tư về thuốc và thực phẩm chức năng, trang thiết bị tập luyện, và đặc biệt là có cơ hội ra nước ngoài tập huấn dài ngày hay thi đấu cọ xát ở nhiều giải quốc tế đỉnh cao.

Đó là một bước tiến dài nếu so với định mức chung dành cho một VĐV thuộc ĐTQG khi được tập trung (200 nghìn đồng/ngày tiền ăn và 150 nghìn đồng/ngày tiền công tập luyện). Điều này chắc chắn sẽ tạo nên động lực lớn cho chính các VĐV, đơn giản nhất thu nhập cho một tuyển thủ xuất sắc từ chỗ chỉ tối đa 5-6 triệu đã nâng lên tới  10,4 triệu đồng, tức tăng gần 2 lần.

Quan trọng hơn, họ cũng được đảm bảo  điều kiện cơ bản để chăm lo phát triển khả năng, sức vươn một cách tốt nhất có thể, gắn với thực tế của TTVN. Đích nhắm phân cấp VĐV để tập trung đầu tư trọng điểm đã bước đầu được thực hiện, cho dù hãy còn một khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung quốc tế.

Đầu tư VĐV trọng điểm cũng…cào bằng 

Việc có được bản danh sách các VĐV xuất sắc hưởng chế độ đặc thù đã là một quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành thể thao, trong sự bó buộc về nhiều mặt, đặc biệt là kinh phí. Thế nhưng, từ đó cũng còn nhiều vấn đề đặt ra. 

Đầu tiên, số lượng VĐV được chọn đáng ra phải thật sự tinh gọn do chỉ tiêu có hạn song hiện tại lại có phần mang tính cào bằng. Điều đó được thể hiện qua số đầu môn lên tới trên dưới 20, chiếm tới một nửa trong tổng số các môn mà ngành thể thao đang có trong hệ thống của mình. Vì thế, hầu hết các môn khác đều chỉ được 1 đến 2, hay nhiều là 3 suất. Trong khi đó, những môn tưởng như được ưu tiên nhất như điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, đấu kiếm... cũng chưa thỏa mãn, bởi còn có những người đáp ứng đủ tiêu chí vẫn phải ở ngoài.

Dường như, ngành thể thao vẫn đang loay hoay ôm đồm giữa các đích nhắm SEA Games - ASIAD - Olympic nên sự thay đổi trong cách làm cũng chưa được triệt để. Theo các chuyên gia, bản danh sách này chỉ nên dành cho tuyển thủ ở một số môn “trọng điểm của trọng điểm” với đích nhắm là ASIAD và Olympic như bắn súng, cử tạ, điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, karatedo. 

Thứ hai, dù mức đầu tư cho các VĐV trong danh sách tăng lên đáng kể nhưng lại thiếu các điều kiện bảo đảm, nhất là với những người chủ yếu tập huấn trong nước đang chiếm số lượng đông nhất.

Đơn cử chuyện dinh dưỡng cho VĐV hiện tại đều phụ thuộc vào nhà bếp của các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia và các địa điểm khác như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các tuyển thủ trọng điểm vẫn sẽ được phục vụ ăn uống giống như hàng nghìn tuyển thủ khác mà không thể có chế độ đặc thù. Hay chuyện chăm sóc y học và thuốc men, họ cũng khó mong có khác biệt khi mà các phòng y học đang thiếu nhân lực, trang thiết bị nghiêm trọng, trong khi chuyện thực phẩm chức năng và thuốc chuyên dụng còn là chuyện xa vời, phải nhập từ nước ngoài về… Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) hay Ánh Viên (bơi), chuyện xuất ngoại tập huấn hay thi đấu của tuyển thủ trọng điểm còn lại đều phải phụ thuộc vào kế hoạch chung của các ĐTQG.

Như thừa nhận của Tổng cục phó phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, việc đầu tư trọng điểm của TTVN, cụ thể là các  gương mặt xuất sắc có trong danh sách hãy còn ở mức “thấp, thiếu và chưa đồng bộ”, và còn phải xem xét điều  chỉnh nhiều về cách thức chọn lựa, giải pháp. 

Đón đọc kỳ 2:
Bài toán từ hai con số: Việt Nam 750 tỷ, Thái Lan 2.500 tỷ

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm