Judo Thái Lan ăn mừng sớm trước Việt Nam và cái kết đắng
Ở loạt trận chung kết Judo đồng đội hỗn hợp chiều ngày 16/5, đội tuyển Judo Việt Nam gặp đội tuyển Thái Lan ở loạt trận chung kết.
Sau 5 trận đấu, tỉ số 3-2 nghiêng về đội Việt Nam, VĐV Dương Thanh Thanh thủ hòa với VĐV Thái Lan nhập tịch từ Nhật Bản Oeda Ikumi trong hai hiệp chính. Dù vậy cô bất ngờ bị thua trong 9 giây đầu tiên ngay khi bước vào thời gian đánh "điểm số vàng" Golden Score, khiến tỉ số cân bằng 3-3.
Kết quả hòa buộc HLV hai đội phải bốc thăm, chọn hạng cân thi đấu trận Golden Score - bên nào ghi điểm trước sẽ giành chiến thắng chung cuộc. Hai HLV bốc đúng hạng cân mà Oeda Ikumi vừa đánh bại Thanh Thanh, khiến đoàn VĐV Thái Lan vỗ tay ăn mừng dù trận đấu chưa bắt đầu.
Nhưng "30 chưa phải tết"! Bước vào trận, Thanh Thanh bất ngờ thực hiện đòn quật chính xác cùng với việc thực hiện kĩ thuật đè thành công, đánh bại Oeda Ikumi giúp Judo Việt Nam giành HCV cuối cùng ở nội dung đồng đội hỗn hợp. Đoàn VĐV Thái Lan "chết lặng", cay đắng làm khán giả màn ăn mừng chiến thắng của cả đoàn Judo Việt Nam.
Nguyễn Thị Oanh hóa "siêu nhân", giành 2 HCV trong chưa đầy 30 phút
Chiều 9/5, Nguyễn Thị Oanh bước vào thử thách tranh tài 2 nội dung khắc nghiệt của điền kinh là 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật với thời gian nghỉ giữa 2 nội dung chưa đến 30 phút.
Việc BTC thay đổi khung giờ thi đấu tưởng như khiến Oanh gặp khó khăn, nhưng ngược lại, càng tô điểm thêm vẻ lung linh cho kỳ tích được nữ VĐV bé nhỏ tạo lập.
Sau khi cán đích đầu tiên ở nội dung 1.500m, Oanh tạm gác lại màn ăn mừng. Cô vào làm thủ tục thi 3.000m vượt chướng ngại vật khi mồ hôi chưa ráo, trang phục chưa kịp thay. Cái kết như đã biết, Oanh nhỏ bé vẫn khiến tất cả phải ngước nhìn.
Trần Hưng Nguyên "gánh team", đội bơi Việt Nam giành HCV ngoạn mục
Đội bơi với Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước, Trần Hưng Nguyên đã bảo vệ thành công tấm HCV nội dung tiếp sức 4x200m tự do nam.
Vốn sở trường ở cự ly 400m trở lên, Kim Sơn và Huy Hoàng trong 2 lượt bơi đầu đã bị đội Singapore bỏ xa gần 3 giây. Hoàng Quý Phước rút ngắn khoảng cách xuống hơn 1 giây và Hưng Nguyên ở lượt bơi cuối đã có màn bứt phá cực kỳ ấn tượng. Ở vòng bể cuối cùng, từ thế bị dẫn, Nguyễn guồng nước rút vượt qua đối thủ Malaysia, rồi Singapore ở những mét cuối cùng để chạm đích đầu tiên. Đội bơi Việt Nam bảo vệ thành công HCV với thành tích 7 phút 18 giây 51.
Thanh Nhã lập siêu phẩm như một thói quen. ĐT nữ Việt Nam đi vào lịch sử SEA Games
Thanh Nhã được ví như hot girl của tuyển bóng đá nữ Việt Nam bởi vẻ ngoài xinh xắn. Cô cũng là "hot girl của những siêu phẩm".
Trận chung kết bóng đá nữ gặp Myanmar, Nhã lại khiến mọi người phải trầm trồ. Cô ấn định chiến thắng 2-0 cho tuyển nữ Việt Nam với cú dứt điểm ở gần sát vòng cấm, đưa bóng qua tầm với của thủ thành đối phương. Trước khi ghi bàn, Nhã khiến một hậu vệ đối phương phải "hít khói" bằng pha nước rút tốc độ.
Thắng Myanmar 2-0, ĐT nữ Việt Nam bảo vệ thành công ngôi hậu SEA Games. Chiến tích này giúp đội bóng của HLV Mai Đức Chung giành chức vô địch ở kỳ đại hội thứ 4 liên tiếp, và cũng là tấm HCV SEA Games thứ 8.
Lực sĩ Trần Minh Trí giành vinh quang bằng cú đẩy của tuổi 19
Đây là SEA Games đầu tiên của đô cử sinh năm 2004. Chưa tròn 20, Trí như "tấm chiếu mới" ở đại hội thể thao khu vực và vì thế, anh không được đặt nhiều kỳ vọng giành huy chương ở hạng 67kg nam khi phải tranh tài với những đối thủ sừng sỏ, giàu kinh nghiệm trong khu vực như Chantri (Thái Lan), Mohammad Yasin (Indonesia) hay Pacaldo (Philippines).
Nhưng đô cử 19 tuổi đã gây choáng váng. Ở nội dung cử giật, anh chỉ xếp thứ 4 khi kém Chantri và Yasin đến 7kg, kém Pacaldo 1 kg.
Đến phần cử đẩy, Chantri gần như cầm chắc HCV khi hoàn thành mức tạ 168kg, với mức tổng cử 305kg. Anh hơn Minh Trí đến 7kg. Để vượt mặt đối thủ, đô cử quê An Giang phải nâng lên mức tạ 176kg.
Không một ai có thể tin vào điều kỳ diệu khi kỷ lục SEA Games của cử đẩy là 173kg. Ở hoàn cảnh không ai ngờ đến đó, Trí tạo ra địa chấn. Anh đăng ký mức tạ 176kg, và trong không khí hồi hộp, căng thẳng Trí dồn hết khát khao, sức trẻ của tuổi 19 vào cú cử đẩy. Anh đã thành công.
Trí cũng thiết lập kỷ lục mới ở nội dung cử đẩy với 176kg. Anh đoạt HCV với mức tổng cử 306kg, hơn đối thủ Chantri đúng 1 kg.
Đội bóng rổ nữ vỡ oà với tấm HCV lịch sử
ĐT bóng rổ 3x3 nữ Việt Nam đã làm nên điều phi thường khi đem về tấm huy chương Vàng lịch sử tại SEA Games 32, đánh dấu kỳ Đại hội thành công nhất từ trước đến nay
Huy chương vàng chính là thành tích tốt nhất của bóng rổ Việt Nam trong nhiều năm tham dự SEA Games. Với sự xuất sắc và kiên cường, đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam đã vượt qua rất nhiều trận đấu khó khăn để tiến đến chung kết gặp Philippines, cường quốc bóng rổ trong khu vực Đông Nam Á. Biết rằng ĐT Việt Nam đã từng đánh bại đội bóng này ở vòng bảng, nhưng đây vẫn là một đối thủ mạnh và không thể xem thường. Chiến thắng 21-16 đầy thuyết phục đã đưa bóng rổ Việt Nam lần đầu chạm đỉnh vinh quang ở đấu trường khu vực.
Tấm HCV của ĐT bóng rổ nữ còn ý nghĩa hơn khi cả 4 cô gái vàng đều gặp vấn đề trước và trong giải đấu. Đội trưởng Huỳnh Ngoan và Tiểu Duy dính chấn thương bao gồm quá tải đầu gối, đau gót chân và căng gân kheo. Trong khi đó, cặp song sinh Trương Thảo My và Trương Thảo Vy phải chịu nỗi đau mất người thân đúng 1 tuần trước khi SEA Games 32 bắt đầu.
Cả hai chị em dù đã cân nhắc việc bỏ thi đấu để lo việc gia đình, nhưng sau cùng đã nén nỗi đau về tinh thần để chiến đấu. Hình ảnh cả bốn cầu thủ đổ gục, đặc biệt là giọt nước mắt của Thảo Vy sau pha ghi điểm mang về tấm huy chương vàng như lấy trọn tình cảm của người hâm mộ.
Bùi Phước Tùng đấm knock-out làm võ sỹ Thái Lan nằm "đo sàn", giành HCV hạng 71 kg
Tấm HCV đầu tiên của Boxing Việt Nam ở SEA Games 32 rất ấn tượng khi võ sỹ Bùi Phước Tùng đã đấm knock-out đối thủ Thái Lan.
Trước đối thủ Thái Lan Atichai Phoemsak có bảng hồ sơ thi đấu rất "khủng" từng giành HCV giải boxing trẻ thế giới và cả Olympic trẻ, Bùi Phước Tùng vẫn thể hiện tốt chiến thuật và đặc biệt là quyết tâm, khát khao chiến thắng.
Ngay hiệp đầu tiên Phước Tùng đã chủ động tấn công nhiều hơn, liên tục áp sát ra đòn và kết quả 3/5 giám định chấm điểm thắng cho võ sỹ của Việt Nam.
Trên đà hưng phấn, Phước Tùng tiếp tục giữ nhịp độ tấn công và ở giữa hiệp 2 combo đòn đấm liên hoàn bằng cả tay trái lẫn tay phải đã khiến võ sỹ Thái Lan đổ gục xuống sàn, nằm bất động và phải nhờ tới sự trợ giúp của y tế.
Với chiến thắng knock-out ấn tượng, Bùi Phước Tùng đã mang về tấm HCV quý giá, góp phần giải tỏa áp lực cho đội tuyển boxing Việt Nam sau khi chúng ta đã mất cả hai võ sỹ sáng giá là Tâm - Đương vì những trận thua đau đớn.
Màn nước rút thần tốc Nguyễn Thị Huyền đánh bại VĐV nhập tịch Mỹ
Trên đường chạy 400m rào, Nguyễn Thị Huyền bị đối thủ Robyn Brown của Philippines dẫn trước, và nữ VĐV quê Nam Định đã tung ra những bước chạy nước rút thần tốc để cán đích trước một cách… thót tim. Huyền đạt thông số 56 giây 29 (56.29), tốt hơn 56.41 từng giúp cô giành HCB SEA Games 31 trên sân Mỹ Đình năm ngoái, đồng thời tốt hơn thành tích 56.33 của nhà vô địch Quách Thị Lan. Đó là tấm HCV SEA Games thứ 12 của cá nhân Huyền.
Ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ, Nguyễn Thị Huyền đóng vai đầu tàu và cũng đội chạy tiếp sức nữ giành tiếp HCV, nâng số HCV tại kỳ SEA Games trên đất Campuchia của cá nhân lên con số 3 và trở thành VĐV giành nhiều HCV điền kinh nhất trong lịch sử các kỳ đại hội khu vực (13).
Châu Tuyết Vân giành HCV trong nước mắt của lo lắng, rồi vỡ òa vì hạnh phúc
Chỉ một sai sót nhỏ của trọng tài đã khiến Châu Tuyết Vân cùng đồng đội nhận tấm huy chương vàng SEA Games 32 trong nước mắt của sự chờ đợi.
Ở phần thi nội dung Quyền sáng tạo đồng đội, Châu Tuyết Vân cùng Nguyễn Ngọc Minh Hy, Nguyễn Thị Mộng Quỳnh, Hứa Văn Huy và Trần Đăng Khoa thực hiện bài thi mà không mắc lỗi nào quá nghiêm trọng. Toàn đội nhận điểm số 7,040 trong lần đầu tiên, nhưng ban tổ chức nhận thông tin bài biểu diễn đã quá giờ do với quy định. Đội Việt Nam có nguy cơ bị trừ tới 0,3 điểm khi đội Thái Lan và Philippines, hai đội rất mạnh vẫn chưa thi.
Tuy nhiên, sau khi ban tổ chức cùng đại diện đoàn Taekwondo Việt Nam làm việc, xác nhận trọng tài thời gian đã bấm sớm giờ dẫn tới việc đội Việt Nam gặp sự cố lố giờ. Cuối cùng, đội Quyền sáng tạo chỉ bị trừ 0,02 điểm, đưa điểm số xuống 7,020. Trong hai phần thi sau đó, đội Thái Lan và Philippines đều gặp lỗi nặng và không thể vượt qua điểm số 7,0.
Châu Tuyết Vân và các đồng đội đi từ cảm giác lo lắng, hồi hộp, bức xúc tới vỡ òa hạnh phúc chỉ trong hơn 15 phút đồng hồ do quyết định của ban tổ chức. Nữ quyền thủ sinh năm 1990 giành chiếc huy chương vàng SEA Games thứ 6 trong sự nghiệp, cũng là kì SEA Games cuối cùng cô tham dự.
Ở tuổi 33, Châu Tuyết Vân đã giành HCV SEA Games kỳ thứ 6 liên tiếp.
Huỳnh Thị Mỹ Tiên khóc "ngon lành" sau tấm HCV SEA Games đầu tiên
Hành trình đến với tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp của Huỳnh Thị Mỹ Tiên vô cùng gập ghềnh, khi cô phải vượt qua chấn thương, chưa kể mới bình phục sau khi bị COVID.
Trên đường chạy 100m vượt rào nữ, Huỳnh Thị Mỹ Tiên đã xuất sắc vượt qua Bùi Thị Nguyên, người đồng đội và cũng là đương kim vô địch của nội dung này để giành tấm HCV. Thành tích giữa các VĐV là hết sức sít sao, chính vì vậy mà Mỹ Tiên đã có màn ăn mừng vô cùng cảm xúc, thậm chí cô còn chưa tin rằng mình đã giành HCV.
Đây cũng là tấm huy chương đầu tiên của Mỹ Tiên ở một kỳ SEA Games. Chính vì vậy, cô không khỏi bồi hồi khi nói về động lực để giành được HCV ngày hôm nay: "Chấn thương thì em cũng gặp triền miên, coi như mình sống chung với lũ thôi. Em cứ vừa tập vừa chữa thôi. COVID thì đây là lần thứ 2 của em, em bị nhẹ hơn lần 1 nên có thể nhanh chóng luyện tập trở lại. Em chỉ biết cố gắng thôi. Kết quả ngày hôm nay cũng là kết quả tốt nhất mà em đạt được.Em đã thi đấu 3 kỳ SEA Games, nhưng kỳ này em mới giành được huy chương. Em phải cố gắng để đền đáp công ơn của thầy em. Thầy đã lo lắng, quan tâm và giúp đỡ em rất nhiều khi em xa nhà. Từ khi em ra Hà Nội luyện tập từ 2018, thầy đã dạy dỗ em rất nhiều mà em vẫn chưa làm được gì cho thầy."
Tấm HCV SEA Games đầu tiên của bóng bàn Việt Nam sau 26 năm
Ở nội dung đôi nam nữ, sau khi vượt qua đối thủ Thái Lan ở bán kết, hai tay vợt Trần Mai Ngọc và Đinh Anh Hoàng đã gặp 2 tay vợt Singapore Clarance Zhe Yu Chew và Jian Zeng.
Kết quả trận chung kết vượt quá mong đợi khi Mai Ngọc và Anh Hoàng giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 3-1 và giành HCV.
Đây là tấm HCV đôi nam nữ danh giá mà các tay vợt trẻ Việt Nam giành được sau 26 năm chờ đợi, kể từ SEA Games 1997.