BTC cuộc bầu chọn linh vật (mascot) cho SEA Games 31 tại Việt Nam từng khiến người hâm mộ băn khoăn. Phiếu bầu trên mạng xã hội ủng hộ "chú (chó) Vàng", nhưng 3 lựa chọn vào chung khảo lại khác hẳn. Và rốt cuộc đề cử là sao la với lý do đây là loại động vật chỉ mỗi nước ta mới có.
Thời gian dài bình chọn, sàng lọc rồi quyết định linh vật cho SEA Games 2021 thật ra không phải chuyện kỳ lạ trong làng thể thao Đông Nam Á.
Thậm chí có thể cho rằng lần này, chọn lựa của BTC SEA Games 31 phần nào hợp lý với cái kết có hậu.
Vì nhìn lại lịch sử SEA Games kể từ lần đầu có biểu tượng vui vào năm 1985 ở Thái Lan, cách chọn linh vật của các nước chủ nhà để lại không thiếu chuyện cười ra nước mắt.
Gần nhất chính là Philippines 2019 với linh vật Pami. Theo đánh giá của người dân bản xứ, linh vật SEA Games này chẳng giống ai, dường như là một tác phẩm không được đầu tư kỹ, cũng không phải thành quả của một nghệ sĩ xuất sắc, thậm chí là tầm thường.
Nhìn vào Pami, người dân Philippines thậm chí không xem đây là tổ hợp của những quả bóng nhiều màu, mà mang hơi hướm ngoại lai như Trung Quốc do có vẻ giống gấu trúc cách điệu.
Sự cố Pami kể ra hơi khó hiểu, vì thật chất Philippines đã dự trữ sẵn linh vật! Cội nguồn là tại SEA Games 2005 mà nước này làm chủ nhà.
Tất cả đều biết linh vật năm đó là chú đại bàng Philippines tên Gilas, một trong những loài đại bàng lớn nhất thế giới.
Nhưng trước đó, chọn lựa của BTC SEA Games 2005 thật ra là loài khỉ lùn Philippines. Nào ngờ sau đó, Ủy ban Olympic nước này (PhilSOC) quyết định đổi thành Gilas.
Tuy nhiên, nếu gần 15 năm trước khỉ lùn từng thua đại bàng thì năm 2019, tại sao không chọn khỉ lùn thay cho Pami gây nhiều tranh cãi?
So với cuộc chiến khỉ lùn và đại bàng, cặp rồng Komodo mang tên Modo cùng Modi được chọn làm linh vật SEA Games 2011 tại Indonesia càng bất ngờ hơn.
Nguyên nhân là do ban đầu, chính quyền Palembang đã chọn chú voi Sumatran làm linh vật cho SEA Games 26.
Nào ngờ sau đó, theo gợi ý của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và Hội đồng thể thao Indonesia, BTC chuyển sang rajawali, một loài diều hâu của xứ Vạn đảo.
Sau cùng như tất cả đều biết, rồng Komodo được chọn khi Indonesia nỗ lực để Vườn quốc gia Komodo được công nhận là kỳ quan thứ 7 mới của thiên nhiên.
Dù sao, điều quan trọng là sau bao rắc rối, những chủ nhà SEA Games nêu trên đều tìm được linh vật có sức thuyết phục ít nhiều, đâu như BTC Thái Lan 1995.
Năm 1985, ở lần đầu chơi trội tạo linh vật cho SEA Games, người Thái Lan đã ra mắt chú mèo Xiêm Wichien-maat.
10 năm sau nhận lời tổ chức SEA Games kỳ nữa, BTC lười tới mức không chọn giống loài khác mà vẫn tiếp tục dùng mèo Xiêm, chỉ có đặt tên khác là Suwasdee.
Nhưng "lầy" nhất ắt hẳn là BTC SEA Games 14 tại Jakarta (Indonesia): Mất công suy nghĩ quá, cho qua luôn cái vụ linh vật này thôi!