Giành 16 huy chương vàng, 12 huy chương bạc và 10 huy chương đồng, điền kinh Việt Nam tiếp tục vượt trên Thái Lan để xếp nhất toàn đoàn. Cuộc lội ngược dòng mạnh mẽ ở ngày thi đấu cuối cùng và cả những tấm huy chương đầy kịch tính trong 5 ngày thi đấu đã giúp điền kinh Việt Nam khiến đối thủ nể phục.
Phạm Thị Hồng Lệ mở hàng cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30 bằng tấm huy chương đồng đẫm nước mắt hôm 6/12/2019. Dù chỉ về sau hai vận động viên chủ nhà Philippines, nhưng hình ảnh cô gái Bình Định bé nhỏ đứng không vững, không thể mặc quần dài lên nhận huy chương đã chiếm trọn cảm xúc, tình mến thương... của những người chứng kiến. Đường chạy khó, thời tiết khắc nghiệt... Hồng Lệ nỗ lực hết sức để rồi đổ gục, co rút toàn thân. Cô gái nhỏ nhắn chỉ nặng hơn 40kg chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Dù vậy, sau khi nhận huy chương, Lệ vẫn cảm thấy rất buồn và có lỗi vì chưa hoàn thành mục tiêu bản thân đề ra. Hồng Lệ đã gặp và xin lỗi HLV Trần Văn Sỹ đầu tiên. Cô hứa sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ lòng mong đợi của những người đặt niềm tin vào mình. 2 ngày sau đó, Hồng Lệ hồi phục thần tốc và giành thêm môt HCB nội dung chạy 10000m.
Nguyễn Thị Oanh cũng là một trong những VĐV để lại dấu ấn đậm nhất tại SEA Games 30. Cô gái bé hạt tiêu quê Bắc Giang xuất sắc giành cả 3 HCV ở 3 nội dung mình tham dự. Sau tấm HCV 1500m, Nguyễn Thị Oanh đã có một ngày thi đấu xuất sắc khi giành 2 HCV còn lại chỉ trong ngày 10/12/2019. Giành HCV 5000m vào buổi sáng, Oanh tiếp tục thống trị đường chạy 3000m chướng ngại vật vào buổi tối, xuất sắc lập kỷ lục SEA Games mới với thành tích 10 phút 00 giây 02. Nhìn cảnh Nguyễn Thị Oanh vắt kiệt sức lực, gục ngã trên vạch đích và đặc biệt là khóc nức nở sau kỳ tích xuất sắc của cá nhân, khiến tất cả những ai chứng kiến em thi đấu trên sân New Clark City đều nghẹn ngào.
Chàng trai trẻ mới 19 tuổi Trần Nhật Hoàng cũng khiến nhiều người ngỡ ngàng với thành tích 3 HCV ở ngay kỳ SEA Games đầu tiên tham dự. VĐV quê Khánh Hòa xuất sắc giành HCV ở các cự ly 4x400m hỗn hợp tiếp sức, 400m và 4x400m tiếp sức nam. Trần Nhật Hoàng trở thành niềm hy vọng sáng giá cho điền kinh Việt Nam ở các cự ly 400m, xứng đáng là người tiếp quản đáng tin cậy cho đàn anh Quách Công Lịch không còn ở đỉnh cao phong độ. Mạnh mẽ trên đường chạy là vậy, nhưng Trần Nhật Hoàng lại rất mau nước mắt khi nhắc đến mẹ và đặc biệt là nức nở ôm HLV Nguyễn Thị Bắc nghẹn ngào: "Con làm được rồi cô ơi!"
Tấm HCV 100m của Lê Tú Chinh xứng đáng được nhắc đến tại SEA Games 30 lần này. Thua đối thủ nhập tịch Kristina Knott của Philippines ở nội dung 200m, tưởng chừng Tú Chinh sẽ trắng tay, không thể hoàn thành mục tiêu 2 HCV của mình. Nhưng với nỗ lực phi thường, Tú Chinh đã dập tan tham vọng của đối thủ, khiến cô nàng ngã nhào ở vạch đích trong cú nước rút chỉ chênh nhau 0.01 giây (11 giây 54 - 11 giây 55). Màn chờ đợi kết quả của Tú Chinh mới thật sự hồi hộp, và rồi mọi thứ vỡ òa, nước mắt nhòe đi khi nữ VĐV biên chiến đội TP.HCM ôm chầm lấy người thầy Nguyễn Thị Thanh Hương để ăn mừng. Chiến tích của Lê Tú Chinh vẫn khẳng định cô là nữ hoàng tốc độ Đông Nam Á, được Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn đánh giá là tấm HCV đầy ý nghĩa.
Nguyễn Thị Huyền cũng là điểm sáng của điền kinh Việt Nam tại SEA Games 30. Bà mẹ bỉm sữa mới trở lại đường đua sau hơn 1 năm sinh con. VĐV Nam Định xuất sắc vượt qua người đồng đội Quách Thị Lan, ngôi sao được đầu tư trọng điểm cho SEA Games năm nay, để giành HCV ở cả hai cự ly "tủ" là 400m và 400m rào nữ. Thành tích của Nguyễn Thị Huyền đã làm nhiều người sửng sốt, xóa tan hoài nghi về việc cô không còn là chính mình sau khi lập gia đình và sinh con.
Màn trình diễn của đội chạy tiếp sức hỗn hợp Việt Nam nội dung 4x400m trở nên ấn tượng hơn bao giờ hết bởi chiến thuật khác người. Trong khi các đối thủ đều chọn chiến thắng nam-nữ-nữ-nam thì riêng đội Việt Nam áp dụng chiến thuật nữ-nam-nữ-nam uyển chuyển. Khởi đầu bằng Nguyễn Thị Hằng, sau đó đến Trần Nhật Hoàng, rồi Quách Thị Lan và kết thúc bằng Trần Đình Sơn, đội Việt Nam đã cho đối thủ hít khói và thắng thuyết phục nội dung lần đầu xuất hiện tại SEA Games. Đặc biệt hơn, đội hình này mới chỉ ghép tập một ngày trước thi đấu do các thành viên thuộc các đội khác nhau, tập luyện riêng biệt ở Việt Nam.
Việt Nam cũng thể hiện ưu thế vượt trội ở các nội dung chạy 400m và 400m tiếp sức khi Nguyễn Thị Huyền và Trần Nhật Hoàng vô đối đường chạy 400m nữ - nam. Trong khi đó, đội chạy tiếp sức 4x400m nam - nữ cũng đều cho đối thủ cực mạnh là Thái Lan về sau.
Khép lại một kỳ SEA Games thành công, điền kinh Việt Nam hướng tới kỳ đại hội lần thứ 31 sẽ diễn ra tại Việt Nam 2 năm nữa, với những mục tiêu và kỳ tích xuất sắc hơn nữa.