Sinh năm 2000, tay đấm đất Cần Thơ Đỗ Hồng Ngọc đã sớm nổi lên như một hiện tượng đặc biệt của boxing Việt Nam, với những tố chất cùng sức vươn hiếm có đến mức kỳ lạ. Tháng 11/2017, võ sĩ hạng 57kg này xuất sắc giành HCB giải Trẻ thế giới. Chỉ sau đó 5 tháng, cô tiếp tục đoạt HCV giải trẻ châu Á. Ngay thời điểm ấy, giới chuyên môn đã đánh giá Ngọc hội đủ các yếu tố để trở thành một võ sĩ hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, Ngọc đã biến mất khỏi danh sách đoàn TTVN dự tranh Olympic Trẻ một cách bất ngờ, cho dù tuyển thủ xứ Tây Đô có suất chính thức, và được kỳ vọng tranh chấp HCV. Để rồi khi vụ lùm xùm kiện tụng “trai giả gái” xảy ra tại Đại hội TDTT toàn quốc vào cuối năm, người ta mới biết nguyên nhân vì sao Ngọc lại không được cử tham dự Olympic Trẻ.
Do đoàn Cần Thơ đăng ký cho Ngọc dự tranh Đại hội và một số đoàn có khiếu nại, Liên đoàn Boxing Việt Nam đã buộc phải công bố bức thư của Hiệp hội Quyền Anh Nghiệp dư thế giới (AIBA), trong đó thông báo kết luận Ngọc không đáp ứng đủ tiêu chuẩn thi đấu tại các giải đấu dành cho nữ. Kết quả có được từ cuộc điều tra chi tiết nhằm xác nhận giới tính của VĐV, bao gồm cả xét nghiệm đọc nhiễm sắc thể đã cho thấy điều đó. Võ sĩ Việt Nam cũng bị tước HCB tại giải Trẻ thế giới.
Với kết luận chính thức từ quốc tế, sự nghiệp của võ sĩ trẻ đã chấm dứt khi mới tròn 18 tuổi. Hiện tại Hồng Ngọc đang vừa học văn hóa vừa tham gia công tác huấn luyện ở đội boxing Cần Thơ. Sự biến mất của Ngọc có thể coi là một trường hợp hi hữu, phần nào đó mang tính bất khả kháng đối với thể thao Việt Nam. Có thể trách ngành thể thao yếu kém trong việc phát hiện, sàng lọc giới tính VĐV ngay từ khi tuyển chọn ban đầu. Dù vậy, việc này rõ ràng đang nằm ngoài khả năng, điều kiện của thể thao Việt Nam.
Giờ đây, thể thao Việt Nam lại mất thêm một tài năng trẻ tầm cỡ thế giới khác, nữ võ sĩ 21 tuổi Nguyễn Thị Ngoan, ít nhất là ở SEA Games 30 và Olympic 2020. Ngoan cũng phải chia tay ĐTQG vì một lý do khác lạ, liên quan đến rối loạn tâm lý. Chỉ có điều, khác hẳn với trường hợp của Hồng Ngọc, bệnh tình của Ngoan gắn chặt với yếu tố chuyên môn, hoàn toàn có thể phòng chống, giải quyết. Nó đã phơi bày lỗ hổng trong quy trình quản lý đào tạo khi bỏ qua hay không chú ý thích đáng, kịp thời đến khâu tâm lý VĐV.
Dù có như thế nào, việc để mất liền hai tài năng tầm cỡ thế giới như Ngọc và Ngoan vẫn là một điều vô cùng đáng tiếc, với những ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh thể thao Việt Nam đang quá khan hiếm tài năng.
Cũng liên quan đến thực trạng đáng buồn này, ở SEA Games 30, đoàn thể thao Việt Nam còn không có nhà vô địch thế giới Trẻ Hồ Thị Kim Ngân vì chấn thương chân. Còn may vì võ sĩ 18 tuổi đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đang dần hồi phục, và đã có thể tập nhẹ, cho dù khó có thể kịp trở lại tình trạng tốt nhất để tranh suất tới Olympic 2020.