Nhiều cầu thủ Việt kiều xuất hiện, Indonesia lên tiếng
Mục tiêu đổi màu huy chương là đích nhắm của bóng rổ Việt Nam tại SEA Games 31, nhưng so với mặt bằng chung trong khu vực đây là mục tiêu không dễ dàng khi các quốc gia như Thái Lan, Indonesia hay Singapore cũng có sự đầu tư kỹ lưỡng.
Trong cuộc họp báo trực tuyến của Liên đoàn bóng rổ Indonesia diễn ra vào ngày 13/1 vừa qua, Chủ tịch Danny Kosasih không giấu giếm tham vọng của mình: “Chúng tôi đặt mục tiêu huy chương Bạc cho đội tuyển bóng rổ nam và nữ quốc gia”. Thế nhưng mọi chuyện không đáng nói nếu như người đứng đầu bóng rổ Indonesia không cho rằng mục tiêu trên rất khó thực hiện vì vấn đề cầu thủ nhập tịch!
“Chúng tôi nhận được thông tin rằng SEA Games Việt Nam cho phép đội sử dụng cầu thủ nhập tịch càng nhiều càng tốt. Tôi sợ rằng Việt Nam sẽ sử dụng 12 cầu thủ Việt kiều, điều đó ảnh hưởng tới mục tiêu của bóng rổ Indonesia, nó có thể thay đổi!”, ông Danny Kosasih nói tiếp.
Phía Liên đoàn bóng rổ Indonesia cho biết họ đã gửi một e-mail đến ban tổ chức SEA Games 31 yêu cầu những hạn chế liên quan đến việc sử dụng cầu thủ nhập tịch hoặc mang 2 dòng máu như Việt kiều, Thái kiều… Tuy nhiên ông Danny Kosasih cho biết yêu cầu đã bị phía BTC Việt Nam từ chối.
Việc Indonesia yêu cầu hạn chế cầu thủ mang 2 dòng máu không phải vấn đề mới, tại SEA Games 30 cách đây 2 năm Singapore cũng đã phàn nàn về vấn đề này. Các cầu thủ đảo quốc Sư tử cho rằng bóng rổ Việt Nam sử dụng quá nhiều cầu thủ Việt kiều và lo sợ các trận đấu sẽ trở nên chênh lệch.
Cũng vì lẽ đó đã có những tin đồn cho rằng kỳ SEA Games 2025 trên đất Thái Lan sẽ hạn chế tối đa việc sử dụng cầu thủ mang 2 dòng máu. Nếu điều này trở thành sự thật chắc chắn bóng rổ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Tranh cãi xung quanh câu chuyện cầu thủ Việt kiều khoác áo đội tuyển bóng rổ Quốc gia
Không chỉ các quốc gia trong khu vực yêu cầu hạn chế cầu thủ mang 2 dòng máu, ngay trong chính bóng rổ Việt Nam việc sử dụng cầu thủ Việt kiều cũng tạo nên không ít tranh cãi.
Một bên cho rằng các cầu thủ Việt kiều cũng mang dòng máu Việt, họ xứng đáng được khoác áo đội tuyển Việt Nam ra sân thi đấu, bên còn lại cho rằng cần hạn chế sử dụng cầu thủ Việt kiều vì nhiều lý do như có cầu thủ không nói được tiếng Việt không thể đại diện cho quốc gia, hay việc sử dụng quá nhiều cầu thủ Việt kiều ảnh hưởng tới sự phát triển của bóng rổ Việt Nam.
Trên thực tế câu chuyện này đã tạo nên sự tranh cãi từ trước SEA Games 30, giải đấu mà 12 cầu thủ đội tuyển có đến 7 cái tên Việt kiều là Tâm Đinh, Chris Dierker, Khoa Trần, Sang Đinh, Stefan Tuấn Tú, Horace Nguyễn và Justin Young. Ở nội dung 3x3 cả 4 cầu thủ đều là Việt kiều gồm Justin Young, Chris Dierker, Tâm Đinh và Khoa Trần.
Không thể phủ nhận khả năng của các cầu thủ Việt kiều khi họ đóng góp chủ yếu vào 2 tấm huy chương Đồng lịch sử của bóng rổ Việt Nam tại kỳ SEA Games năm ấy, thế nhưng tranh cãi vẫn không dừng lại và khiến chính những người trong cuộc không giấu được cảm xúc tiêu cực.
“Tôi nghĩ đừng nên phân biệt chúng tôi là Việt kiều hay không Việt kiều. Phần lớn trong số chúng tôi có bố mẹ là người Việt và từng khoác áo đội tuyển Việt Nam. Thật sự vô lý khi ở Thụy Điển thì tôi không được coi là người Thụy Điển, và ở Việt Nam thì cũng không được coi là người Việt Nam, dù bố mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng. Như thể chúng tôi nằm ở vùng xám vậy!”, Stefan Nguyễn Tuấn Tú bức xúc chia sẻ sau kỳ SEA Games 2019.
Tại kỳ SEA Games sắp tới trên sân nhà, HLV đội tuyển bóng rổ Việt Nam ông Kevin Yurkus cho biết sẽ không thay đổi chiến lược của mình: “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn nhận câu chuyện Việt kiều đối đầu với nội binh hay phân biệt họ ở đội tuyển. Chúng tôi chỉ chọn những cầu thủ giúp mang lại chất lượng đội hình tốt nhất, có khả năng cạnh tranh cao nhất, đồng thời chung chí hướng theo các mục tiêu dài hạn cũng như tầm nhìn của đội tuyển bóng rổ quốc gia”.
Bóng rổ Việt Nam sẽ mãi phụ thuộc vào nguồn lực Việt kiều?
Dù việc phát triển cầu thủ Việt kiều mang lại những tiến bộ vượt bậc cho bóng rổ Việt Nam về mặt thành tích, tuy nhiên một sự việc luôn có 2 mặt và người ta có lý khi nói rằng việc gọi quá nhiều cầu thủ Việt kiều vào đội tuyển ảnh hưởng tới phát triển nội binh.
Chia sẻ về vấn đề này tại SEA Games 30 HLV Kevin Yurkus cũng như Liên đoàn bóng rổ Việt Nam cho biết, ngoài việc đưa các cầu thủ Việt kiều lên tuyển, đội tuyển vẫn triệu tập những nội binh xuất sắc, những cầu thủ có tiềm năng phát triển và trở thành nhân tố cho tương lai. Đó là lý do những Võ Kim Bản, Dư Minh An, Lê Hiếu Thành, Hoàng Thế Hiển và Nguyễn Huỳnh Phú Vinh được góp mặt tại giải đấu ở Philippines.
Cần phải nhìn vào thực tế rằng nếu không có lực lượng cầu thủ Việt kiều đội tuyển Việt Nam sẽ rất khó đặt mục tiêu thành tích trong không chỉ kỳ SEA Games 30, 31 hay tương lai gần. Bóng rổ Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và việc bắt tay vào đào tạo trẻ bài bản chưa thể cho ra những viên ngọc quý ngay thời điểm này, đó là lý do khiến lực lượng cầu thủ Việt kiều vẫn đang áp đảo trên đội tuyển.
Tuy nhiên việc các giải đấu hạn chế cầu thủ mang 2 dòng máu là điều đã, đang và rất có thể xảy ra trong tương lai, vì vậy việc sử dụng cầu thủ Việt kiều song song bài toán phát triển nội binh là mục tiêu mà bóng rổ Việt Nam buộc phải hướng đến.
Để giải bài toán này các giải trẻ VĐQG U16-18, U17-19 và U23, Hội khỏe Phù Đổng, giải học sinh các địa phương,... thì giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA cũng đưa ra yêu cầu bắt buộc 7 CLB phải có đội tuyển trẻ. Và để đảm bảo sân chơi cho những cầu thủ này, giải trẻ D-League cũng đang được VBA xây dựng.
Với các kế hoạch gây dựng lứa cầu thủ trẻ, những người tâm huyết với bóng rổ Việt Nam tin rằng những viên ngọc sáng như Nguyễn Huỳnh Phú Vinh, Võ Kim Bản, Anh Kiệt, Hoàng Thế Hiển,... sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa, từ đó khoảng cách giữa các cầu thủ nội và Việt kiều ngày càng được thu hẹp.
Thế nhưng để điều đó trở thành sự thật không phải là chuyện một sớm một chiều và cho đến lúc này những người quan tâm đến bóng rổ vẫn buộc phải thừa nhận một sự thật rằng sức mạnh của đội tuyển phụ thuộc rất nhiều vào những cầu thủ mang 2 dòng máu!