Lương Đức Phước (Điền kinh 1500m)
Tại phần thi chung kết chạy 1500m nam, Lương Đức Phước không phải là VĐV được đánh giá cao nhất. Cho đến vòng đấu cuối cùng, chân chạy đến từ Đồng Nai mới chỉ xếp thứ 6/8 VĐV tham dự. Tuy nhiên, trong 120m cuối cùng, Đức Phước đã có cú nước rút ngoạn mục, thậm chí còn vượt qua cả người đàn anh Trần Văn Đảng để về đích đầu tiên với thành tích 3 phút 54,37 giây.
HCV ở nội dung 1500m là tấm HCV đầu tiên trong sự nghiệp của Lương Đức Phước và cũng là tầm HCV đầu tiên của một VĐV điền kinh Đồng Nai. Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 – ông Trần Đức Phấn từng chia sẻ, Đức Phước chính là VĐV tạo được ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với ông nhờ kỳ tích khó tin cùng hình ảnh anh giơ hai tay lên trời hét lớn khi về đích đầu tiên.
Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp)
Với phần thi đấu xuất sắc trong ngày thi đấu thứ 2 ở nội dung 7 môn phối hợp của môn điền kinh, Nguyễn Linh Na đã làm nên cuộc ngược dòng không tưởng để giành tấm Huy chương Vàng trước sự ngỡ ngàng của đối thủ đến từ Philippines và Malaysia. Đáng chú ý, vào năm 2020, cô gái người dân tộc Mường từng phải lên bàn mổ vì chấn thương hoại tử chân. Nhưng chỉ 2 năm sau, Linh Na đã trở lại mạnh mẽ ỏ một trong những nội dung thi đấu khắc nghiệt nhất tại SEA Games.
Không thi đấu quá nổi bật, nhưng Linh Na luôn duy trì được phong độ hết sức ỏn định qua 3 ngày thi đấu để rồi giành tấm HCV đầy bất ngờ với tổng điểm 5415. Ngoài tấm HCV danh giá, Linh Na còn phá kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 17 năm đến từ vận động viên Nguyễn Thị Thu Cúc (5350) điểm.
Hoàng Nguyên Thanh (Marathon)
Hoàng Nguyên Thanh đã đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam khi trở thành VĐV đầu tiên giành HCV nội dung marathon nam tại đấu trường SEA Games. Chàng trai Bình Phước hoàn thành với thời gian 2:25:07, thông số được coi là thành tích cá nhân tốt nhất của anh. Hoàng Nguyên Thanh đã đổi màu tấm HCĐ giành được tại SEA Games 2015 và ý nghĩa hơn nữa đã giúp marathon nam Việt Nam giải cơn khát vàng trong suốt lịch sử Đại hội Thể thao Đông Nam Á kể từ năm 1959.
Trong vòng chạy thứ bảy, Tony Payne và quán quân SEA Games 30 Agus Prayogo vẫn luôn ép Hoàng Nguyên Thanh vào thế bám đuổi, nhưng Hoàng Nguyên Thanh đã bứt tốc mạnh mẽ trong vòng chạy cuối cùng để tiến vào sân vận động Mỹ Đình đầu tiên với thời gian 2:25.08. Trước đây, Việt Nam mới chỉ có tấm HCV marathon nữ của Phạm Thị Bình lập tại SEA Games 2013. Giờ đây, marathon Việt Nam đã chính thức có tên trên bảng vàng đấu trường Đại hội Thể thao Đông Nam Á nhờ sự trở lại ấn tượng của “Vua leo núi Bà Rá”.
Phạm Thanh Bảo (Bơi)
Ở tuổi 21, Phạm Thành Bảo đã xuất sắc giành HCV, đồng thời phá kỷ lục SEA Games. Thanh Bảo về nhất với thông số 1:01.17, kỷ lục trước đó của VĐV người Philippines là 1:01.46. Thành tích của Phạm Thanh Bảo đã làm rạng danh Việt Nam bởi đây là lần đầu tiên sau 13 năm, Việt Nam mới có được tấm HCV ở nội dung bơi ếch 100m. Ở lần gần nhất, tấm huy chương vàng thuộc về Nguyễn Hữu Việt tại SEA Games 2009.
Chàng trai sinh năm 2001 với sở trường bơi ếch và đã giành HCB ở hai nội dung 100m và 200m ếch nam ở SEA Games 30 tại Philippines năm 2019. Anh là một trong những niềm hy vọng vàng của bơi lội Việt Nam, nhưng việc phá vỡ kỷ lục SEA Games thực sự là một bất ngờ lớn với chính Phạm Thanh Bảo.
Nguyễn Thị Ngoan (Karate)
Vươn lên đỉnh cao thế giới ở tuổi 19, tài năng hiếm có của Karate Việt Nam Nguyễn Thị Ngoan đã phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm và đã phải nghỉ thi đấu suốt một năm trời để ưu tiên tối đa cho việc điều trị. Mãi cho tới tận cuối năm 2020, người ta mới lại nhìn thấy Nguyễn Thị Ngoan quay trở lại cùng các đồng đội ở giải Cúp các Câu lạc bộ Toàn quốc với nụ cười và sự tự tin.
Vượt qua những khó khăn về tâm lý, Nguyễn Thị Ngoan đã tỏa sáng để giành HCV 2 nội dung Kumite đồng đội nữ và kumite -61kg nữ. Nhà cựu vô địch thế giới vẫn thể hiện đẳng cấp và kỹ năng vượt trội của mình, góp công lớn giúp Karate mang về 7 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ, đứng nhất toàn đoàn và vượt qua chỉ tiêu tại SEA Games 31.