Tối ngày 12/5, ở lễ khai mạc hoành tráng, lung linh sắc màu của SEA Games 31, Trần Lê Quốc Toàn có vinh dự lớn lao. Anh cùng nhà vô địch Olympic môn bắn súng Hoàng Xuân Vinh; HCB Olympic 2000 môn taekwondo Trần Hiếu Ngân, HCB Olympic 2002 môn cử tạ Hoàng Anh Tuấn; Nguyễn Thị Tĩnh, VĐV điền kinh từng giành 3 HCV SEA Games; Nguyễn Thúy Hiền, nhà vô địch thế giới, châu Á, SEA Games môn wushu; Lê Bích Phương, HCV ASIAD môn karatedo rước ngọn đuốc thiêng, trao cho Quách Thị Lan, châm đài lửa, bắt đầu những ngày tranh tài ở SEA Games 31.
Một ngày sau đó, Trần Lê Quốc Toàn bồi hồi: “Đó là vinh dự lớn của cuộc đời. Khi nghe tin từ BTC, tôi bất ngờ và xúc động lắm. Sau tấm HCĐ được trả lại, mọi sự bù đắp về vật chất và tinh thần với tôi coi như trọn vẹn. Đó là niềm an ủi với bản thân”.
Ở Olympic 2012, Trần Lê Quốc Toàn là niềm hy vọng lớn của thể thao Việt Nam trong việc tranh chấp huy chương. Nói không ngoa, đô cử này là VĐV sáng giá duy nhất có thể giúp đoàn thể thao Việt Nam có thứ hạng trên bảng xếp hạng. Thế nhưng, Quốc Toàn thất bại theo kịch bản không ai trong bất cứ BHL hay chính bản thân toàn ngờ tới.
Anh bị đối thủ vượt qua trong sự ngỡ ngàng. Cách đó 8 tháng, Hristov bị Toàn bỏ cách tới hơn 20kg. Nhưng chỉ thời gian ngắn, VĐV này đã đánh bại Toàn để giành chiếc HCĐ Olympic 2012. Quá nghiệt ngã, để rồi đoàn thể thao Việt Nam “trắng tay”.
Từ niềm hy vọng lớn, Toàn không thể vươn tới mục tiêu mà bản thân cùng BHL đặt ra. Sau đó cũng là bước ngoặt của đô cử quê Đà Nẵng này. Thay vì có thể nhận những khoản thưởng hậu hĩnh, Quốc Toàn trở về Việt Nam với nỗi thất vọng lớn.
Cuộc sống của anh rẽ theo hướng khác. Toàn không còn là ngôi sao của thể thao nước nhà để có thể đầu tư trọng điểm cho các giải đấu lớn. Sự nghiệp của anh từ đó không thể phất lên được. Tất nhiên, dòng chảy cuộc sống buộc Toàn phải chấp nhận.
Và rồi, sau giải đấu trên đất Anh, Toàn từng nhen nhóm hy vọng sớm tìm được lại công lý. Đâu đó, anh nghe tin mình sẽ được trao lại tấm HCĐ sau khi có tin VĐV của Azerbaijan dính doping. Nhưng rồi, đó vẫn mãi chỉ là “tin nghe được”. Toàn cùng BHL đội cử tạ khắc khoải chờ.
Để rồi, anh quên bẵng trong trí nhớ. Toàn đã yên vị cuộc sống. Anh không còn gắn bó với nghiệp cử tạ chuyên nghiệp khi đã chuyển sang làm quản lý cho một trung tâm gym. Toàn đã quên đi mọi thứ. Anh cân bằng lại cuộc sống dẫu cho, nó rẽ theo hướng không thật sự mong muốn.
Tất cả chìm vào dĩ vãng. Ấy thế, sau 8 năm, Ban Điều hành của Ủy ban Olympic quốc tế đưa đưa ra phán quyết để đòi lại công bằng cho Trần Lê Quốc Toàn. Anh được trao lại tấm HCĐ Olympic London 2012. “Tôi không biết nên vui hay nên buồn với tấm HCĐ này nữa”, lời tâm sự chất chứa sự dằn vặt của Toàn khi nghe tin.
Công lý đã được thực thi nhưng quãng thời gian đằng đẵng chờ đợi khiến sự nghiệp một VĐV thay đổi quá chóng vánh. Nếu được trả sớm hơn hay có sự trung thực trong thể thao, Trần Lê Quốc Toàn đã là một con người khác. Anh có thể sống trong ánh hào quang, có cuộc sống sung túc hơn.
Ở lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic 2020 vào ngày 13/7/2021, Quốc Toàn đã được trao lại chiếc HCĐ. Đây được xem như niềm an ủi với VĐV quê gốc Đà Nẵng này. Nó không thể thay đổi lại số phận của Toàn. Nhưng phần nào đó, Toàn dần nhận lại những giá trị to lớn về tinh thần trong thời gian qua.