SEA Games 29 chỉ còn 2 tuần khởi tranh thì đùng một cái, Ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia quyết định tổ chức đua tay ba để chọn ra 2 đại diện tranh nội dung 1.500m tự do nam.
Quyết định dễ gây tranh cãi
Trước hết phải thừa nhận Ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia chẳng phải không có lý khi yêu cầu các kình ngư Lâm Quang Nhật, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Kim Sơn đua tay ba tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM vào sáng nay (08/08) để chọn ra 2 đại diện thi đấu ở nội dung 1.500m nam.
Vì bằng cách đó thì trước hết, các nhà quản lý sẽ không sợ bị dư luận chỉ trích trong trường hợp để tay bơi có thông số tốt nhất (Nguyễn Hữu Kim Sơn) hoặc ĐKVĐ SEA Games (Lâm Quang Nhật) ở ngoài nếu trường hợp thất bại ở nội dung này.
Kế đến, họ cũng chẳng phải cân nhắc như những trường hợp khác do cả 3 tuyển thủ này đều sớm có tên trong danh sách sơ bộ đăng ký dự SEA Games 2017, thay vì thấp thỏm chờ Malaysia xét duyệt để bổ sung.
Bên cạnh đó thì ngay cả khi Nguyễn Hữu Kim Sơn bất ngờ đoạt mất 1 suất của Lâm Quang Nhật hoặc Nguyễn Huy Hoàng, không có nỗi lo tái hiện sự thất vọng như Nguyễn Thị Huyền với các thông số đều dưới sức mình quá xa tại các nội dung chạy 400m vượt rào và 400m nữ ở Olympic Rio 2016.
Bởi lẽ, Nguyễn Hữu Kim Sơn chí ít vẫn còn tập luyện và thi đấu đều đặn, không như Nguyễn Thị Huyền có quá trình chuẩn bị cho Olympic Rio 2016 hoàn toàn bị động do cô nhận suất tham dự Olympic 2016 vào phút chót.
Thế nhưng, sở dĩ cho rằng Ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia vừa ra quyết định dễ gây tranh cãi không đơn giản là do tổ chức cuộc xét duyệt này quá cận ngày, khi các tuyển thủ chỉ còn chờ ngày lên đường thi đấu.
Đương nhiên là quyết định này phụ thuộc vào thành tích mới đây của Nguyễn Hữu Kim Sơn, nhưng sẽ hợp lý hơn nếu được lên lịch từ sớm để Lâm Quang Nhật và Nguyễn Huy Hoàng cũng như Nguyễn Hữu Kim Sơn có đủ thời gian chuẩn bị cho một cuộc cạnh tranh công bằng có lợi cho đoàn Việt Nam, thay vì gây ức chế cho Lâm Quang Nhật chỉ vừa đi tập huấn nước ngoài trở về.
Đây là điều mà Ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia hoàn toàn có thể làm được, đặc biệt khi trước đó sớm có đánh giá về tình hình cân sức, cân tài giữa bộ ba kình ngư này.
Thế nhưng, quan trọng hơn hết là xét từ nội dung bức thư mà ông Mai Bá Hùng - PGĐ Sở VH&TT TP.HCM gửi cho Tổng Cục TDTT, có chi tiết Ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia đã sớm chốt tên Lâm Quang Nhật và Nguyễn Huy Hoàng là 2 đại diện thi đấu ở đường đua xanh 1.500m đúng hạn chót phải đăng ký cụ thể tên từng tuyển thủ tranh tài ở từng nội dung.
Như vậy, Nguyễn Hữu Kim Sơn chỉ là tuyển thủ dự bị ở nội dung 1.500m nam mà theo quy định của SEA Games, kình ngư này chỉ có thể được bổ sung trong trường hợp Lâm Quang Nhật hoặc Nguyễn Huy Hoàng chấn thương không thể thi đấu.
Nếu sự việc đúng như ông Mai Bá Hùng - PGĐ Sở VH&TT TP.HCM phản ánh, quyết định đột ngột của Ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia sẽ dễ gây sốc tâm lý với các kình ngư nội dung 1.500m, ngay cả khi chiến thắng thuộc về những người dự kiến từ trước như Lâm Quang Nhật và Nguyễn Huy Hoàng.
Vậy là giờ đây, các tuyển thủ bỗng dưng có cớ xác đáng để biện hộ cho thất bại (nếu có) và chỉ có trời mới phán xét được đúng sai một khi có ý kiến cho rằng bộ đôi này không thể nhập cuộc với trạng thái tốt nhất?
Xứ mình đúng khác người
Đến đây, ắt hẳn sẽ có người tự hỏi liệu trên thế giới từng có tình huống nào tương tự chuyện Sơn, Nhật, Hoàng hay không? Vài sự kiện liên quan đến quá trình tiến tới đường đua xanh ở Olympic Rio 2016 của tuyển Mỹ thật sự đáng tham khảo.
Đơn giản vì Mỹ chọn đại diện tới Brazil bằng thông báo về thời điểm thi đấu tuyển chọn từ trước đó 2 năm để các kình ngư lên kế hoạch tập luyện và thi đấu phù hợp.
Kế đến là chuyện “quân pháp bất vị thân”: Cú sốc lớn nhất trong đợt tuyển chọn nội bộ ấy là thất bại của Ryan Lochte ở nội dung 400m hỗn hợp mà anh đang là ĐKVĐ sau huy chương vàng tại Olympic London 2012.
Bất chấp than vãn rằng anh ta đang bị đau, Ryan Lochte vẫn phải thi tiếp 2 nội dung nữa mà không hề có bất cứ sự ưu ái nào. Điều đáng tham khảo ở đây là khi có quá nhiều chọn lựa đáng cân nhắc thì thay vì phải đau đầu suy tính, tốt nhất nên chọn thời điểm thích hợp cho tất cả đua tài. Kết quả sau đó có như thế nào thì cũng chẳng ai phàn nàn được.
Song song đó là chuyện của Michael Phelps: Danh tiếng của huyền thoại này không hù được ai, nên khi thành tích ở nội dung 100m tự do chẳng ấn tượng, anh đã phải nhường quyền tranh tài ở Olympic Rio 2016 cho đồng đội.
Nào ngờ lúc chỉ còn chừng 1 tuần là lên đường đến Brazil, Michael Phelps lại đạt được thành tích tốt thứ 4 thế giới trong năm ở đợt tập huấn cuối cùng.
Cốt chuyện này thoạt nghe có vẻ quen quen! Vậy là lúc đó, ban huấn luyện tuyển Mỹ quyết định tổ chức đua tay ba? Thật không may cho Michael Phelps là tuyển Mỹ đã không chọn cách làm đó, mà chỉ bổ sung anh vào danh sách 7 người của đội bơi 4x100m tự do mà thôi.
Dù sao Michael Phelps cũng còn may là anh không bỗng dưng tỏa sáng ở đường đua 1.500m.