Sau 12 năm gây dựng từ con số 0, boxing Lào Cai đã và đang vượt muôn vàn gian khó để trở thành một “lò” đào tạo hàng đầu, với những sơn nữ người dân tộc thiểu số vượt núi băng rừng tới các đỉnh cao quốc tế.
Đội tuyển của... 4 dân tộc
Năm 2004, thể thao tỉnh miền núi phía Bắc này mới quyết định đầu tư phát triển boxing, từ con số 0 tròn trĩnh, với người được giao trọng trách mở đường cũng là một ông thầy tay ngang, HLV wushu Trần Trọng Huy.
Việc đầu tiên của ông là phải liên tục vượt hàng trăm cây số về vùng sâu vùng xa, rồi có khi bám trụ ở đó cả tuần để tuyển quân, với những cách thức hết sức đặc biệt. Có người, như Hoàng Thị Vân được ông phát hiện khi đang dùng tay gìm sừng con trâu mộng vì nó không nghe lời. Hay Lừu Thị Duyên lại được khai phá từ một tiết học thể dục mà ở đó cô chạy, nhảy, ném tạ và vật tay hơn tất cả các bạn trai trong lớp... Mất cả nửa năm, đội mới có được 6 hạt nhân, được tập hợp từ 4 dân tộc, ngoài các thiếu nữ người Kinh, còn có các cô gái người Mông, Dao, Dáy. Với nguồn nhân lực độc đáo như thế, hầu hết khi gia nhập đội còn không thông thạo tiếng Việt, rồi mang theo cả nền nếp sinh hoạt, ăn mặc của dân tộc mình. Có người trước đó chưa từng một lần bước chân ra khỏi bản, chỉ quen với thêu thùa may vá, dầm mình trên những nương ngô, đồi sắn… Dĩ nhiên, tất cả chưa có một hình dung nào, dù chỉ lờ mờ nhất về môn võ mà mình sẽ gắn bó.
Từ hầm nhà thi đấu, đồ nghề đi xin bước ra thế giới
Cả đội bước vào tập luyện trong cảnh thiếu thốn về mọi mặt. Không có chỗ ở, các sơn nữ từ bản ấy phải ở ngay dưới hầm nhà thi đấu, thầy trò tự đi chợ nấu ăn với khoản chế độ 20 nghìn đồng/ngày. Không có phòng tập riêng, họ phải tự “chế tác” võ đài tại một góc nhà thi đấu bằng gỗ và lốp cao su. Thầy Huy cũng phải chạy đôn chạy đáo xuống Hà Nội để xin lại mũ, găng cũ mà đội Hà Nội không còn sử dụng. Mọi chuyện càng gian khó hơn vì một số sơn nữ không chịu tập, thậm chí có người còn trốn về quê, vì nhớ nhà, vì thấy... đánh đấm ghê quá. Báo hại ông thầy, lại phải tìm mọi cách để thuyết phục, động viên các học trò. Phải mất đến cả năm, việc tập luyện, sinh hoạt mới tạm ổn định. Thế nhưng cũng kể từ đó, bất chấp điều kiện chẳng giống ở đâu, trình độ của các võ sĩ trẻ liên tục được nâng cao khi phát huy tối đa được tố chất khỏe mạnh, dẻo dai và nhất là sự lì đòn hiếm có của mình.Tháng 7/2005, ngay trong lần đầu tiên dự tranh một cuộc đấu, đội tuyển boxing Lào Cai với 6 võ sĩ đã gây chấn động Cúp CLB toàn quốc khi lập tức giành được 1 HCV, 2 HCĐ, xếp thứ 3 toàn đoàn. Ngay sau đó, 3 võ sĩ được triệu tập vào đội tuyển trẻ quốc gia. Chính chiến tích ngoạn mục ấy đã tạo ra bước đột phá giúp họ được nhìn nhận, chăm lo tốt hơn từ ngành thể thao tỉnh, cũng như thuận lợi hơn trong việc tuyển chọn, đào tạo.
Từ ngày đầu non nớt ấy, boxing nữ Lào Cai đã liên tục thành công, không chỉ sớm vươn lên vị trí trong nhóm đầu toàn quốc mà còn sản sinh ra những tay đấm tầm cỡ quốc tế, nổi bật như Hoàng Thị Vân, Vũ Thu Thủy, Lê Hồng Phấn và nhất là Lừu Thị Duyên. Năm 2010, Duyên giành HCB giải trẻ thế giới. Năm 2013, Duyên mang về cho boxing Việt Nam tấm HCV SEA Games đầu tiên. Năm 2014, chị là một trong hai võ sĩ đoạt HCĐ ASIAD lịch sử.
Chưa thoát nghịch cảnh
Qua 12 năm gây dựng, boxing Lào Cai đã trở thành một “lò” hàng đầu quốc gia, với đặc sản chính là những võ sĩ người dân tộc thiểu số có sức vươn đặc biệt. Nói đến boxing Việt Nam, người ta phải nhắc đến những sơn nữ đấm bốc của tỉnh miền núi này.
Tuy nhiên các sơn nữ đấm bốc nơi đây vẫn đang là điển hình cho những nỗi khổ, sự thua thiệt chung của những cô gái trót đam mê và gắn bó với cái nghiệp “giơ mặt hứng đòn”. Khi bắt đầu đội mũ so găng, họ đã phải chấp nhận làm mục tiêu của những cú đấm như trái phá của các thầy hay đồng đội, đến mức hộc máu mồm hay lệch quai hàm để thử khả năng chịu đựng như một quy định bất thành văn. Sau mỗi buổi tập, ai cũng bị toạc mặt rách mắt. Có đến quá nửa đã phải bỏ cuộc giữa chừng, có khi chỉ sau vài tháng hay thậm chí vài tuần. Sau nhiều năm, thi thoảng những võ sĩ kỳ cựu vẫn bàng hoàng và khóc như mưa khi thấy rằng khuôn mặt của mình đã bị biến dạng một cách khủng khiếp.
Các cô gái đấm bốc nơi đây đã chấp nhận hy sinh, vượt khó chịu khổ như thế song chỉ nhận được mức thu nhập bèo bọt đến khó tin, chưa có một chút đặc thù nào. Cỡ tuyển thủ quốc gia trụ cột cũng chỉ nhận 2 triệu đồng/tháng, từ tiền công tập luyện ngày nào tính ngày ấy. Dù đã khác nhiều so với hồi đầu song trang thiết bị dụng cụ, chế độ dinh dưỡng, thuốc men của họ gần như chỉ đảm bảo ở mức tối thiểu, và kém xa mặt bằng chung cả nước.
Cũng chính vì quá nản với nghịch cảnh này nên mới đây võ sĩ số 1 Lừu Thị Duyên đã phải rời núi xuống phố, chia tay Lào Cai về đầu quân cho TP.HCM để có thu nhập cao hơn và cơ hội phát triển tốt hơn.
Quý bạn đọc quan tâm đến hoàn cảnh, muốn chia sẻ và hỗ trợ đội tuyển boxing nữ Lào Cai có thể gửi về:
Tên TK: NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG
Số TK: 8810215002138
tại Agribank Lào Cai - Chi nhánh Kim Tân