Trong một trận đánh trực diện với quân địch tại Quảng Trị tháng 09/1972, người chiến sĩ dũng cảm 22 tuổi Mạnh Thường đã bị thương nặng. Ông bị mẻ xương chày chân phải, đứt dây thần kinh tay trái, mặt và ngực bị tới cả chục viên đạn găm. Nhờ được cứu chữa kịp thời và cả may mắn, ông mới qua cơn hiểm nghèo.
Sau đó 1 năm, ông Thường trở về địa phương để bắt đầu một cuộc chiến mới, khốc liệt và kéo dài, không chỉ với hậu quả nặng nề từ những thương tích đủ loại mà còn cả chuyện mưu sinh nhọc nhằn. Mới 23 tuổi, ông đã phải sống chung với cái lưng gù, đôi chân tập tễnh, những cơn đau nhức mỗi khi trái nắng trở giời. Ông còn bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam. Người thương binh hạng 3/4 ấy còn luôn phải gồng mình gắng sức để cùng với vợ, cũng là bộ đội phục viên, nuôi hai con nhỏ, duy trì cuộc sống gia đình trong tình cảnh thiếu khó đủ đường. Mọi chuyện càng trở nên gian nan khi ông đang công tác tại ngân hàng huyện đã phải xin nghỉ mất sức ở tuổi 33 vì lý do sức khỏe không đảm bảo. Kể từ đó, ông cũng phải làm thêm đủ thứ việc, từ làm hàng mã, bán hàng vặt, trông xe thuê để có thêm đồng nào hay đồng ấy, bù đắp vào khoản lương ít ỏi.
Nghịch cảnh và gánh nặng tưởng như quá sức chịu đựng ấy đã không thể đánh gục người cựu chiến binh, mà ngược lại càng khiến ông trở nên mạnh mẽ, nhất là khi tìm thấy một chỗ dựa vững chắc cho sức khỏe, niềm vui sống: bóng bàn.
Năm 1999, khi mà phong trào thể thao người khuyết tật bắt đầu nở rộ cũng đã khơi dậy niềm đam mê bóng bàn ngày nào của ông. Ông Thường quyết định mua một bàn bóng cũ kèm theo một cuốn sách kỹ thuật chơi bóng để về nhà tự tập luyện, cùng với một số người bạn hàng xóm. Thời gian đầu, việc tập luyện khi ngồi trên xe lăn vô cùng khổ sở . Không biết bao nhiều lần, vì cố gắng theo một phaông đã văng khỏi chiếc xe ngã xuống đất đau điếng. Vợ con ông đều ngăn cản ông chơi bóng bởi nguy hiểm quá. Thế nhưng, ông vẫn tranh thủ mọi lúc có thể để luyện cách ngồi, cách di chuyển và chơi bóng cho bằng được mới thôi.
Năm 2003, nghe tin ngành thể thao tổ chức một giải tuyển chọn lực lượng cho Đại hội thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) trên sân nhà, ông Thường rất muốn được thi đấu song không được bởi tỉnh Hà Tây (khi đó chưa sáp nhập về Hà Nội) không tham dự môn nào . Ông lại lặn lội ra tận Hà Nội để xin Ban Tổ chức cho được dự tranh với tư cách VĐV tự do. Cũng phải rất khó khăn, ông mới xin được tập nhờ với đội bóng bàn Hà Nội vài ngày trước giải. Cuối cùng, tay vợt thương binh đã gây bất ngờ lớn khi giành 1 HCB, 2 HCĐ để bay thẳng vào đội tuyển bóng bàn Việt Nam. Càng ngoạn mục hơn bởi tại ASEAN Para Games, ông đã đoạt ngay 1 HCV, 1 HCĐ. Sau chiến tích xuất sắc đó, ông Thường cũng chính thức gia nhập đội bóng bàn Hà Nội. Trong suốt 10 năm, ngày nắng cũng như ngày mưa, tay vợt thương binh cũng phải di chuyển trên một quãng đường đi về gần 100 cây số từ Sơn Tây ra NTĐ Trịnh Hoài Đức luyện tập. Quyết tâm và nỗ lực phi thường của ông đã được đền đáp xứng đáng khi liên tục giữ vững vị trí tay vợt hay nhất ở nội dung của mình, với một bộ sưu tập “khủng” gồm 60 huy chương các loại. Trong đó, ông đã dự 3 kỳ ASEAN Para Games, và giành 10 huy chương.
Ba năm trở lại đây, việc tập luyện của ông Thường mới có phần thuận lợi khi bộ môn bóng bàn khuyết tật Hà Nội thiết lập một nhóm riêng ngay tại Sơn Tây, gần nhà ông. Nhờ thế, ông Thường không còn phải vượt 100 cây số mỗi ngày, có thể tập đều đặn 2 buổi mỗi ngày. Bóng bàn đã thực sự giúp ông sống vui, sống khỏe, sống có ích. Ông Thường luôn tự hào và mãn nguyện vì mình là một nhà vô địch ASEAN Para Games, vì mình đã chứng tỏ được khả năng, sức vươn không giới hạn của một con người “tàn nhưng không phế”.
Tuy nhiên, cuộc sống của người thương binh 56 tuổi giờ hãy còn đầy gian khó. Ngoài những căn bệnh của tuổi già, thương tích của chiến tranh, ông cùng vợ đang sống trong căn nhà chật hẹp, cũ kỹ được xây dựng từ thập kỷ 1970 mà sau mỗi trận mưa bão lại lung lay, xơ xác và dột nước. Mức tiền công, lương thương binh, mất sức của ông và ông cộng lại chỉ 5 triệu mỗi tháng, trong khi vẫn đang phải chăm nuôi cho người con trai ốm yếu, do phải gánh di chứng từ người cha thương binh.
Thật khó tin ước mơ của nhà vô địch ASEAN Para Games Nguyễn Mạnh Thường chỉ đơn giản là có một ít tiền dư để lần đầu tiên có thể sửa căn nhà không còn bị dột.
Mời các bạn cùng đón xem những hình ảnh về cuộc sống, luyện tập của chú Nguyễn Mạnh Thường phát sóng trên kênh Thể Thao Tin Tức HD lúc 23h15 hôm nay (23/09)
Chương trình đã gửi tặng 5.000.000 đồng để chia sẻ một phần khó khăn với chú Thường, Quý bạn đọc quan tâm muốn chia sẻ và giúp đỡ vui lòng gửi về:
Tên TK: Nguyễn Mạnh Thường
Số TK: 19027804571015
Ngân hàng Techcombank – chi nhánh Đông Đô