Võ sư mù Nguyễn Kim Hoàng & những lớp học võ miễn phí đặc biệt

thứ ba 10-5-2016 23:17:19 +07:00 0 bình luận
Đôi mắt bị mù hoàn toàn, suy thận nặng do biến chứng của căn bệnh nan y Lupus ban đỏ, mỗi tuần phải đi lọc máu 3 lần thế nhưng võ sư mù đang đối mặt với tử thần ấy vẫn miệt mài dạy võ miễn phí cho những người mắt sáng.

Sinh năm 1978, thuộc lứa võ sinh đầu tiên tại Hà Nội khi pencak silat du nhập vào Việt Nam, Nguyễn Kim Hoàng từng có một hành trình thăng hoa với nghiệp võ cùng cuộc sống hạnh phúc. Anh từng có mặt trong thành phần ĐTQG dự tranh SEA Games 1995. Anh từng là một kỹ sư điện tử kiêm ông thầy võ trẻ nổi danh khắp đất Hà Thành, lúc cao điểm thu hút tới 200 môn sinh. Cũng chính nhờ nghiệp võ, anh đã tìm thấy tình yêu và nên duyên với võ sĩ karatedo Tố Lan rồi cùng nhau xây đắp nên một tổ ấm đầy ắp niềm vui, với một cô con gái xinh tươi.

Thế nhưng, như một định mệnh, bi kịch cuộc đời bất ngờ ập đến với anh cách đây 6 năm khi anh phát hiện bị chứng bệnh lạ Lupus ban đỏ. Dù đã chạy chữa khắp nơi song căn bệnh ngày càng nặng, với biến chứng kinh hoàng là suy thận nặng, đôi mắt anh trở nên mù lòa. Chỉ trong đúng 6 tháng, từ một võ sư hoàn toàn khỏe mạnh, đang tràn đầy sức sống với đầy ắp những hoài bão, anh phải đối mặt với tình trạng tuyệt vọng. Thậm chí, theo các bác sĩ, nhiều nhất, Hoàng cũng chỉ có thể kéo dài cuộc sống được 1 năm. Và thực sự, có lúc anh đã muốn tìm đến cái chết, nhất là trong khoảng thời gian 3 tháng cả ngày một mình đối diện với bóng tối, với những cơn đau, mất ngủ triền miên, không còn cảm giác gì về không gian, thời gian, vị giác... 

Rất may, chính nghị lực thép của một võ sư, cùng niềm tin yêu và mong đợi của gia đình, các em học trò ở lớp võ đã giúp người thầy mù vượt qua được ranh giới mong manh giữa cái sống và cái chết ấy. Kim Hoàng đã không bất lực trước nghịch cảnh, quyết tâm đứng dậy, hướng về phía ánh sáng, với một quyết định mà có thể với nhiều người là vô cùng kỳ quặc: Mở lớp dạy võ. 

 Được các đồng môn, học trò ra sức giúp đỡ từ việc thuê địa điểm, may đồng phục đến chiêu sinh, ngày 19/3/2010, anh chính thức trở lại lớp võ với 7 võ sinh đều là sinh viên đại học và học sinh cũ. Thời gian đầu, mọi việc đều hết sức khó khăn, và bản thân Hoàng cũng không biết phải truyền dạy như thế nào. Công việc dạy võ đối với người sáng mắt vốn đã vất vả thì nay đối với người mù như anh lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, với kinh nghiệm của một võ sư đẳng cấp cùng sự thông minh của một kỹ sư điện tử, anh đã tìm ra phương pháp phù hợp, hiệu quả. Trong đó, Hoàng đã kết hợp tốt những bài giảng lý thuyết, khả năng thị phạm trực tiếp của bản thân với việc sử dụng trợ giảng là các học viên xuất sắc. Giới trẻ tìm đến lớp học của thầy Hoàng ngày càng đông, một phần vì đam mê, một phần vì khâm phục người thầy và quan trọng nhất họ tìm được ở đó một nguồn cảm hứng và cái đạo.

Về sau, nghiệp làm thầy của Hoàng càng gặp thử thách khi mà di chứng để lại không chỉ là đôi mắt. Tay của anh - với vô vàn mũi kim chích vào khi chạy thận cũng có nguy cơ bị vỡ mạch máu. Việc chỉ dạy, thị phạm cho các học trò trở nên vô cùng khó khăn. Dù vậy, với tình yêu và sự tận tâm, anh vẫn luôn cố gắng thực hiện bất chấp động tác đó có chậm chạp hay không đủ tinh tế. 

 Như lời tâm sự của Hoàng, chính việc dạy võ không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy phong trào, truyền lửa đam mê cho giới trẻ, mà còn giúp anh giữ được niềm tin và nghị lực để chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo. Dù sức khỏe ngày một yếu đi,   song người thầy mù vẫn tự đến lớp trên các tuyến xe bus công cộng. Hiện tại, anh đang giảng dạy 3 lớp pencak silat và võ cổ truyền, đều miễn phí hoàn toàn, ở Công viên Bách Thảo, Trường THPT Trương Định và Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Hành trình vượt lên số phận của Hoàng vẫn đang giống như cuộc chiến nguy nan hàng ngày, với 3 lần phải đi lọc máu mỗi tuần, cùng cơ thể ngày càng bị tàn phá, và chính anh cũng chưa biết được có thể tới đâu. Tuy nhiên, võ sư mù vẫn luôn lạc quan, mạnh mẽ. Dường như anh đã quên nỗi đau của bản thân mình, chính xác hơn quên chính mình, thay vào đó luôn nghĩ đến gia đình nơi có người vợ vất vả, cô con gái còn quá nhỏ, người cha già thương binh, cùng những học trò đang chờ mình ở các lớp học.

Hoàng không sợ chết, trái lại anh sẵn sàng đối mặt với nó. Võ sư mù chỉ mong mình sẽ tiếp tục chiến đấu và chiến thắng tật bệnh hiểm nghèo lâu dài để mở thêm nhiều lớp học võ, và vẫn mơ một ngày mình có thể sửa lại căn nhà cũ 10m2 trên phố Đội Cấn của mình. Ngôi nhà được xây bằng lớp gạch vồ do chính tay anh đóng khi còn là một cậu bé học phổ thông, mà khi còn khỏe, còn sáng mắt vì quá mải mê với công việc, với nghiệp võ anh đã chưa thể sửa lại.

Không biết liệu Hoàng có thể thực hiện những mong ước của mình?

Ý chí phi thường cùng những việc làm lặng lẽ của anh đã được ghi nhận bằng giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2015, và hơn cả đó là một tấm gương, một nguồn cảm hứng đặc biệt không chỉ cho các trường hợp cùng cảnh ngộ mà còn cả những người sáng mắt.  

Mời các bạn đón xem câu chuyện đời thực của võ sư mù Nguyễn Kim Hoàng trên chương trình Giấc mơ thể thao tại video dưới đây:


Mã nhúng

Link ảnh đại diện

Chương trình đã gửi ủng hộ 5.000.000 VNĐ đến võ sư mù Nguyễn Kim Hoàng và cũng mong các bạn- những người yêu thể thao cùng đồng hành, chung tay, giúp đỡ để thắp sáng ước mơ và đam mê của người thầy ấy. 

Mọi đóng góp xin gửi về:

Tên TK: Nguyễn Kim Hoàng

TK :1200209388266

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm