Trọng tài chính phải lao xuống sân… lau sàn
Một tình huống vô cùng hài hước đã diễn ra ngay vòng 1, trong trận đấu giữa nhà vô địch đôi nam Wimbledon trẻ Lý Hoàng Nam và James Duckworth vào tối ngày 13/10. Tay vợt người Australia bị trượt ngã trong một pha cứu bóng và anh yêu cầu những cậu bé nhặt bóng lau khô nơi mình vừa ngã. Thế nhưng họ không hiểu tiếng Anh nên ngơ ngác không biết Duckworth muốn điều gì.
Rất bất ngờ, ông trọng tài chính đang ngồi trên ghế điều hành đã lao xuống sân giật cái khăn trong tay cậu bé nhặt bóng để lau khô sân thi đấu. Sau pha “cứu thua” bất đắc dĩ đó, ông quay lên tỏ thái độ không hài lòng với BTC giải. Còn về phần mình, tay vợt người Australia chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Anh không thể hình dung nổi mình lại đang phải thi đấu ở một giải đấu thuộc hệ thống ATP mà lại thiếu chuyên nghiệp đến vậy.
Chưa dừng lại ở đó, khi mọi người đang chăm chú theo dõi và cổ vũ cho Hoàng Nam tranh tài với Duckworth dưới sân, một chú mèo bất ngờ chạy vào sân ngay ngoài khu vực ghế dành cho 2 VĐV nghỉ ngơi. Tất cả mọi người có mặt tại NTĐ Lan Anh lúc đấy đều có một trận cười khoái chí từ một vị khách không mời mà tới.
Nụ cười như mếu của Hoàng Nam
“Trong trận đấu này, có thể các khán giải đều nhìn thấy em cười sau mỗi pha cứu bóng thành công. Thật sự, không phải em cười vì mình cứu được bóng, em cười vì cứ sau mỗi tình huống như vậy NHM lại ồ lên. Có lẽ, NHM nghĩ rằng em sẽ không theo kịp những tình huống như thế.
Tuy nhiên, với khả năng của mình em hoàn toàn có thể cứu được những quả bóng như vậy. Và em cười khi NHM cứ ồ lên, bởi những hành động như vậy của NHM là không được cho phép khi trận đấu đang diễn ra. Có lẽ vì NHM Việt Nam ít được xem những giải đấu chuyên nghiệp như ATP nên đã không biết luật…”, Hoàng Nam giải thích về nụ cười như mếu của mình trong suốt màn tỷ thí với Duckworth.
Cũng không chỉ Hoàng Nam, các tay vợt dự giải đều phải chịu đựng tình cảnh khán giả tự do đi lại, nghe điện thoại, tạo nên sự huyên náo, ầm ĩ vốn luôn cấm kị tại các giải đấu tennis. Họ đều than trời vì không thể tập trung tối đa cho việc thi đấu trên sân.
Sau 10 năm, một giải đấu thuộc hệ thống ATP Challenger mới quay lại Việt Nam. Liên đoàn tennis Việt Nam đã phải tốn rất nhiều tâm sức, tiền bạc. Thế nhưng khó có thể nói giải đấu quốc tế rất được chờ đợi này đã và đang thành công với cách thức chuẩn bị, tổ chức còn nghiệp dư về nhiều mặt của nước chủ nhà.
Rất đáng tiếc và đáng trách, đây là một giải chuyên nghiệp tầm cỡ quy tụ nhiều tay vợt nằm trong Top 100 thế giới, có đầu tư tiền tỷ song công tác tổ chức lại hệt như một giải đấu quốc nội của tennis Việt Nam vẫn bị coi như sân chơi “ao làng”.
Thái Hải
“Việt Nam tổ chức giải đấu thuộc ATP Challenger cũng tốt mà để đưa được nó về và lo đủ kinh phí tiền tỷ cũng đã là cả một nỗ lực lớn. Tuy nhiên, theo tôi sẽ phù hợp, thiết thực hơn nhiều nếu như chúng ta còn có kèm theo một vài giải Men’s Future. Hay thậm chí, thay vì ATP Challenger, chúng ta làm khoảng 3 giải Men’s Future với cùng khoản kinh phí ấy. Việc các tay vợt chủ nhà đều bị loại ngay từ vòng đầu, sự nghiệp dư trong mảng điều hành, phục vụ ở giải lần này càng minh chứng rõ điều ấy”
Trưởng bộ môn Quần vợt Tổng cục TDTT Đoàn Quốc Cường
“Tôi biết rằng nhiều người, ngay trong giới chuyên môn đều cho rằng Việt Nam chỉ nên đăng cai các giải Men’s Future chứ không nên làm ATP Challenger. Thế nhưng cá nhân tôi cho rằng Men’s Future chỉ là một cái ao và chúng ta đã nhiều lần tổ chức, đâu có mang lại hiệu quả gì? ATP Challenger mới là biển lớn, nơi tennis Việt Nam có cơ hội học hỏi, nâng tầm. Tất nhiên còn có rất nhiều điều phải rút kinh nghiệm từ lần đầu tổ chức, song tôi tin chắc rằng từ giải lần sau sẽ hoàn toàn khác”.
PCT kiêm TTK Liên đoàn tennis Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ