“Bệnh hôn” vẫn ám ảnh quần vợt thế giới

thứ tư 12-8-2015 15:11:08 +07:00 0 bình luận
Petra Kvitova là tay vợt mới nhất được chẩn đoán mắc “bệnh hôn”, căn bệnh đã hủy hoại không ít những ngôi sao của làng banh nỉ.

Trên trang Twitter chính thức của Hiệp hội quần vợt nhà nghề nữ WTA đưa ra thông báo đầy lo lắng: “Petra Kvitova cho biết cô ấy được chẩn đoán mắc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân sau khi Wimbledon kết thúc. Bác sĩ vẫn cho phép Petra thi đấu và sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng.” Vậy là nhà vô địch Wimbledon 2014 có thể đã tìm ra câu trả lời vì sao cô hay suy giảm thể lực trong mùa giải này và không thể bảo vệ được Grand Slam trên mặt sân cỏ tại London.

abc

Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân lây lan qua đường nước bọt nên vẫn được gọi là “bệnh hôn”, khiến cơ thể người bệnh có biểu hiện sốt, đau họng, viêm hạch. Hay nói một cách dễ hiểu là không còn một chút sức lực nào để làm những công việc nặng, chứ đừng nói tới việc tập luyện thể thao. Kvitova không phải là tay vợt duy nhất mắc “bệnh hôn”. Danh sách những tay vợt mắc căn bệnh này ngày một kéo dài, có cả Roger Federer, Andy Murray, John Isner, hay những cựu tay vợt như Andy Roddick, Mario Ancic.

Lý giải vì sao nhiều tay vợt lại cùng mắc một loại “bệnh hôn” như vậy, một số huấn luyện viên không hề ngạc nhiên. Đơn giản vì không như những môn thể thao khác, các tay vợt phải liên tục di chuyển gần như cả năm và điều đó khiến họ dễ mắc bệnh hơn. Hơn nữa, việc tập luyện và thi đấu với cường độ cao trong nhiều ngày làm cơ thể các tay vợt dễ bị nhiễm “bệnh hôn” hơn.

dd

Tất nhiên “bệnh hôn” cũng có nhiều biến thể, có nặng có nhẹ. Federer thi thoảng gặp vấn đề về sức khỏe vì căn bệnh này nhưng ở thể nhẹ và tay vợt người Thụy Sĩ cũng có đội ngũ chăm sóc y tế sát sao để tránh ảnh hưởng tới thể lực. Murray cũng từng bị căn bệnh này nhưng đó là vào năm 2009, còn sau đó tay vợt người Scotland không còn mắc lại. Nhưng không may mắn như Federer hay Murray, Mario Ancic đã phải giải nghệ năm 26 tuổi vì không thể chống chọi với “bệnh hôn”. Tay vợt sinh năm 1984 từng vươn lên số 7 thế giới khi mới 21 tuổi và được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những cái tên hàng đầu thế giới, nhưng tất cả đã chấm hết.

Một tay vợt cũng phải dở dang sự nghiệp là Robin Soderling, người đầu tiên đánh bại “Vua đất nện” Rafael Nadal tại Roland Garros. Sau khi giành vị trí á quân Roland Garros 2009 và 2010, Soderling bất ngờ rời xa sân đấu và sau này tay vợt người Thụy Điển mới phát hiện ra “bệnh hôn” là nguyên nhân khiến anh không có đủ sức để cầm vợt thi đấu. Cho đến bây giờ, Soderling vẫn đang nỗ lực trở lại thi đấu nhưng bất thành.

Làm sao để phòng tránh căn bệnh này? Cho đến giờ thì ngay chính các bác sĩ cũng chưa tìm được phương pháp nào để ngăn chặn “bệnh hôn”. Và với những nụ hôn xã giao giữa mọi người với nhau, sẽ còn nhiều tay vợt khác có thể mắc căn bệnh này.

LY NA

Tăng bạch cầu đơn nhân do các loại virut như Epstain – Barr (EBV), virut herpes gamma nhóm 4 ở người. Về mặt tổ chức học có liên quan đến những virut herpes khác, nhưng khác biệt về phản ứng huyết thanh. Những virut này xâm nhập vào cơ thể và làm biến đổi tế bào lympho B. Bệnh cũng liên quan đến cơ chế bệnh lý của ung thư hạch bạch huyết, ung thư vòm họng và một số trường hợp ung thư dạ dày.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm