Nếu như niềm tự hào của quần vợt nam Vương quốc Anh Andy Murray không được đánh giá cao ở tâm lý thi đấu thì đó lại được coi là vũ khí mạnh nhất của tay vợt nữ số 1 xứ sở sương mù Johanna Konta.
Sau khi đi vào lịch sử quần vợt nữ Vương quốc Anh với việc trở thành tay vợt đầu tiên vô địch Miami Open, Johanna Konta tiếp tục đạt được cột mốc quan trọng khác trong sự nghiệp khi lần đầu vươn lên hạng 7 thế giới tuần này.
Trên bảng xếp hạng Road to Singapore (để tham dự WTA Finals), Konta đang xếp thứ 2 và dù mùa giải còn rất dài nhưng chiến thắng tại Miami cho thấy tay vợt 25 tuổi đã trưởng thành hơn nhiều và sẵn sàng nâng đẳng cấp của mình lên 1 bậc nữa.
Sau trận thắng trước cựu số 1 Caroline Wozniacki ở chung kết, Konta đã nhận được lời khen từ huyền thoại Martina Navratilova: “Tôi thích sự điềm tĩnh của Johanna, cố ấy có tâm lý rất vững. Rất ít tay vợt có thể khiến Caroline vất vả đến vậy. Cô ấy khiến tôi nhớ đến Serena, Muguruza hay Sharapova”.
Bản lĩnh mà Konta có được ghi dấu ấn đậm nét của huấn luyện viên (HLV) tâm lý Juan Coto, người giúp cô trở nên bình tĩnh hơn, thay vì chỉ chực la hét để che giấu sự lo lắng.
Cái chết bất ngờ của Coto cuối năm ngoái đã tác động mạnh mới tâm lý Konta, nhưng tay vợt sinh ra tại Sydney đã không khiến người thầy của mình phải thất vọng với sự điềm tĩnh mà cô đã được rèn giũa.
"Khi bắt đầu làm việc với Johanna, tôi không thấy sự ổn định ở cô ấy", chuyên gia tâm lý Coto trong một lần phỏng vấn tại Australian Open năm ngoái cho biết: "Tâm lý đóng vai trò rất quan trọng trong quần vợt, nó ảnh hưởng tới hơn 70% kết quả thi đấu".
Hàng tuần, Konta thường dành khoảng 2 tiếng tham gia những buổi học của Coto nhằm đối phó với áp lực và tăng sự tự tin: "Thay vì nghĩ 'tôi không muốn mắc sai lầm, điều gì sẽ xảy ra nếu tôi thua?', bạn cần tìm những điều tích cực hơn".
"Ở trên sân, tôi hướng dẫn cô ấy cách thư giãn bằng nhiều cách khác nhau như bài tập thở, tưởng tượng, hướng suy nghĩ về điều tích cực mỗi khi chuẩn bị giao bóng hay thì thầm trong đầu 'tiếp tục chiến đâu', 'mình sẽ làm được' hay 'điểm số này cũng giống mọi điểm khác".
"Bạn học cách tập trung những thứ có thể kiểm soát. Quan trọng không phải là thắng hay thua hay thứ hạng, mà là nỗ lực và thái độ của bản thân", Coto chia sẻ: "Khi đó, bạn sẽ giảm bớt áp lực từ những thứ không thể kiểm soát. Đó là quá trình dài, bạn cần có niềm tin thực sự vào phương pháp đó".
Ở Coto, Konta học được tính kỷ luật, cách chuẩn bị trước mỗi trận đấu, cách biến những cuộc họp báo thành nơi để cải thiện sự tự tin và quan trong hơn, nhờ vị HLV người Tây Ban Nha, Konta đã thực sự tin vào tài năng của chính mình.
Tâm lý thi đấu của Konta tiếp tục được cải thiện kể từ khi cô bắt đầu hợp tác với HLV Wim Fisette, người từng hỗ trợ cho Kim Clijsters, Simona Halep và Victoria Azarenka.
“Hãy cứ vui vẻ đi” là lời khuyên của Fisette dành cho Konta sau khi set 1 căng thẳng của trận chung kết Miami khép lại. Cô mỉm cười, trở lại sân đấu và bẻ 3 game giao bóng của đối thủ trước khi thắng chung cuộc 6-4, 6-3.
Hai năm trước, khi lần đầu kết thúc mùa giải trong Top 50 thế giới, Konta từng nói rằng: “Thật thú vị khi có nhiều đồng nghiệp biết tới bạn hơn, bạn bắt đầu cảm thấy bị săn đuổi chức không còn là kẻ săn đuổi. Tôi chẳng e ngại điều đó”.
Video Konta đánh bại Wozniacki ở chung kết Miami Open:
Ở trận chung kết vừa qua, không phải lúc nào Konta cũng tỏ ra vững vàng. Trong set 2, cô đã bỏ lỡ một vài cú volley ngon ăn, gặp khó khăn ở cú giao bóng và phung phí tới 3 break point trước khi vươn lên dẫn 4-3.
Tuy nhiên, tình huống Konta kéo Wozniacki lên lưới bằng cú bỏ nhỏ rồi thực hiện pha lốp bóng về cuối sân ghi điểm quyết định sau đó lại cho thấy sự lạnh lùng và quyết đoán đến từ tay vợt Vương quốc Anh.
Đó chính là điều khiến các đối thủ lo ngại về Konta khi cô có có thể trở lại bất cứ lúc này với sự quyết tâm luôn rực cháy, chứ không vì một vài pha bóng mà đánh mất tâm lý. Không ít lần Wozniacki nhen nhóm cơ hội giành lại thế trận, song đều bị sự tập trung của Konta dập tắt.
Đã qua rồi cái thời sự căng thẳng, bất ổn trong nội tâm của Konta từng là rào cản lớn trong khoảng thời gian cô bắt đầu lên chơi chuyên nghiệp năm 2008 cho đến khi kết thúc mùa giải 2014 ở vị trí 150 thế giới.
Với người Anh, có lẽ họ đang hy vọng Laura Robson và Heather Watson, những tài năng trẻ từng rất được kỳ vọng nhưng sự nghiệp đang đang có dấu hiệu chững lại, sẽ học hỏi được phần nào từ thành công của Konta.
Nhìn ở khía cạnh nào đó, Konta cũng có lợi thế hơn Robson và Watson khi cô không nhận được sự quan tâm đặc biệt từ truyền thông Anh từ lúc còn trẻ dù vẫn biết đó không phải là yếu tố quan trọng nhất mang đến thành công cho Konta.
“Jo đang đi đúng hướng. Cô ấy chứng tỏ sự nỗ lực và chăm chỉ sẽ được đền đáp xứng đáng”, Navratilova nói: “Ở thời điểm này, cô ấy có thể đánh bại bất cứ tay vợt nào”.
Johanna Konta sinh ra tại Australia, có cha mẹ là người Hungary nhưng lại mang quốc tịch Anh. Tay vợt có tới 3 cuốn hộ chiếu này thực sự nổi lên từ sau Australian Open 2016, nơi cô vào đến bán kết.