Giữa lúc dự định kiện chính quyền Úc, Djokovic bị làng tennis đồng loạt ép phải tiêm chủng

Tiểu Phàm
thứ năm 20-1-2022 12:22:12 +07:00 0 bình luận
Nếu Novak Djokovic vẫn không tiêm chủng thì trong thời gian tới, tay vợt nam số 1 thế giới sẽ gặp nhiều phiền phức và thiệt thòi.

Novak Djokovic đang cân nhắc kiện chính quyền Úc đòi bồi thường 6 triệu USD do bị "đối xử tệ", tương đương 136 tỷ đồng. Theo tiết lộ từ tờ Sun, số tiền này còn bao gồm cả các khoản thưởng mà Djokovic có thể nhận được nếu lập kỷ lục vô địch Australian Open lần thứ 10.

Djokovic cảm thấy bị chính quyền Úc "đối xử tệ".

Song song đó, Liên đoàn quần vợt Úc vừa bác bỏ thông tin cho rằng tổ chức này thanh toán giúp mọi chi phí kiện tụng cho tay vợt tennis nam số 1 thế giới trong thời gian ở xứ chuột túi, ước tính 500.000 USD, tương đương gần 12 tỷ đồng.

Chưa rõ Djokovic có thật sự kiện chính quyền Úc và không biết thắng thua thế nào, song rõ ràng hiện nay, lão tướng Serbia đang bị cả làng tennis gây sức ép buộc phải tiêm chủng để thi đấu.

Không tiêm chủng, Djokovic chắc chắn không được dự Grand Slam sân đất nện.

Đơn cử như ATP: tổ chức này vừa yêu cầu mọi tay vợt thu xếp nhanh chóng để được tiêm chủng ngay từ tuần sau mới có cơ hội dự Roland Garros 2022 diễn ra từ 23/5-5/6, bao gồm cả Djokovic. Bởi lẽ, luật mới của Pháp về COVID-19 không thừa nhận mọi quyền miễn trừ y tế.

Rắc rối chờ đón Djokovic chưa dừng lại ở đó: anh có nguy cơ không được vào phòng thay đồ ở mọi giải đấu sắp tới, một khi ATP thông qua luật mới về phòng chống COVID-19 nhằm ngăn ngừa những tay vợt chưa tiêm chủng dùng chung cơ sở vật chất ở các giải đấu. 

Dĩ nhiên ATP vẫn cho phép những tay vợt chưa tiêm chủng như Djokovic được tham dự các Tour nếu có xét nghiệm âm tính với COVId-19, nhưng rõ ràng họ sẽ khó đạt thành tích tốt khi không được dùng phòng thay đồ, phòng gym, nhà hàng, quán cafe như mọi đồng nghiệp khác. Bên cạnh đó, những tay vợt chưa tiêm chủng không được đưa người thân đến sân xem họ thi đấu. 

Yêu cầu của ATP rõ ràng muốn ép các tay vợt ngoan cố như Djokovic phải tiêm chủng. Nhưng theo cựu số 1 thế giới nữ Victoria Azarenka - hiện là thành viên của Hội đồng vận động viên WTA, tốt nhất là áp dụng luật "không tiêm, không đấu".

Victoria Azarenka muốn mọi tay vợt dự giải đều bình đẳng trong việc tiêm chủng.

Trước áp lực tiêm chủng kiểu "thập diện mai phục" mà Djokovic đang đối mặt, Ivan Loncarevic - CEO của QuantBioRes ở Đan Mạch vừa lên tiếng giải cứu anh bằng tiết lộ tay vợt này đã đầu tư để nắm 80% cổ phần công ty dược này nhằm phát triển giải pháp điều trị COVID-19 không cần tiêm vaccine.

Từ chối cung cấp cụ thể số tiền đầu tư của lão tướng Serbia vào tháng 6/2020, Ivan Loncarevic chỉ cho biết Djokovic nắm 40,8% cổ phần và vợ anh, Jelena giữ 39,2% cổ phần. Đồng thời, Ivan Loncarevic thừa nhận công ty này chỉ nghiên cứu phương pháp điều trị COVID-19 chứ không phải vaccine. 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm