Cú sốc doping của “Búp bê”
Maria Sharapova tổ chức cuộc họp báo bất thường tại Los Angeles hóa ra không phải thông báo quyết định giải nghệ như những tin đồn. Người bi quan thì nghĩ có lẽ Masha tạm thời chia tay quần vợt vì chấn thương, hoặc có thể cô ấy mắc một căn bệnh bí hiểm.
Người lạc quan thì dự đoán có thể “Búp bê người Nga” thông báo đính hôn với anh chàng nào đó hoặc tung ra một dòng kẹo mới. Nhưng tất cả là một cú sốc hơn nhiều.
“Tôi muốn nói với các bạn vài ngày trước tôi nhận được thông báo từ Liên đoàn quần vợt thế giới thông báo tôi đã dương tính với chất cấm tại Australian Open. Tôi không vượt qua cuộc kiểm tra doping và tôi chịu trách nhiệm về tất cả,” Sharapova nói với giọng run run.
Giống như một quả bom đến giờ phát nổ, tất cả các mặt báo số ra đúng ngày Quốc tế Phụ nữ không dành những lời ca tụng phái đẹp, mà dành để nói về hình ảnh sụp đổ của một trong những cô gái được ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Xinh đẹp, tài năng, giàu có, Sharapova có tất cả. Nhưng phút chốc tất cả đã vỡ vụn chỉ sau một chữ “doping”.
Đó là thảm họa, giống như khi Sharapova phát biểu “ghê tởm” trò gian lận sử dụng doping của Lance Armstrong, cua-rơ từng là huyền thoại trước khi bị lật tẩy quá khứ đen tối trong sự nghiệp. Vô tình hay hữu ý, sự nghiệp của Sharapova đang đứng trước vực thẳm khi dương tính với chất cấm.
Thuyết âm mưu “Sugar-doping”
Khuôn mặt đáng thương trong bộ đồ đen của Sharapova sẽ ám ảnh nhiều fan của “Búp bê người Nga”. Nó chẳng khác gì bộ đồ tang tóc người ta vẫn thường vận vào người khi bày tỏ sự thương tiếc vô hạn cho một ai đó đã ra đi. Ê kíp của Sharapova chắc chắn đã chuẩn bị rất kỹ cho sự kiện đau buồn này. Khuôn mặt trang điểm nhẹ nhàng không che giấu nổi sự bơ phờ mệt mỏi, và gương mặt xinh đẹp của người đàn bà càng u uất trong bộ đồ đen.
Đáng thương cho Masha, nhưng như chính cô đã nói: “Tôi biết hậu quả của điều này và chấp nhận hậu quả. Tôi chỉ không muốn kết thúc sự nghiệp theo cách này và chờ đợi một cơ hội khác.” Án phạt cho việc sử dụng chất cấm, nặng là 4 năm, nhẹ là 2 năm, hoặc chiếu cố 1 năm cho những trường hợp vô tình. Như chuyện tay vợt Richard Gasquet lỡ dính ma túy vì… hôn một cô gái ở quán bar.
Nhưng Sharapova đã sử dụng chất cấm có tên “Meldonium” trong cả chục năm sự nghiệp, chứ không phải vô tình. Đơn giản vì trước tháng 1/2016, Cơ quan chống doping thế giới WADA chưa đưa “Meldonium” vào danh sách chất cấm. Nhưng khi nhận thấy loại thuốc có tác dụng giúp tăng cường lưu thông oxy đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, đang được vô số VĐV các môn thể thao sử dụng bí mật, WADA đã đưa vào danh sách chất cấm. Và có lẽ vài ngày ngắn ngủi đầu năm 2016, Sharapova đã không kịp “tẩy” hết những gì “Meldonium” còn sót lại trong mẫu thử.
Đáng thương cho Masha, vì một tay vợt hàng đầu với đội ngũ y tế cao cấp lại “không biết” việc “Búp bê người Nga” vẫn sử dụng chất cấm và thi đấu. Sharapova hiểu rõ hậu quả của việc dương tính với chất cấm. Những hợp đồng tài trợ có thể tan biến trong chốc lát, giống như hãng đồ thể thao Nike đã đưa ra tuyên bố tạm ngưng hợp tác với Masha. Thậm chí với việc liên quan đến doping, Sharapova hoàn toàn có thể phải đền bù những khoản tiền khồng lồ vì ảnh hưởng khổng tốt đến các nhãn hiệu, giống như Armstrong vẫn đang đối mặt với những vụ kiện tụng.
Doping trong thể thao chưa bao giờ là câu chuyện mới. Lance Armstrong có thể vẫn là huyền thoại, nếu không bị đồng đội cũ tố cáo sử dụng “doping máu”, scandal được coi là tinh vi nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Và chắc chẳng có VĐV thể thao nào không dùng những loại “thuốc bổ” để tăng cường thể lực theo cách này hay cách khác. Chỉ cần loại thuốc ấy không nằm trong danh mục cấm.
Đáng thương cho Masha, vì không lâu sau khi mỹ nhân của làng banh nỉ tung ra chiến dịch quảng bá cho loại kẹo mang thương hiệu Sugarpova của mình, thì bây giờ những viên thuốc “Sugar-doping” Meldonium đang làm hại Masha.
Meldonium là loại thuốc nâng cao thể trạng cho những người mắc bệnh về tim và tuần hoàn não. Thuốc có tác dụng giúp tăng cường lưu thông oxy đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, ngăn chặn những ảnh hưởng của thiếu máu cục bộ, một bệnh lý mạch máu có thể phá hủy các mô và dẫn tới những nguy hại về tính mạng người bệnh.
Sharapova dùng “Meldonium” từ năm 2006, khi "bác sĩ của gia đình” chỉ định thuốc do Masha bị bệnh cúm triền miên, bên cạnh đó kết quả đo điện tâm đồ bất thường, và được chẩn đoán "thiếu hụt ma-giê" và có dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Sharapova sẽ bị cấm thi đấu bao lâu?
Liên đoàn quần vợt quốc tế tạm thời đình chỉ thi đấu với Sharapova từ 12/03 và sẽ đưa ra án phạt. Nếu xác nhận Masha cố ý dùng chất cấm, án phạt cấm thi đấu có thể tới 4 năm. Nếu là vô tình, án phạt có thể dưới 2 năm.
Trước đó năm 2013, Marin Cilic từng bị cấm thi đấu 18 tháng vì dương tính chất cấm nhưng sau đó được giảm án phạt xuống còn một nửa nhờ được xác nhận không cố tình sử dụng. Sau đó tay vợt người Croatia vô địch US Open 2014.