Từng là niềm hy vọng của quần vợt nữ thế giới song số phận nghiệt ngã khiến sự nghiệp của Lucic-Baronic gần như đã biến mất cho đến khi cô bừng sáng trở lại ở Melbourne tuần qua.
Australian Open vừa qua chứng kiến nhiều cú sốc từ sớm khi những ứng viên vô địch như Andy Murray, Novak Djokovic hay Angelique Kerber bị loại sớm bởi những tay vợt thậm chí còn không được xếp hạng hạt giống như Mischa Zverev, Denis Istomin hay CoCo Vandeweghe.
Tuy nhiên, trong số những tay vợt làm nên bất ngờ, người để lại ấn tượng đậm nét nhất phải là “lão tướng” 34 tuổi Mirjana Lucic-Baroni, tay vợt đã có lúc tưởng như không thể thi đấu đỉnh cao bởi những rắc rối cả ở trong lẫn ngoài sân quần.
Sự nghiệp gián đoạn người bố vũ phu
Gần 2 thập kỷ trước, Lucic-Baroni từng là một trong những tài năng trẻ xuất sắc nhất của quần vợt nữ thế giới. Ở tuổi 14, tay vợt nguời Croatia từng sở hữu 3 chức vô địch Grand Slam trẻ, trong đó có 2 danh hiệu đơn (Australian Open 1997 và US Open 1996) và 1 danh hiệu đôi (Australian Open 1997).
Năm 1998, Lucic-Baroni cùng Martina Hingis tạo nên bất ngờ ở nội dung đôi Australian Open khi đi một mạch đến trận chung kết rồi hạ cặp hạt giống số 1 Lindsay Davenport/Natasha Zvereva để giành chức vô địch. Với danh hiệu này, Lucic-Baroni đã trở thành tay vợt trẻ nhất lịch sử lên ngôi tại Australian Open khi mới 15 tuổi, 10 tháng và 21 ngày.
Thế nhưng giải đấu thực sự làm nên tên tuổi cho Lucic-Baroni là Wimbledon 1999. Tại vòng 3, tay vợt 16 tuổi Lucic-Baronic vượt qua Monica Seles trước khi thua sát nút hạt giống số 2 Steffi Graf ở bán kết. Sau trận đấu, Graf nhận định Lucic-Baroni xuất sắc hơn mình ở cùng độ tuổi trước đây.
Thế nhưng vào lúc tương lai đầy hứa hẹn đang rộng mở trước mắt, sự nghiệp và cả cuộc đời Lucic-Baroni bỗng nhiên lao dốc. Trong lúc những tay vợt đồng trang lứa như Hingis, Venus và Serena Williams đang bắt đầu những bước đầu tiên trở thành huyền thoại, Lucic-Baroni lại đau đầu với những rắc rối trong gia đình mình.
Lucic-Baroni từng có thời gian sống trong sợ hãi khi sống chung mái nhà cùng người bố vũ phu và cũng là HLV của cô Marinko Lucic. Sau khi không thể chịu nổi sự ngược đãi, hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, Lucic-Baroni cùng mẹ và 4 chị em đã chạy khỏi nhà và bay tới Mỹ sinh sống.
Lucic-Baroni miêu tả cuộc sống của cô ở Croatia “không còn an toàn nữa” và tiết lộ cô và mẹ từng có lần bị Marinko đánh đập khi giải đấu vẫn còn đang diễn ra. “Số trận đòn nhiều tới mức khó ai có thể nghĩ tới” là lời Lucic-Baroni từng nói trong một cuộc phỏng vấn.
Chưa hết, Lucic-Baroni cũng buộc tội Marinko và người cháu của ông, Milan Lucic, ăn cắp tiền thưởng mà cô giành được ở các giải đấu. Và dù đã trốn thoát khỏi người cha bạo hành, những dư chấn tâm lý mà Lucic-Baroni phải gánh chịu khiến cô tưởng như đánh mất sự nghiệp sau đó.
Sự trở lại ngoạn mục ở tuổi 34
Một năm sau khi tạo địa chấn ở Wimbledon, Lucic-Baroni văng khỏi Top 100 và gần như nghỉ thi đấu gần 10 năm tiếp theo. Từ năm 2004 đến 2007, Lucic-Baroni chỉ tham dự 6 giải đấu. Đó là khoảng thời gian người ta hiếm khi thấy cô thi đấu chuyên nghiệp thực sự.
Ngoài chuyện gia đình, một trong những lý do chính khiến Lucic-Baroni không thi đấu nhiều là vì khó khăn về kinh tế. Do không đủ kinh phí dự những giải đấu của WTA tour, Lucic-Baroni chủ yếu đánh thi đấu các giải thuộc hệ thống ITF với một phong độ không ổn định khi phải vật lộn với chấn thương.
Năm 2003, Lucic-Baroni còn vướng vào vụ kiện với công ty quản lý cũ của mình – IMG – khi công ty này cáo buộc cô nợ tiền. Tay vợt người Croatia sau đó kiện ngược lại IMG vì khiến thuyết phục cô từ chối một số nhà tài trợ để ký hợp đồng với công ty. 14 năm đã trôi qua và vụ kiện của Lucic-Baroni vẫn chưa được giải quyết.
“Mọi người nghĩ rằng họ biết câu chuyện của tôi nhưng không phải vậy. Một ngày nào đó tôi sẽ trải lòng, chắc chắn là thế, nhưng không phải bây giờ”, Lucic-Baroni chia sẻ.
Lucic-Baroni nhận được suất đặc cách ở một số giải của WTA tour vào năm 2007 nhưng chỉ thực sự bắt đầu thi đấu trở lại năm 2009. Mãi đến năm 2014, Lucic-Baroni mới khiến người hâm mộ nhớ lại mình với chiến thắng trước Simona Halep tại US Open.
“Thật sự rất khó khăn khi phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi đã phải đấu tranh, làm việc vất vả với khát khao thi đấu trở lại. Tôi không để những chuyện cũ hủy hoại mình. Bạn hoặc là chấp nhận thất bại, hoặc phải mạnh mẽ đứng lên và trưởng thành từ những ký ức cũ”, Lucic-Baroni chia sẻ.
Nỗ lực không mệt mỏi cùng ý chí bền bỉ, quyết tâm không lùi bước trong suốt những năm sóng gió cuộc đời đã mang lại thành quả trên cả kỳ vọng cho Lucic-Baroni ở Australian Open vừa qua.
Sau khi đánh bại hạt giống số 3 Agnieszka Radwanska với tỷ số cách biệt 6-3, 6-3, Lucic-Baroni tiếp tục hành trình kỳ diệu của mình ở Melbourne khi quả cảm đánh bại á quân US Open 2016 Karolina Pliskova ở tứ kết với một bên chân băng trắng vì chấn thương.
Lọt vào bán kết một giải Grand Slam ở tuổi 34 sau 18 năm đầy trắc trở, Lucic-Baroni không ngăn nổi những giọt nước mắt sau trận đấu với những cảm xúc không thể diễn tả hết bằng lời: “Tôi không tin đây là sự thực. Chúa thật tốt bụng, đó là tất cả những gì tôi có thể nói”.
Tuy Lucic-Baroni không thể tạo nên bất ngờ trước Serena Williams – nhà vô địch sau đó – nhưng tay vợt người Croatia cũng không có gì phải tiếc nuối bởi hơn ai hết, cô hiểu mình đã chiến thắng chính bản thân.
“Nhìn Mirjana chiến đấu và trở lại là nguồn cảm hứng lớn cho tôi”, Serena nể phục Lucic-Baroni: “Một câu chuyện tuyệt diệu, nó giúp tôi nhận ra bạn luôn cố gắng đi đến tận cùng giấc mơ”.
Sau trận bán kết, Lucic-Baroni cẩn thận lấy chiếc điện thoại ghi lại giây phút đầy cảm xúc khi các khán đài Rod Laver dành tặng cô những tràng pháo tay chúc mừng. Với một tay vợt đã 34 tuổi như Lucic-Baroni, được sống trong khoảnh khắc đó nghĩa là giấc mơ trở lại cũng đã trọn vẹn.
Video Lucic-Baroni selfie đầy cảm xúc sau trận bán kết với Serena:
Lucic gắn thêm họ thứ 2 Baroni vào tên sau khi cô lấy chồng, Daniele Baroni, năm 2011. Ở Australian Open vừa qua, Lucic-Baroni không tìm được nhà tài trợ áo đấu nên cô vừa sử dụng trang phục của Nike và Adidas khi thi đấu.