Phía sau chức VĐ Wimbledon trẻ của Lý Hoàng Nam: 10.000 USD & Một nỗi đau

thứ năm 16-7-2015 14:59:19 +07:00 0 bình luận
Ngành thể thao dự kiến sẽ hỗ trợ cho Hoàng Nam 10.000 USD mỗi năm. Thế nhưng rất bi hài, chính bộ môn tennis cũng thừa nhận về khả năng có thể bị đơn vị chủ quản… từ chối.

“Giờ thì hỗ trợ để làm gì?”
Việc ngành thể thao quyết định hỗ trợ 10.000 USD/năm cho Hoàng Nam chí ít cũng đã thể hiện sự quan tâm kịp thời sau kỳ tích của tài năng 18 tuổi này, nhất là trong điều kiện kinh phí chung khó khăn. Tuy nhiên, dường như nó chỉ mang nặng tính khuyến khích và trách nhiệm tình thế chứ không hề cho thấy sự đồng hành, chung sức trong việc đầu tư tài năng số 1 của tennis Việt Nam.

Đúng như câu hỏi rất vui và có phần cay nghiệt của một người trong cuộc rằng “giờ còn hỗ trợ để làm gì?”. Bởi kể từ khi Nam khởi nghiệp, trở thành một hiện tượng với chức VĐQG ở tuổi 16 rồi thậm chí đã mang về cho TTVN tấm HCV Á vận hội trẻ 2013, vấn đề hỗ trợ chưa bao giờ được đặt ra. Chưa kể, thay vì phải hợp tác thật tốt với đơn vị chủ quản Becamex Bình Dương, chính bộ môn và đặc biệt Liên đoàn tennis Việt Nam lại phần nào đó làm khó cho hành trình của Nam. Rõ nhất từ kế hoạch, mục tiêu tập huấn thi đấu của ĐTQG áp đặt và cũ kỹ, cùng cách xử lý cứng nhắc, bị động.

bbb

Thực tế, suốt bao nhiêu năm không hề có hỗ trợ, Nam vẫn được B.Bình Dương chăm lo thành tài, với khoản kinh phí giờ tối thiểu cũng 1 tỷ đồng mỗi năm. Cho nên họ cũng hoàn toàn có thể “xin cảm ơn và xin lỗi”, không nhận khoản hỗ trợ 10.000 USD vì số tiền này thực sự cũng không giải quyết được gì nhiều và đến ở thời điểm không thích hợp.

Nỗi đau tài năng trẻ bị “bỏ cỏ”
Vốn đã quá khan hiếm tài năng nhưng kể cả có những tài năng phát lộ, các nhà quản lý của cả ngành lẫn trực tiếp môn vẫn cứ hờ hững như không. Trong số này, ngoại trừ Việt Hà được quan tâm bằng một học bổng do IOC cấp, còn lại đều đã và đang bị “thả rông” đúng nghĩa, phó mặc cho gia đình hay đơn vị chủ quản. Từ những Minh Quân, Thùy Dung khi trước hay Hoàng Thiên, Đài Trang hiện tại. Việc gia đình tự bỏ tiền tỷ để thuê thầy ngoại, cho con xuất ngoại tập huấn, thi đấu thành tài được coi như chuyện… bình thường đến mức đương nhiên.

Đáng nói hơn, bộ môn rồi Liên đoàn tennis Việt Nam cũng chẳng cần biết, quan tâm những “của hiếm” ăn tập thế nào, phát triển ra sao, trong khi rõ ràng đó phải là trách nhiệm. Nghịch lý ở chỗ, không làm gì song trước mỗi chiến tích của các tài năng này, người ta lại cứ nhận công, nhận tiếng như là của mình.
Tầm cỡ như Hoàng Nam, phải đến khi làm nức lòng NHM cả nước, khiến làng banh nỉ thế giới phải biết đến Việt Nam với chức vô địch đôi nam Wimbelon những người có trách nhiệm mới đề nghị hỗ trợ 10.000 USD, đủ biết nỗi đau của tennis trẻ như thế nào.

Hoàng Nam đã tạo ra một cú “hích mới” cho những người chuyên môn, với cả phong trào và chính các tay vợt nhí đang nuôi mộng thành tài. Và không hiểu, các nhà quản lý có thấy đó là một cơ hội lịch sử để có thể “giải cứu” tennis Việt Nam hay lại tiếp tục xoa tay và ngồi chờ một Hoàng Nam mới bỗng dưng xuất hiện?

Hà Thảo 

Theo PCT kiêm TTK Liên đoàn tennis Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, ngay sau đây sẽ đề xuất ngành thể thao dành cho Hoàng Nam một suất đầu tư đặc biệt. Liên đoàn cùng bộ môn sẽ làm việc với Becamex Bình Dương cùng gia đình để thống nhất về một kế hoạch dài hạn, toàn diện cho Nam. Chỉ có điều, những người có trách nhiệm đã quên mất thực tế đơn vị chủ quản cũng đang đầu tư chuyên biệt cho Nam, tất nhiên theo cách và nguồn kinh phí của riêng họ chứ không nhờ gì ngành thể thao. 

Tay vợt Việt kiều Ngô Việt Hà là tài năng trẻ duy nhất từng được ngành thể thao đầu tư, thông qua suất học bổng Olympic, trị giá 600 Euro mỗi tháng. Rất bi hài bởi sau 2 năm nhận học bổng, tay vợt sinh năm 1990 tại Nga có bố mẹ người Việt này đã “lặn mất tăm”. Do cách biệt về địa lý, lại không có ràng buộc gì nên ngành thể thao đã phải ngậm ngùi cho qua.

Thực chất, kỳ tích mang tên Lý Hoàng Nam cũng không phản ánh được gì cho mảng thành tích cao lẫn nền tảng, phong trào của tennis Việt Nam đang yếu kém, tụt hậu kéo dài. Mới đây nhất, tại SEA Games 28, thậm chí tennis đã phải ra về tay trắng khi không giành nổi một tấm huy chương nào. 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm