Quần vợt nam của Mỹ: Khoảng lặng thời “hậu Sampras”

thứ sáu 28-8-2015 13:29:00 +07:00 0 bình luận
Serena Williams có thể đang dẫn đầu bảng xếp hạng WTA và hướng đến danh hiệu Grand Slam thứ 22 trong sự nghiệp, nhưng không một cây vợt nam nào của Mỹ hiện đứng trong Top 10 của ATP. Chính xác là họ chỉ có John Isner đứng thứ 13 trong Top 20.

Thực tế thì sự sa sút của quần vợt nam tại Mỹ đã được nói đến từ lâu bởi hơn một thập kỷ kể từ khi Andy Roddick giành US Open vào năm 2003, không một cây vợt nào của quốc gia này có tên trên bảng vàng Grand Slam trong 12 năm qua.

Khoảng lặng thời “hậu Sampras”

Thật khó tin là thực tế này đang diễn ra bất chấp việc quần vợt nam của Mỹ từng có thời gian thống trị Grand Slam trong kỷ nguyên Mở. Với 51 danh hiệu đánh đơn, các cây vợt nam như John McInroe, Arthur Ashe, Pete Sampras, Andre Agassi, Jim Courier… giúp Mỹ dẫn đầu bảng xếp hạng gấp nhiều gấp hai lần so với bất cứ quốc gia nào khác.

Không phủ nhận trong Top 100, Mỹ có 8 cây vợt và trong Top 200 là 12 cây vợt, chỉ sau Pháp và Tây Ban Nha, nhưng ở Top đầu, cuộc khủng hoảng tài năng được phơi bày rõ ràng hơn. Thậm chí đã kéo dài từ rất lâu.

Thống kê cho thấy vào tháng 05/1984, Mỹ có 24 cây vợt nam đứng trong Top 50 và 6 cây vợt trong Top 10 thế giới nhưng đến tháng 05/1994, họ chỉ còn 11 cây vợt nam đứng trong Top 50 và 4 cây vợt trong Top 10 (Sampras, Agassi, Chang và Todd Martin). Và hiện tại là không cây vợt nào trong Top 10 hay đúng hơn là sau mùa giải 2012, lần đầu kể từ hệ thống tính điểm ra đời năm 1973, không có cây vợt nam nào của Mỹ có mặt trong Top 10 cây vợt hàng đầu thế giới.

Dễ thấy rằng, cuộc chuyển giao quyền lực ở quần vợt nam của Mỹ đã không diễn ra như dự định bởi sau thế hệ của những huyền thoại như Pete Sampras, Andre Agassi, Jim Courier và Michael Chang, những cây vợt đã giành tổng cộng 27 danh hiệu Grand Slam đánh đơn từ năm 1989 đến 2003, thế hệ mới với Roddick dẫn đầu đã thất bại hoàn toàn. Cựu số 1 thế giới chỉ có vỏn vẹn một danh hiệu Grand Slam tại US Open vào năm 2003, bên cạnh 4 lần vào chung kết khác, trước khi anh giải nghệ cách đây 3 năm.

Sau Roddick, quần vợt nam của Mỹ chỉ còn lại Isner, giờ cũng đã 30 tuổi, và Sam Querrey, 27 tuổi, nhưng cả hai đều chưa một lần vào đến bán kết Grand Slam (thành tích của Isner là lọt vào tứ kết US Open năm 2011). So với họ, các cây vợt trẻ Steve Johnson (49), Jack Sock (28), Donald Young (68), Denis Kudla (74), Rajeev Ram (87), Tim Smyczek (95), Bjorn Fratangelo (111), Austin Krajicek (115), Ryan Harrison (133) và Jared Donaldson (146) còn ít được nhắc đến hơn và khó mà hy vọng một trong số họ sẽ có bước đột phá gì trong tương lai.

Để giải thích tại sao quần vợt nam của Mỹ suy thoái trầm trọng như vậy, người ta đã đưa ra rất nhiều lý do, trong đó một lý được nhắc đến nhiều là thanh thiếu niên nước này giờ thích chơi bóng bầu dục, bóng rổ… hơn là quần vợt.

Điều an ủi cho người Mỹ là ít nhất, một cây vợt khác của họ là Serena cũng đang thống trị bảng xếp hạng WTA, dù sau cô lại không có ai cả.

MẠNH HÀO

Trong khi quần vợt nam của Mỹ tiếp tục khủng hoảng, cây vợt nữ hàng đầu của họ là Serena Williams đã giành được 21 danh hiệu Grand Slam, trong đó có Australian Open, Roland Garros và Wimbledon trong năm 2015 này.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm