Ở tuổi 37, nhiều tay vợt có lẽ đã thấp thoáng ý nghĩ giải nghệ hoặc nếu duy trì thi đấu cũng như một cách tìm kiếm niềm vui với cái nghiệp của mình. Điều đó không đúng với Venus Williams.
Điều đầu tiên Venus Williams đón nhận sau trận thua 1-6, 6-0,7-5 trước đàn em Sloane Stephens là câu hỏi về bước tiếp theo của sự nghiệp.
Video Venus thất bại trước Stephens ở bán kết US Open:
“Bạn có ý gì?”, Venus phản ứng với thái độ khó chịu. Khi câu hỏi được nói lại, tay vợt 37 tuổi trả lời đơn giản: “Tôi sẽ vẫn tiếp tục thi đấu. Tôi không thấy có gì phức tạp ở đây cả”.
Đó thực tế là câu hỏi bình thường cho một tay vợt hay vận động viên nào ở độ tuổi tứ tuần sau khi phải nhận thất bại khó khăn. Dù có muốn thừa nhận hay không, họ rõ ràng đang ở điểm cuối sự nghiệp khi mà mỗi trận đấu đều có thể là lần cuối cùng.
Nhưng với Venus, có thể hiểu được vì sao cô lại không vui với câu hỏi về tương lai của mình. Năm nay là lần đầu tiên kể từ mùa giải 2003, Venus 2 lần lọt vào chung kết Grand Slam (Australian Open và Wimbledon). Cô cũng là tay vợt nữ duy nhất trụ lại đến tuần thứ 2 trong 7 giải Grand Slam gần nhất.
Điểm lại từ năm 2011 đến 2014, Venus tham dự 13 Grand Slam, không trận chung kết, số trận thắng thua chỉ là 16-12 với thành tích tốt nhất là một lần lọt vòng 4. Một phần nguyên nhân là do chấn thương và hội chứng Sjogren gây rối loạn hệ miễn dịch khiến cơ thể suy nhược mà Venus mắc phải.
Kết quả được cải thiện từ năm 2015, cô chị nhà Williams thi đấu 12 giải, 2 lần vào chung kết, thắng 42/54 trận cùng 10 lần ở lại giải đấu khi bước sang tuần thứ 2. Trước khi dự trận chung kết Grand Slam đầu tiên kể từ mùa 2009, Venus đã đánh dấu cho sự trở lại tại Wimbledon 2016 khi cô lần đầu vào bán kết Grand Slam sau 6 năm.
Nói cách khác, đây là thời điểm Venus đang thể hiện được những gì tinh túy nhất trong gần 1 thập kỷ qua dù đúng là cô đã 37 tuổi. Vì vậy mà chẳng có lý do nào khiến Venus phải nghĩ tới chuyện giải nghệ.
Tại Wimbledon năm nay, Venus trở thành tay vợt nữ thứ 2 trong lịch sử (cùng Martina Navratilova) đánh trận chung kết Grand Slam khi đã hơn 37 tuổi.
Nếu điều đó chưa đủ thuyết phục về sức mạnh của Venus, thống kê còn chỉ ra một số thành tích hiếm có khác mà Venus đạt được như là một trong 3 tay vợt duy nhất đứng trong Top 10 ở tuổi 37, là tay vợt lớn tuổi nhất lịch sử WTA đánh bại được tay vợt số 1 thế giới (trận thắng Angeliquker Kerber tại Miami).
“Thành thực mà nói, tôi ở đây để tìm kiếm chiến thắng chứ không phải thi đấu theo kiểu tìm niềm vui cuối sự nghiệp”, Venus chia sẻ: “Tôi luôn đặt mục tiêu và vị trí của mình trong tư thế cạnh tranh danh hiệu. Đó là tất cả những gì tôi đang làm”.
Venus đã đạt được mọi thứ trong 20 năm sự nghiệp. Tay vợt người Mỹ sở hữu 7 Grand Slam, HCV Olympic, vị trí số 1 thế giới cùng danh tiếng và một nền tảng vững chắc phía sau sân quần.
Nhưng đừng vì thế mà nhắc tới chuyện giải nghệ với Venus vào thời điểm này, vì nếu tiếp tục duy trì phong độ như hiện nay - điều hoàn toàn thực tế với những gì cho thấy trong hơn 12 tháng qua, Venus đủ sức chinh phục thêm nhiều chiếc cúp và cột mốc khác trên quãng đường sắp tới.