Một trong những ví dụ nổi bật nhất cho thấy ban tổ chức Wimbledon phạt tiền thuộc loại có tâm phải kể tới trường hợp của Serena Williams. Cô gái Mỹ bị phạt 8 ngàn bảng do hành động đập vợt xuống sân tới 4 lần trong một buổi tập cùng bà chị Venus Williams và không may là bị phóng viên chụp được.
Cơn giận của Serena Williams bùng phát ở cuối buổi tập và gây hậu quả là 3 mảng đất trong khu vực đập vợt bị hỏng, đồng thời người chăm sóc sân phải thu dọn các mảnh vỡ của cây vợt bị hỏng.
Thế nhưng, bất chấp sự cố xảy ra ở buổi tập trước ngày khởi tranh Wimbledon 2019, mãi tới khi vào tới tứ kết đơn nữ và đôi nam nữ cùng Andy Murray, Serena Williams mới nhận được án phạt.
Sở dĩ có sự chậm trễ như vậy không phải do ban tổ chức Wimbledon làm việc tắc trách, lề mề mà là do trân trọng việc Serena Williams dự giải: Cô chỉ thật sự tập luyện đúng nghĩa khoảng 10 ngày trước lúc Grand Slam sân cỏ khởi tranh.
Vì không muốn ảnh hưởng tới tâm lý và phong độ của Serena Williams, ban tổ chức Wimbledon cố gắng đợi tới lúc cô đạt thành tích tương đối tốt đủ để cảm thấy tự tin thì họ mới đòi tiền phạt. Từ lúc xảy ra sự cố ngày 30/6 đến lúc bị phạt ngày 9/7, Serena Williams có được 10 ngày thảnh thơi.
Đương nhiên Serena Williams là trường hợp quá nổi tiếng, lại còn đánh cặp với Andy Murray là cục cưng của người Anh nên được chiếu cố nhiều như vậy. Nhưng ngay cả những tay vợt kém danh tiếng hơn cũng được trân trọng ở mức nhất định.
Đơn cử có tay vợt Pháp Benoit Paire. Anh bị cảnh cáo lúc 14h00 do đập vợt trên sân. Ngay ngày hôm đó, ban tổ chức Wimbledon thông báo anh phải bồi thường 1.600 bảng. Khoản tiền đương nhiên nhỏ hơn nhiều so với Serena Williams. Có lẽ vì vậy mà thời gian ra án nhanh hơn, nhưng cũng phải tới 20h00 cùng ngày lúc Benoit Paire thi đấu xong để tránh ảnh hưởng tới thành tích của anh.