Sau World Cup 2010, Tây Ban Nha đem đến EURO 2016 một đội hình già hơn tới gần 2 tuổi. Kinh nghiệm tăng lên nhưng chất lượng của La Roja lại đang bị nghi ngờ.
Tại World Cup 2010 diễn ra ở Nam Phi, đội tuyển Tây Ban Nha có tuổi trung bình là 25,9, vốn được coi là lực lượng trẻ trung và có triển vọng phát triển hơn nữa. Trên thực tế, đội ngũ này tiếp tục vô địch EURO 2012 sau đó, trước khi bất ngờ bị loại sớm tại World Cup 2014. Đến EURO 2016 này, tuổi bình quân của La Roja tăng lên 27,5, nghĩa là già hơn tới gần 2 tuổi.
Thông thường, đây có thể coi là thời điểm Tây Ban Nha đạt thời mức độ hoàn hảo của độ chín. Họ vẫn có trong đội hình nhiều nhà cựu vô địch World Cup 2010, giải đấu lớn đầu tiên của Vicente del Bosque trên băng ghế huấn luyện. Đội ngũ này cũng nếm trải nhiều thành công tại giải đấu cấp châu lục tiếp theo cũng như trải nghiệm thất bại đau đớn ở đấu trường thế giới cách đây 2 năm.
Việc HLV Del Bosque tiếp nối đội hình gồm các trụ cột trong 4 năm sau khi vô địch World Cup thể hiện ở chỗ, Tây Ban Nha có mức tăng trung bình 0,9 tuổi cho một năm (0,83 cho giai đoạn 2010-2012 và 1,04 từ 2012-2014). Tuy nhiên, sau thất bại tại Brazil, nhà cầm quân đến từ Salamanca này đã đảo ngược xu hướng với nhiều cựu binh hơn so với năm 2010 nhưng trẻ hơn năm 2014.
Tại giải đấu trên đất Pháp, Del Bosque pha trộn đội ngũ cầu thủ kinh nghiệm từng vô địch châu Âu vào năm 2008 dưới sự chỉ huy của Luis Aragones (Iker Casillas, Sergio Ramos, Cesc Fabregas...) với những gương mặt trẻ đang tỏa sáng ở Tây Ban Nha và các giải vô địch lớn khác để và hạ thấp độ tuổi trung bình (Hector Bellerin, Lucas Vazquez, Alvaro Morata...).
Tại EURO 2016 này, cầu thủ nhiều tuổi nhất của đội tuyển Tây Ban Nha là Aritz Aduriz (35), vốn chưa bao giờ chơi một giải đấu lớn với La Roja. Ở các giải đấu lớn trước đó, Puyol (2010) và Xavi (2012 và 2014) là người kỳ cựu nhất. Trong khi đó, Bellerin trẻ nhất khi chỉ có 21 tuổi.
Tăng gần 2 tuổi so với năm 2010 cũng có nghĩa đội tuyển Tây Ban Nha trở nên giàu kinh nghiệm hơn khi một số cầu thủ thêm trưởng thành. Tuy nhiên, chất lượng của đội quân xứ đấu bò lại đang bị nghi ngờ do chính sự “già nua” của mình.
Sở dĩ nói như vậy bởi EURO 2016 được coi như giai đoạn chuyển giao lực lượng của Tây Ban Nha khi những chiến binh kỳ cựu như Andres Iniesta (32), Bruno (32), Aduritz (35), Juanfran (31), Casillas (35), David Silva (30), Sergio Ramos (30), Nolito (30) có thể dần nhường chỗ cho một thế hệ cầu thủ trẻ trung hơn trong tương lai không xa, chẳng hạn tại World Cup 2018 hay EURO 2020.
Trên thực tế, rất nhiều tài năng trẻ giàu triển vọng của Tây Ban Nha đang chờ đợi cuộc tiếp quản vị trí ở đội tuyển. Họ là những David de Gea, Sergio Rico, Bellerin, Koke, Thiago, Morata trong danh sách dự giải đấu lần này, hay một số gương mặt từng được triệu tập như Saul, Isco, Sergi Roberto, Paco Alcacer, Juan Bernat, Diego Llorente…
Trước mắt, việc sử dụng đội hình có tuổi trung bình cao vẫn là xu hướng chủ đạo của Tây Ban Nha tại EURO 2016. Dĩ nhiên, sau thất bại tại World Cup 2014, yếu tố kinh nghiệm này lại đang bị nghi ngờ.