Năm 1951, thế giới bóng rổ đứng trước một cú sốc lớn khi scandal dàn xếp tỉ số tại NCAA bị phanh phui. NBA nhận thấy đây là thời cơ thích hợp để kéo một bộ phận khán giả mới tới sân.
Haskell Cohen được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc phụ trách Quan hệ công chúng của Giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ, với nhiệm vụ đẩy mạnh quảng bá cho giải đấu. Ý tưởng đầu tiên của Cohen là học tập những gì mà các môn thể thao truyền thống đã thực hiện.
Vị giám đốc khi ấy mới 37 tuổi khi ấy bị hớp hồn với những trận đấu All-Star giữa mùa hè của Giải Bóng chày Nhà nghề Mỹ MLB, lập tức đề xuất: "Tại sao không phải là một trận đấu All-Star nhỉ? Bóng chày đã làm vậy và ai cũng thích". Chủ tịch Maurice Podoloff nhanh chóng tán thành và họp bàn với ông chủ của các đội bóng.
Trái với suy nghĩ của Ban điều hành NBA (chỉ có đúng hai người là Podoloff và Cohen), hầu hết các ông bầu đều lắc đầu trước suy nghĩ này. Lượng người theo dõi giải đấu quá ít ỏi và một sự kiện All-Star thiếu khán giả vừa gây lỗ, vừa tạo ra tiếng xấu.
Chỉ có một người đi ngược lại ý kiến chung: Walter Brown, ông chủ Boston Celtics. Ông tin rằng trận đấu gồm những cầu thủ xuất sắc nhất NBA sẽ là cú hích về danh tiếng, đưa giải đấu đi lên. Kể cả khi Podoloff nói về chuyện hủy bỏ ý tưởng vì không nhận được sự ủng hộ, Brown vẫn cương quyết giữ lập trường. Cựu HLV khúc côn cầu trên băng này hứa sẽ đài thọ toàn bộ chi phí cho sự kiện.
Walter Brown từng bán đất để có đủ tiền sáng lập đội bóng Boston Celtics, trở thành tiền đề tạo nên đế chế vĩ đại bậc nhất của NBA. Sự liều lĩnh của ông tiếp tục đem lại thành quả thêm một lần nữa ở sự kiện All-Star.
Ngày 2/3/1951, 20 cầu thủ NBA xuất sắc nhất hồi đó, như George Mikan, Bob Cousy, Dolph Schayes, Jim Pollard tề tựu tại TD Garden, tạo ra cuộc chiến đầu tiên giữa hai đội miền Đông và miền Tây. Đội miền Đông thắng 111-94 và Ed Macaulan của Boston Celtics trở thành MVP đầu tiên của sự kiện này với 20 điểm (2 năm sau ông mới được vinh danh, vì khi phải tới năm 1953 BTC mới nghĩ đến việc tạo ra giải thưởng MVP).
Nhưng kết quả trên sân có lẽ không ấn tượng bằng kết quả trên khán đài. Tổng cộng 10.094 người đã có mặt để theo dõi trận All-Star đầu tiên trong lịch sử. Con số đó chưa đủ để lấp đầy TD Garden, nhưng thừa sức đè bẹp con số khán giả trung bình tới xem NBA: vỏn vẹn 3.500 người mỗi trận.
Trận NBA All-Star Game đầu tiên trong lịch sử
Sự kiện ấy trở thành một bệ phóng khiến giải đấu trở nên nổi tiếng hơn. Sự kiện All-Star được duy trì tới tận ngày hôm nay. Sau 70 năm, nó trở thành một trong những sự kiện bóng rổ được trông đợi nhất thế giới, được trực tiếp ở hơn 200 quốc gia với hơn 40 ngôn ngữ. "NBA All-Star phản ánh tầm cỡ của mục tiêu mà chúng tôi đang hướng tới", cố Chủ tịch NBA David Stern chia sẻ.
Năm nay, NBA All-Star tròn 70 tuổi. Haskell Cohen không còn cơ hội để chứng kiến sự phát triển vượt bậc của giải đấu ngày hôm nay, nhưng di sản của cha đẻ All-Star sẽ còn trường tồn với thời gian.
********
Trước khi sự kiện NBA All-Star năm 1951 diễn ra, Giám đốc Haskell Cohen và Chủ tịch Maurice Podoloff bàn nhau về việc có nên tặng quà lưu niệm cho các cầu thủ tham gia trận đấu hay không.
- Podoloff: Anh có ý kiến gì không?
- Cohen: Tôi cũng không biết nữa, một cái huy hiệu cài áo hay nhẫn thì sao?
- Podoloff: Gì cũng được, nhưng mà không được quá 2,25 USD đâu nhé
Vào những năm 50, số tiền ấy đủ để mua được 4 cái vé xem phim.
"Hôm sau, chúng tôi đi mặc cả với một nhà bán lẻ", Haskell Cohen hồi tưởng. "Thế là mỗi cầu thủ được một cái ti vi mang về".