Nếu ai đó cảm thấy bóng rổ hiện đại ngày nay đang trở nên quá “mềm yếu", đầy rẫy các pha tiểu xảo, an vạ hay có quá nhiều tiếng còi thổi phạm lỗi cất lên, xé nhỏ trận đấu và khiến bóng rổ không còn đủ hấp dẫn, hãy tìm đến Fightball - một giải đấu hoàn toàn mới với thể thức thi đấu cực kỳ đặc biệt.
Đúng với cái tên của nó, cầu thủ tham dự Fightball sẽ phải chiến đấu hết mình mới có thể giành chiến thắng và “chiến đấu" ở đây được áp dùng theo nghĩa đen.
LUẬT THI ĐẤU ĐẶC BIỆT: NHỊP ĐỘ CAO, NHIỀU VA CHẠM VÀ ĐẦY HẤP DẪN
Mỗi trận đấu sẽ là màn so tài một đấu một (1-on-1) giữa hai cầu thủ trong một sân thi đấu đặc biệt.
Cột rổ vẫn được áp dụng tiêu chuẩn bình thường với chiều cao 3m05 nhưng chiều dài sân được rút ngắn xuống còn 40 feet, tương đương với hơn 12 mét, bằng một nửa so với chiều dài sân bóng rổ tiêu chuẩn.
Điều này được BTC lý giải sẽ giúp trận đấu diễn ra với nhịp độ cao hơn, căng thẳng hơn và giữ các cầu thủ trong trạng thái tâm lý năng động hơn, sẵn sàng bung sức để “chiến đấu".
Cùng với sân thi đấu được rút ngắn, thời gian thi đấu mỗi trận là 8 phút và được chia làm 2 hiệp.
Đồng hồ shot clock cũng tồn tại với thời gian cho mỗi đợt tấn công chỉ vỏn vẹn 8 giây, ít hơn gấp 3 lần so với bóng rổ 5x5 và cũng nhanh hơn 4 giây so với shot clock của bóng rổ 3x3.
Mỗi khi cầm bóng vào tay, người chơi sẽ lập tức phải chịu áp lực cực lớn đến từ đối thủ ngay từ phần sân nhà.
Về khâu ghi điểm, Fightball có hệ thống tính điểm rất đặc biệt để ưu tiên cho các pha dứt điểm cận rổ.
Mỗi cú úp rổ sẽ mang về 3 điểm, lên rổ và ném trung bình sẽ mang về 1 điểm. Giữa sân thi đấu có một vạch được gọi là “mid-line". Ném rổ thành công từ vạch này sẽ có 2 điểm.
Với cách tính điểm này, các cầu thủ sẽ tìm mọi cách để loại bỏ đối phương bằng gói kỹ năng của mình và thực hiện úp rổ, hướng đến điểm số cao nhất.
Nhưng nổi bật nhất trong “sách luật" của Fightball chính là luật va chạm và phạm lỗi, một trong những điểm khiến giải đấu trở nên nổi tiếng trên toàn cầu.
Trọng tài chỉ cất còi khi tình huống va chạm là quá mạnh hoặc các pha phạm lỗi có chủ đích xấu. Fightball lý giải rằng một lỗi thông thường tại giải sẽ tương đương với lỗi thô bạo (flagrant foul) tại NBA hoặc lỗi phản tinh thần thể thao tại FIBA.
Có lỗi đồng đội tại Fightball. Mỗi cầu thủ được phép phạm 2 lỗi cá nhân trong một hiệp và đưa quyền kiểm soát bóng về cho đối thủ.
Từ lỗi cá nhân thứ 3 trở đi ở mỗi hiệp đấu, người bị phạm lỗi sẽ được ném phạt với cú ném từ vạch mid-line. Mỗi quả phạt thành công sẽ mang về 2 điểm.
Va chạm nhiều là vậy, thế nhưng Fightball vẫn đảm bảo sự an toàn cho các cầu thủ bằng cách thẳng tay phạt những VĐV có ý chơi xấu hoặc gây chấn thương cho cầu thủ khác.
Đội ngũ trọng tài được đào tạo chuyên biệt sẽ xác định rằng pha phạm lỗi ấy có chủ đích xấu hay không. Nếu có, người phạm lỗi sẽ lập tức bị truất quyền thi đấu.
Ngoài ra trong toàn bộ trận đấu, các cầu thủ không được phép tranh cãi hoặc có hành động chống lại tiếng còi của trọng tài.
Chỉ cần một phản ứng với các trọng tài, cầu thủ sẽ bị truất quyền thi đấu. Điều này khiến các cầu thủ phải tập trung 100% vào việc thi đấu trên sân, không có chỗ cho những lời nài nỉ hay phân trần.
Là môn thể thao có nhiều va chạm, thế nhưng Fightball cũng không thiếu những cầu thủ có gói kỹ năng ấn tượng. Không chỉ thiên về sức mạnh hình thể, nhiều cầu thủ dự Fightball có các pha qua người điệu nghệ hay dứt điểm từ xa rất tốt.
Tính đến nay, Fightball đã tồn tại được 7 năm với giải thưởng ở mỗi lần tổ chức lên đến 100.000 đô la Mỹ. Đây được coi là phần thưởng “đổi đời" nếu các cầu thủ giành chiến thắng.
“Đối với tôi, khoản tiền thưởng ấy là tất cả những gì tôi hướng đến. Tôi không quan trọng việc phải hạ bệ đối thủ hay phải làm đau ai, tôi muốn có 100.000 đôla kia để lo cho gia đình mình. Tôi không được làm họ thất vọng", một cầu thủ chia sẻ.
“Bước vào cuộc chơi, bạn như bước vào một trận chiến. Nếu bạn là người cuối cùng còn đứng vững trên sân, bạn sẽ là người chiến thắng với phần thưởng kếch xù", một VĐV tham dự Fightball tại New York chia sẻ.